Anh tuyên bố ngừng hỗ trợ mọi hoạt động tìm kiếm và giải cứu đối với những người di cư gặp nạn trên biển Địa Trung Hải vì nếu duy trì, việc làm này chỉ càng khuyến khích dòng người vượt biển bất chấp điều kiện nguy hiểm.
Thứ trưởng Ngoại giao Anh Lady Anelay phát biểu trước báo giới cho rằng để ngăn chặn hiệu quả dòng người di cư và tị nạn vượt biển thì các nước cần phải thực hiện biện pháp ngay tại điểm xuất phát hoặc điểm trung chuyển người di cư.
Những đối tượng tổ chức đưa người di cư bất hợp pháp cũng phải bị trừng trị thẳng tay.
Anh đưa ra quyết định trên trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là Italy sẽ kết thúc chiến dịch giải cứu trên biển mang tên "Mare Nostrum."
Chiến dịch này đã cứu sống khoảng 150.000 người di cư và tị nạn trên biển Địa Trung Hải kể từ sau thảm họa chìm tàu Lampedusa làm 500 người thiệt mạng hồi tháng 10/2013.
Nhà chức trách Italy cho biết chiến dịch "Mare Nostrum" có sự tham gia đáng kể của lực lượng hải quân và không thể được kéo dài mãi.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.500 người được cho là đã chết đuối hoặc mất tích trên Địa Trung Hải.
Theo kế hoạch, sau khi chiến dịch "Mare Nostrum" của Italy kết thúc, Cơ quan biên giới châu Âu Frontex sẽ phát động chiến dịch "bảo vệ biên giới" chung mang mật danh Triton.
Chiến dịch sẽ được khởi động từ ngày 1/11, bao gồm hoạt động tuần tra trong phạm vi 30 dặm tính từ bờ biển Italy mà không có các hoạt động tìm kiếm và giải cứu trên Địa Trung Hải.
Trước đó, các bộ trưởng nội vụ châu Âu thừa nhận rằng tình hình di cư qua Địa Trung Hải diễn biến rất đáng lo ngại và ngày càng có xu hướng tiếp tục tăng.
Cùng với việc triển khai "Đội đặc nhiệm Địa Trung Hải" gồm hai máy bay giám sát và ba tàu tuần tra cho chiến dịch Triton, các bộ trưởng cũng nhất trí cần phải có các biện pháp đồng bộ từ các nước Bắc Phi, trong đó có việc ngăn chặn việc cung cấp tàu từ Tunisia và Ai Cập cho những kẻ đưa người di cư trái phép./.