Theo AFP, cơn thịnh nộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vụ rò rỉ thư điện tử của Đại sứ Anh cho thấy tình huống khó xử mà các nhà ngoại giao phải đối mặt đã bùng nổ trong thời kỳ rò rỉ thông tin trên mạng Internet.
Ông Trump hôm 9/7 đã gọi Đại sứ Anh tại Mỹ, ông Kim Darroch, là một "gã vô cùng ngốc nghếch" và là một "kẻ khờ tự đắc" sau khi rò rỉ một công văn tuyệt mật miêu tả Nhà Trắng là "đặc biệt không bình thường."
Ông Darroch, đại diện cho một chính quyền vốn lâu nay nỗ lực ve vãn ông Trump để duy trì "mối quan hệ đặc biệt" giữa Washington và London, đã phải đối mặt với hỏa thịnh nộ của ông Trump sau khi tờ The Mail hôm 7/7 công bố các bức thư điện tử bị rò rỉ của ông.
Mặc dù các nhà ngoại giao được đào tạo và huấn luyện để thể hiện nụ cười lịch sự và thể hiện bầu không khí ổn định khi họ đại diện cho đất nước làm việc ở nước khác, song họ cũng đóng một vai trò kín đáo và thận trọng hơn khi cung cấp những thông tin chân thật tại địa bàn họ làm việc cho chính phủ của mình.
Nhìn lại vụ việc gây chấn động dư luận nhất về hoạt động thông tin liên lạc nội bộ của các nhà ngoại giao, trang mạng WikiLeaks hồi năm 2010 đã công bố hơn 250.000 thư điện tử nội bộ từ giới chức ngoại giao Mỹ, hé lộ những bình luận không thận trọng về giới lãnh đạo nước ngoài.
Theo Brett Bruen, từng là nhà ngoại giao Mỹ và giám đốc chương trình can dự toàn cầu thuộc Nhà Trắng thời Chính quyền Barack Obama, vụ việc mới nhất này sẽ làm thay đổi cách thức hoạt động của các đại sứ.
"Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đại sứ và nhà ngoại giao hơn sẽ dành những bình luận quan trọng cho các cuộc họp qua truyền hình hoặc điện đàm, vì các hình thức liên lạc kiểu này, chí ít là trên các đường dây liên lạc an toàn, tại thời điểm hiện nay chưa bị tấn công," ông Bruen giải thích.
[Quan hệ Anh-Mỹ bị tổn hại vì vụ rò rỉ thông tin nhạy cảm]
Bruen, người hiện đang điều hành hãng truyền thông Global Situation Room, cũng nhận định rằng ông Trump đã biết được những sự thật cay nghiệt về ngoại giao sau khi dường như tin rằng Anh đã dành tình cảm chân thành cho ông khi trải thảm đỏ cho chuyến thăm cấp nhà nước hồi tháng Sáu.
Điện tín từ truyền thống đến hiện đại
Hình thức trao đổi thông tin bằng điện tín là di sản của nền ngoại giao châu Âu, khi các đại diện ngoại giao đi lại trong triều đình hoàng gia dán kín thông điệp của họ trong những bao túi ngoại giao. Những bao túi này vẫn được bảo vệ theo luật quốc tế mà Mỹ hiện vẫn phải thuê khoảng 100 nhân viên đưa thư để phân phát những tài liệu mật và nhạy cảm.
Việc ra đời các đường cáp quang ngầm đã dẫn đến sự ra đời của "thư điện tử." Ở Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như nhiều bộ ngoại giao của các nước khác, việc viết thư tín điện tử đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật (soạn thảo văn bản) được đào tạo cho các nhân viên ngoại giao mới vào nghề, những người vốn hiểu rõ rằng một bản ghi nhớ hay thông báo nội bộ mau lẹ, chi tiết và đầy đủ có thể được lãnh đạo cao nhất đọc được và qua đó giúp tạo "cú huých" cho sự nghiệp.
Tình huống khó xử liên quan các vụ thư điện tử bị rò rỉ khiến một số nhà ngoại giao không thể trụ vững vị trí của mình. Đại sứ Mỹ tại Mexico đã phải từ bỏ sự nghiệp sau vụ rò rỉ thư điện tử, trong đó thể hiện sự nghi ngờ cam kết của quân đội Mexico đối với cuộc chiến chống lại các nhóm buôn lậu ma túy.
Hoặc đại diện ngoại giao Mỹ đã phải rời khỏi Libya sau khi bình luận việc nhà lãnh đạo Libya khi ấy là Muammer Gaddafi yêu mến một nhân viên y tá "tóc vàng hoe khêu gợi" từ Ukraine./.