Theo tiết lộ của báo chí Anh ngày 12/7, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei vừa xin được gặp khẩn cấp Thủ tướng Anh Boris Johnson để bàn về một thỏa thuận mà theo đó London sẽ dời ngày loại Huawei ra khỏi mạng 5G của Anh qua sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 6/2025.
Theo tuần báo Anh Sunday Times, Huawei hy vọng rằng với một chính phủ mới hình thành sau cuộc bầu cử, Anh có thể đảo ngược quyết định chống tập đoàn Trung Quốc.
Nỗ lực vào phút chót nói trên của Huawei được đưa ra 2 hôm sau khi báo chí Anh ngày 10/7 tiết lộ London sắp yêu cầu các doanh nghiệp loại bỏ hoàn toàn các thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng viễn thông 5G của Anh.
[Anh tìm kiếm đối tác từ Nhật Bản để thay thế Huawei phát triển mạng 5G]
Trước đó đã có tin Huawei có nguy cơ bị loại khỏi cuộc đua xây dựng mạng lưới 5G tại Pháp, cũng như việc tập đoàn Trung Quốc này bị Telecom Italia (TIM), công ty viễn thông hàng đầu tại Italy, gạt ra khỏi cuộc đấu thầu cung cấp thiết bị cốt lõi cho mạng 5G mà TIM đang chuẩn bị xây dựng ở Italy và Brazil.
Công nghệ Huawei rẻ hơn công nghệ của các tập đoàn châu Âu, song những cáo buộc và nghi ngờ về khả năng Huawei làm gián điệp không làm cho các nước khác an tâm.
Theo BBC, có thể khi Anh công bố các kế hoạch được dự trù trước, nhằm hạn chế thêm sự tham gia của Huawei - "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc - vào mạng viễn thông di động 5G của nước này, đây là thời điểm mà sự căng thẳng âm ỉ Trung-Anh có thể đi đến tình trạng sôi sục.
Đến nay, Trung Quốc đã buông những lời đe dọa chung chung. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh ngày 6/7 đã không ngần ngại cho rằng việc cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G của Anh sẽ gây tổn hại quan hệ song phương, và London sẽ phải “gánh chịu hậu quả.”
Ngoại giao Trung Quốc với tầm nhìn dài?
Khi bị hỏi dồn, cả về quyết định liên quan đến Huawei và việc Anh đề xuất mở đường cho 3 triệu người Hong Kong trở thành công dân Anh sau khi Trung Quốc áp đặt Luật An ninh Quốc gia mới hà khắc lên thành phố này, Đại sứ Lưu Hiểu Minh từ chối cho biết Bắc Kinh có thể sẽ phản ứng như thế nào, ông chỉ nói: "Hãy chờ xem."
Một phản ứng chậm không có gì là bất thường. Trung Quốc nổi tiếng là có quan điểm lâu dài về ngoại giao. Trong khi nhiều chính trị gia phương Tây khó có thể nhìn thấy xa quá tuần tới, các chính khách Trung Quốc thường nhìn lịch sử trong nhiều thập niên, nếu không nói là hàng thế kỷ.
Trung Quốc biết sự thay đổi của Anh đối với Huawei là một phần của nỗ lực đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc mà hiện vẫn chưa có kết luận.
Một động thái gọi là “đánh giá tích hợp” về chính sách đối ngoại của Anh đang được tiến hành, trong đó sức mạnh đang lên của Trung Quốc sẽ đóng vai trò tâm điểm.
Do hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), chính phủ Anh đang xét lại nguy cơ kinh tế của Anh trong việc giao thương với Trung Quốc, không chỉ về mặt dược phẩm hay thiết bị y tế, mà cả các chuỗi cung ứng khác.
Chính phủ Anh đã nắm thêm quyền hạn để ngăn chặn các tập đoàn Trung Quốc tiếp quản các công ty của Anh, và đang soạn thêm luật dưới dạng Dự luật Đầu tư và An ninh Quốc gia.
Thúc giục chính phủ ở mọi chặng đường là một quốc hội đang muốn đẩy mạnh một đường lối cứng rắn hơn về Trung Quốc.
Có một sự hợp tác của các nhóm mới trong đảng Bảo thủ Anh - Nhóm nghiên cứu Trung Quốc, Nhóm lợi ích Huawei, Liên minh Nghị viện về Trung Quốc.
Công đảng Anh cũng đang vất vả vận động hành lang, với việc người phát ngôn Lisa Nandy kêu gọi kiềm chế sự đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia, như năng lượng hạt nhân.
Đảng Dân chủ cấp tiến muốn Vương quốc Anh cấp quyền định cư cho tất cả người dân Hong Kong, không chỉ những người có hộ chiếu Anh.
Vì vậy, phản ứng chính sách đối ngoại của Anh với Trung Quốc đang thay đổi. Bắc Kinh có thể đang chờ xem họ giải quyết như thế nào trước khi quyết định mức giá mà Anh phải trả cho sự quyết đoán mới của mình.
Quan điểm của Anh
Theo hãng tin AP, ngày càng có nhiều người trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson có quan điểm cứng rắn và lâu dài hơn về mối quan hệ Anh-Trung.
Nhiều người nói rằng Anh đã quá tự mãn và cả tin khi cho rằng mình có thể gặt hái được các lợi ích kinh tế từ mối quan hệ với Trung Quốc mà không phải gánh chịu bất kỳ hậu quả chính trị nào.
Nghị sỹ Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ, nói: "Vấn đề không phải là Anh muốn cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Vấn đề là bản thân Trung Quốc đang dần trở thành một đối tác rất không đáng tin và khá nguy hiểm."
Ông Duncan Smith đã vận động các thành viên khác của đảng Bảo thủ ủng hộ việc loại Huawei khỏi mạng di động 5G của Anh. Không chỉ vậy, ông còn cho rằng mọi công nghệ hiện nay của Huawei đã được lắp đặt trong các cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh cũng cần bị loại bỏ càng sớm càng tốt.
Nigel Inkster, cố vấn cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng vấn đề với Huawei không phải là các mối đe dọa an ninh trực tiếp. Thay vào đó, theo ông, lo ngại nằm ở những ẩn ý địa chính trị của việc Trung Quốc thống trị công nghệ 5G.
Ông Inkster nói: "Điều này không phải là về do thám mạng như mọi người vẫn quan niệm, rốt cuộc đó là điều xảy ra ở khắp mọi nơi." Dù vậy, theo ông Inkster, Anh cần có một chiến lược có tính cố kết hơn đối với Trung Quốc để cân bằng các yếu tố kinh tế và an ninh.
Một số người đã cảnh báo về mối quan hệ căng thẳng leo thang giữa Anh và Trung Quốc. Philip Hammond, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh, cảnh báo rằng các mối quan hệ lỏng lẻo với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là điều rất không khôn ngoan trong bối cảnh Anh đang cắt đứt quan hệ thương mại với châu Âu và đang tìm kiếm các đối tác khác.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Vào một thời điểm nào đó, tất nhiên, Trung Quốc cũng có thể thực thi một số biện pháp đe dọa đối với Anh.
Có nhiều lựa chọn. Bắc Kinh có thể khiến các công ty Anh khó hoạt động hơn ở các thị trường Trung Quốc. Trung Quốc có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt lên hàng hoá cụ thể.
Họ có thể hạn chế - hoặc thậm chí đảo ngược - đầu tư của Trung Quốc vào Anh, giảm số lượng sinh viên và học sinh Trung Quốc ở Anh, gây ảnh hưởng tài chính cho các trường đại học và trường công đã trở nên quá phụ thuộc vào học phí nước ngoài.
Việc Trung Quốc phản ứng lại mạnh như thế nào có thể phụ thuộc vào các quyết định cụ thể, như họ có muốn biến Anh quốc thành một thí dụ để “làm gương cho người khác,” liên quan tới các quyết định về Hong Kong và Huawei, hay không.
Trung Quốc biết họ có khả năng trừng phạt nghiêm khắc Anh vào thời điểm London cần nhiều giao thương và đầu tư nhất có thể được trong thời kỳ suy thoái kinh tế sau COVID-19. Hoặc có thể sẽ có một xem xét chiến lược rộng hơn.
Trung Quốc thực sự muốn đối đầu bao nhiêu với các nước trên thế giới? Quyết đoán hơn ở nước ngoài để khuyến khích tinh thần dân tộc quốc nội là một chuyện.
Bước vào một kỷ nguyên căng thẳng kéo dài ở mức độ thấp với phương Tây, trước nguy cơ leo thang liên tục ở thời điểm bất ổn kinh tế rất lớn, lại là một điều khác.
Mối nguy hiểm đối với Trung Quốc là sự gây hấn của họ đã trở thành chất xúc tác đoàn kết các quốc gia chống lại nước này.
Trong khi trước đây Trung Quốc có thể "bắn tỉa" từng quốc gia, thì giờ đây họ có thể sẽ bị hạn chế hơn nếu liên minh tình báo Five Eyes - gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand - nối kết với các nền dân chủ khác - như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản - và các quốc gia khác để đẩy lùi Trung Quốc.
Ngày 9/7, các bộ trưởng ngoại giao của mạng lưới Five Eyes đã thảo luận về những hành động kế tiếp về tình hình Hong Kong. Trong khi cái gọi là “bộ tứ,” gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, đang tăng cường hợp tác quốc phòng.
Quyết định chiến lược lớn đối với nhiều quốc gia trong thế kỷ 21 là làm thế nào để có được sự cân bằng đúng đắn trong mối quan hệ với Trung Quốc giữa tương giao và độc lập, giữa bảo vệ các giá trị và bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
Trong khi Trung Quốc đang tham gia vào các cuộc giao tranh ngoại giao trên toàn cầu, quyết định lớn đối với Bắc Kinh là họ muốn chiến đấu hăng đến mức nào./.