Ngày 13/9, các cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Anh khuyến nghị tất cả trẻ em từ 12-15 tuổi tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 để tránh gián đoạn việc học tập.
Lời khuyên nói trên của các giám đốc cơ quan y tế ở Anh được cho sẽ mở đường cho kế hoạch tiêm phủ vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12-15 tuổi ở Anh, sau khi Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng (JCVI) - cơ quan tư vấn về vaccine của Chính phủ Anh, hồi đầu tháng này khuyến nghị không tiêm vaccine cho trẻ em khỏe mạnh từ 12-15 tuổi.
Trong một bức thư, các giám đốc cơ quan y tế cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ em có thể làm giảm nguy cơ gián đoạn học tập của trẻ tại trường học. Do đó, họ khuyến nghị các bộ trưởng đề xuất tiêm đại trà mũi một vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho tất cả trẻ em từ 12-15 tuổi hiện chưa thuộc diện bao phủ vaccine theo khuyến nghị của JCVI hiện nay.
Các cố vấn trên - đều là những bác sỹ hàng đầu ở vùng England, Scotland, Wales và Bắc Ireland, cho biết mũi vaccine thứ hai sẽ không nên cung cấp cho nhóm tuổi này cho đến ít nhất là mùa Xuân 2022 vì họ sẽ phải đợi thêm dữ liệu trên phạm vi quốc tế.
Liên quan tới nỗ lực chống dịch COVID-19, ngày 13/9, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết chính phủ nước này sẽ chỉ tái áp đặt phong tỏa khi không còn phương án khác.
Phát biểu với báo giới, quan chức trên nêu rõ Chính phủ Anh không có kế hoạch áp đặt đợt phong tỏa mới, và biện pháp này chỉ được thực hiện như một phương án cuối cùng nhờ chương trình tiêm chủng được đẩy mạnh.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Johnson tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ đất nước trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Cách mà mọi thứ đang diễn ra ở thời điểm hiện tại khiến chúng tôi rất tự tin vào các bước mà chúng tôi đã thực hiện."
Indonesia tiếp nhận thêm 9,5 triệu liều vaccine của hãng Sinovac
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 12 và 13/9, Indonesia đã tiếp nhận thêm 3 lô vaccine thành phẩm ngừa COVID-19 với tổng cộng 9,5 triệu liều, nâng tổng số vaccine mà nước này sở hữu cho tới nay lên 240 triệu liều.
Cụ thể, lô 58 với tổng cộng 2.296.960 liều vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) đã được chuyển đến Indonesia vào ngày 12/9 thông qua Cơ chế COVAX. Lô 59 và lô 60 được bàn giao trong ngày 13/9, trong đó lô 59 với 5 triệu liều do Indonesia đặt mua từ hãng Sinovac và lô 60 với 2.295.680 liều vaccine Sinovac được phân phối qua Cơ chế COVAX.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn về chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết việc tiếp nhận các lô vaccine này sẽ góp phần đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine ở Indonesia.
[Ấn Độ lo nhiều người bỏ tiêm mũi thứ 2, Trung Quốc nỗ lực chặn dịch]
Theo bà Nadia, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục thúc đẩy mua sắm vaccine thông qua các chương trình khác nhau, cụ thể là đa phương, song phương và mua trực tiếp, nhằm nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi đại dịch.
Ngoài việc đảm bảo nguồn cung vaccine, Chính phủ Indonesia tiếp tục tăng cường các nỗ lực nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.
Tính đến hết ngày 12/9, 72.876.368 người tại nước này đã được tiêm mũi thứ nhất và 41.785.594 người đã hoàn thành liệu trình tiêm vaccine.
Cũng trong ngày 13/9,, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 2.577 ca mắc COVID-19, mức mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 15/5, nâng tổng số ca lây nhiễm tại quốc gia này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 3/2020 lên 4.170.088 ca.
Lực lượng đặc trách ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ nước này cũng công bố có thêm 276 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6, nâng tổng số người không qua khỏi lên 139.165 người.
Đặc biệt, số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà giảm 10.173 người xuống còn 99.696 người, mức thấp nhất kể từ ngày 27/5, trong khi số ca nghi nhiễm là 286.170 ca.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày cũng giảm xuống mức kỷ lục 1,45%, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo 5% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Hôm 10/9, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố Indonesia sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào cuối năm nay./.