Anh khuyến cáo các tàu thuyền tránh đi qua Eo biển Hormuz

Sau vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Thụy Điển, Anh đã đưa ra khuyến cáo các tàu thuyền của nước này tạm tránh đến Eo biển Hormuz.
Tàu chở dầu "Stena Impero" của Thụy Điển. (Nguồn: Guardian)

Ngày 20/7, Anh đã khuyến cáo các tàu thuyền của nước này tạm tránh đến Eo biển Hormuz "trong một thời gian," một ngày sau vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Thụy Điển treo cờ Anh tại đây.

Phát biểu sau một cuộc họp Ủy ban Các vấn đề khẩn cấp (COBRA) của Chính phủ Anh để thảo luận về cuộc khủng hoảng này, người phát ngôn chính phủ cho biết: "Chúng tôi vẫn lo ngại sâu sắc về các hành động không thể chấp nhận được của Iran, cho thấy một sự thách thức công khai đối với quyền tự do đi lại tại các vùng biển quốc tế."

Bà cũng nhắc lại bình luận của Ngoại trưởng Jeremy Hunt trước đó, rằng "hậu quả sẽ nghiêm trọng nếu tình hình này không được giải quyết."

Theo người phát ngôn trên, cuối tuần này sẽ có nhiều cuộc họp khác và Anh vẫn đang duy trì nhiều kênh tiếp xúc chặt chẽ với các đối tác quốc tế.

[Iran điều tra vụ tàu chở dầu treo cờ Anh va chạm với tàu đánh cá]

Cùng ngày, Philippines cho biết sẽ đề nghị Iran trả tự do cho thủy thủ người Philippines trên tàu Stena Impero.

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết một trong số thành viên thủy thủ đoàn là công dân Philippines, 18 người là công dân Iran, 3 người Nga và 1 người Latvia.

(Nguồn: AFP/Getty Images)

Cơ quan cung cấp thủy thủ người Philippines trên đã thông báo với chính quyền Manila rằng không có người bị thương khi tàu bị lai dắt vào bờ biển Iran.

Cơ quan này cho biết thêm Đại sứ Philippines tại Iran Fred Santos đang tiếp xúc với chính quyền Iran để đảm bảo thủy thủ này được an toàn và sẽ sớm được trả tự do.

Trước những diễn biến mới căng thẳng tại vùng Vịnh, ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lo ngại trước tình thế đối đầu hiện nay giữa Iran và phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh.

Trả lời phỏng vấn được đăng tải trên trang web chính thức của Điện Kremlin, ông Putin nhấn mạnh: "Điều này khiến chúng tôi lo ngại vì đang diễn ra gần biên giới đất nước chúng tôi. Điều này có thể gây bất ổn tình hình xung quanh Iran, tác động tới một số quốc gia mà chúng tôi có mối quan hệ rất gần gũi, khiến làn sóng di cư ngày càng đông, và gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế thế giới, cũng như lĩnh vực năng lượng toàn cầu."

Tổng thống Nga hoan nghênh mọi động thái cải thiện trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, đồng thời nhắc lại rằng "leo thang căng thẳng sẽ gây bất lợi cho tất cả các bên."

Vụ bắt giữ tàu Stena Impero là diễn biến mới nhất làm leo thang căng thẳng tại vùng Vịnh. Giới chức Iran cho biết tàu Stena Impero đã va chạm với một tàu đánh cá của Iran trước khi bị bắt.

Trong khi đó, Anh cho biết một tàu thứ hai cũng đã bị Iran bắt tại Vịnh Persian, tàu Mesdar treo cờ Liberia.

Chủ sở hữu tàu Mesdar của Anh cho biết tàu đã bị các nhân viên có vũ trang xông lên, nhưng sau đó lực lượng này đã để cho tàu đi và toàn bộ thủy thủ "đều an toàn và khỏe mạnh."

Quan hệ giữa Mỹ và Iran trở nên căng thẳng từ tháng 5/2018 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các lệnh trừng phạt.

Quan hệ giữa hai nước càng xấu hơn từ 2 tháng trở lại đây khi Mỹ tăng cường sức ép nhằm ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của Iran.

Mối quan hệ này đã tiến sát "lằn ranh đỏ" sau vụ Iran bắn rơi máy bay do thám không người lái của Mỹ tại Hormuz ngày 20/6.

Cho dù đã rút lại quyết định không kích trả đũa Iran vào phút chót, nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn áp đặt nhiều lệnh cấm vận mới nhằm vào các quan chức hàng đầu Iran.

Phía Tehran đáp trả bằng cách rút khỏi một số cam kết hạt nhân quan trọng nhất và vượt ngưỡng cho phép làm giàu urani trong thỏa thuận JCPOA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục