Ngày 8/9, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định việc tìm ra giải pháp cho vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU)- hay còn gọi là Brexit, là "trong tầm tay."
Đồng thời, ông Johnson cho rằng Anh và EU nên hợp tác chặt chẽ trong vấn đề này thay vì đổ hoàn toàn trách nhiệm cho một phía.
Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Tallinn của Estonia khi tới đây tham dự hội nghị ngoại trưởng EU, ông Jonhson nhấn mạnh chắc chắn có giải pháp cho vấn đề này và hai bên nên cùng nhau tháo gỡ. Hai miền Nam và Bắc Ireland từng có khu vực đi lại chung và các bên nên cùng nỗ lực để tiếp tục duy trì thông lệ vốn đã tồn tại hàng thế kỷ này.
Bên cạnh đó, ông Johnson một lần nữa nhắc lại lập trường của Anh về việc các cuộc đàm phán "ly hôn" phải được tiến hành cùng lúc với các cuộc đàm phán về mối quan hệ song phương hậu Brexit.
Ông nhấn mạnh điều này đã được nêu rất rõ trong điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định về việc cho phép một quốc gia thành viên rời khỏi liên minh.
Ông Johnson cũng tin tưởng chắc chắn phía Anh sẽ đạt được thỏa thuận với EU.
Từ lâu nay, người và hàng hóa vẫn được qua lại giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Anh và Cộng hòa Ireland một cách tự do mà không có quy định ràng buộc nào.
Tuy nhiên, khi Anh rời EU, cách thức quản lý sẽ có sự thay đổi dù hai bên vẫn luôn mong muốn tránh thiết lập một đường biên giới "cứng" giữa hai miền Ireland.
Hiện, vấn đề này đang là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất trong tiến trình phán Brexit.
[Ireland: Không có đề xuất cho biên giới trên biển với Anh sau Brexit]
Ngày 7/9, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier tỏ rõ sự quan ngại về các kế hoạch dàn xếp vấn đề biên giới với Ireland mà Anh đã đề xuất, đồng thời nhấn mạnh EU sẽ không để Anh sử dụng vấn đề biên giới với Ireland như "liều thuốc thử" đối với mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và EU.
Cho tới nay, khi thời gian hoàn tất tiến trình đàm phán đang ngày càng rút ngắn, các cuộc đàm phán Brexit vẫn diễn ra hết sức chậm chạp.
Trong khi Anh một mực cho rằng các cuộc đàm phán Brexit phải gắn liền với đàm phán về quan hệ tương lai, phía EU quả quyết phải có những tiến bộ rõ rệt trong các vấn đề "chia tách" trong đó bao gồm vấn đề biên giới Ireland, thì mới có thể tiến tới đàm phán quan hệ song phương hậu Brexit đặc biệt là quan hệ thương mại.
Chính điều này càng làm cho việc tìm ra giải pháp cho vấn đề biên giới Ireland càng trở nên khó khăn bởi Anh khẳng định việc xác định cách thức giao dịch hàng hóa và di chuyển giữa hai miền Ireland có liên quan chặt chẽ tới các thỏa thuận hải quan rộng hơn giữa Anh và EU hậu Brexit.
Liên quan đến vấn đề nhạy cảm này, Ngoại trưởng Ireland, Simon Coveney ngày 8/9 cũng cảnh báo một đường biên giới "cứng" giữa Bắc Ireland và Ireland sau sự kiện Brexit có thể đe dọa nền hòa bình vốn rất gian nan mới có được ở Bắc Ireland sau 30 thập kỷ đàm phán./.