Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực từ đà bán tháo trên thị trường chứng khoán thế giới. Các chỉ số dường như rơi tự do ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay.
Tạm dừng phiên sáng VN-Index giảm tới 47,8 điểm xuống 946,16 điểm. Toàn sàn có 22 mã tăng giá, 19 mã đứng giá và có tới 295 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch tăng vọt với hơn 223,8 triệu đơn vị cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng với giá trị hơn 4.837,4 tỷ đồng.
HNX-Index cũng giảm tới 5,79 điểm xuống 107,97 điểm. Toàn sàn có 16 mã tăng giá, 30 mã đứng giá và 144 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt trên 68,74 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 927,4 tỷ đồng.
Tất cả các mã trong rổ cổ phiếu VN30 đều giảm giá rất sâu; trong đó, HSG giảm tới 6,8% xuống mức giá sàn 11.700 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh tới hơn 10,7 triệu đơn vị, HPG cũng giảm 5,4% và khớp lệnh gần 11 triệu đơn vị. GAS giảm 5,8%, VRE giảm 5%, VIC giảm 4,8%, VJC giảm 4,3%, VNM giảm 3%, ROS giảm 5,2%, FPT giảm 4,2%,…
[Chứng khoán Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung]
Cổ phiếu vốn hóa lớn thứ nhì thị trương là VHM cũng giảm tới 5,6% đã gây áp lực rất lớn lên chỉ số. Thị trường không có lực đỡ từ nhóm cổ phiếu nào. Tất cả các nhóm cổ phiếu chính đầu chìm sâu trong sắc đỏ.
Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, PLX giảm tới 6,1%, BSR giảm 10,8%, OIL giảm 9,8%, POW giảm 7,8%, PVB giảm 9,5%, PVC giảm 7,5%, PVS giảm 9,3%. Hai mã PVD và TDG còn giảm xuống mức giá sàn. Không còn mã dầu khí nào ở chiều tăng giá.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng giảm rất sâu. Duy nhất chỉ còn mã KLB tăng 1%, tất cả các mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ. ACB giảm tới 6%, BID giảm 6,4%, CTG giảm 5,9%, TCB giảm 5,4%, VIB giảm 6,6%, VPB giảm 6,4%, MBB giảm 5,3%, STB giảm 5,2%,… Cùng với việc giảm giá mạnh thì thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng đạt rất cao.
Cùng chung với xu hướng thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm mạnh. SSI giảm 6,4%, MBS giảm 6,7%, BVS giảm 8%,….Đáng chú ý, các mã SHS, CTS, ART, VND, VIG,… giảm xuống mức giá sàn.
Khối ngoại cũng bán ròng rất mạnh trên 2 sàn niêm yết. Trên HOSE, khối ngoại đã bán ròng tới hơn 5,86 triệu đơn vị, với giá trị bán ròng đạt gần 282 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng mạnh các mã như VIC (hơn 40,1 tỷ đồng), VNM (hơn 37,8 tỷ đồng), MSN (hơn 36,4 tỷ đồng). Khối ngoại mua ròng VRE, SBT, PVD đều ở mức hơn 8 tỷ đồng.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu, với giá trị bán ròng 4,62 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh các mã SHB trên 8,5 tỷ đồng và mua ròng VGC hơn 6,6 tỷ đồng.
Giới chuyên gia lý giải việc giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam là do ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới.
Theo nhà phân tích thị trường kỳ cựu Craig Erlam của tập đoàn thương mại Oanda, các nhà đầu tư hiện đang có nhiều mối quan ngại như nhịp độ tăng lợi suất trái phiếu và tác động tới niềm tin của nhà đầu tư, bất đồng giữa EU và Italy về kế hoạch ngân sách của nước này, tiến trình đàm phán về Brexit vẫn trì trệ và xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa “hạ nhiệt”.
Ngoài ra, trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2018 và 2019 từ 3,9% xuống 3,7%, viện dẫn nhưng rủi ro ngày càng gia tăng trong thương mại toàn cầu, nguy cơ khủng hoảng tiền tệ tại các thị trường mới nổi và dấu hiệu “giảm tốc” của các nền kinh tế lớn.
Thực tế, đóng cửa ngày giao dịch 10/10 tại thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 3,2% xuống còn 25.598,74 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 3,3% xuống còn 2.785,68 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 4,1% xuống còn 7.422,05 điểm.
Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số Nasdaq kể từ tháng 6/2016, khi cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, diễn ra.
Nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường Phố Wall đã giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của Apple, Boeing và Facebook đều giảm hơn 4%, trong khi giá cổ phiếu của các “đại gia” Amazon, Nike và Microsoft mất hơn 5%./.