Ngày 29/11, Phó Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp về Tiêm phòng và Miễn dịch Anh (JCVI) Anthony Harnden cho biết nước này đang tiến tới việc tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người dân.
Trả lời phỏng vấn, ông Harnden khẳng định tất cả người dân Anh sẽ được tiêm mũi tăng cường.
Tuy nhiên, chính phủ muốn đảm bảo rằng công tác tiêm chủng được triển khai theo đúng trật tự để những người có nguy cơ lây nhiễm cao được tiêm phòng và tăng khả năng miễn dịch tự nhiên.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Anh đang chuẩn bị công bố hướng dẫn mới về việc mở rộng chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho những người dưới 40 tuổi trong ngày 29/11, do quan ngại về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm liên quan tới biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2.
Để đối phó với biến thể Omicron, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã áp đặt hạn chế đi lại tới miền Nam châu Phi, thắt chặt các quy định xét nghiệm và bắt buộc người dân đeo khẩu trang trong các cửa hàng và khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông.
Ông cũng yêu cầu JCVI khẩn trương xem xét tiêm mũi tăng cường cho người dưới 40 tuổi, cũng như rút ngắn thời gian tiêm giữa mũi thứ hai với mũi tăng cường. Chính phủ sẽ xem xét lại các biện pháp hạn chế sau 3 tuần.
Chính phủ Anh muốn đẩy nhanh việc tiêm mũi tăng cường, cho rằng ngay cả khi vaccine được chứng minh có ít hiệu quả đối với biến thể Omicron, thì việc tiêm chủng vẫn có thể giúp hạn chế các ca nhập viện và tử vong do COVID-19.
Đến nay Anh đã ba ca nhiễm biến thể Omicron. Thứ trưởng Y tế Anh Edward Argar dự báo số ca nhiễm sẽ còn tăng lên, đồng thời cho biết Anh đang nỗ lực đánh giá cách thức lây lan của biến thể mới và tác động của nó đến vaccine.
[WHO: Cần cảnh giác trước nguy cơ "rất cao" của biến thể Omicron]
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan trên toàn thế giới, gây ra nguy cơ toàn cầu ở mức "rất cao," có thể gây ra những hậu quả nặng nề ở những khu vực dịch bệnh lây lan mạnh.
Trong văn bản tư vấn kỹ thuật gửi tới 194 nước thành viên, WHO kêu gọi đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho những nhóm ưu tiên cao và đảm bảo chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó để giảm thiểu tác động nhằm duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu.
WHO đánh giá Omicron có số lượng gai đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có những đột biến được cho là có thể tác động tới xu hướng đại dịch.
Ngoài ra, WHO cũng cho rằng cần nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ hơn về khả năng Omicron "né" được khả năng miễn dịch có được nhờ tiêm vaccine phòng bệnh và sau khi nhiễm bệnh./.