Báo The Straits Times đăng bài viết nhận định trong vòng một thập kỷ tới đây, thế giới sẽ chứng kiến cán cân sức mạnh chiến lược, kinh tế và công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh có khả năng tiến gần đến mức tương đương nhau hơn bao giờ hết.
Do đó, đây sẽ là khoảng thời gian tạo dựng hoặc phá vỡ đối với sức mạnh toàn cầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lịch sử về các cường quốc đang trỗi dậy thách thức các cường quốc đã được thiết lập là một minh chứng rõ ràng.
Bất kể hai bên theo đuổi chiến lược nào hay những vụ việc nào sẽ xảy ra, có một điều khó tránh khỏi đó là căng thẳng mang tính cơ cấu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng lên và sự cạnh tranh sẽ ngày một gay gắt.
[So sánh quyền lực mềm Mỹ-Trung: "Rà phá bom mìn" và "Bẫy nợ"]
Điều này không nhất thiết có nghĩa là khủng hoảng và xung đột là không thể tránh khỏi. Các nhà phân tích cho rằng hai cường quốc sẽ không đi tới kết cục chiến tranh.
Tuy nhiên, vấn đề để ngỏ đối là tất cả điều này sẽ dẫn châu Á đi tới đâu và điều quan trọng nhất là các nước trong khu vực cần phải làm gì trước thực tế này?
Di sản của cựu Tổng thống Donald Trump
Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét lại ý nghĩa thực sự của quan hệ Mỹ-Trung trong 4 năm qua đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhìn lại, dường như Chính quyền cựu Tổng thống Trump không có một chiến lược châu Á thực sự mà chỉ có chiến lược Trung Quốc.
Điều đó để nói rằng họ đã tập trung tất cả nỗ lực vào việc cố gắng tập hợp một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đứng đằng sau Washington trong một cuộc đối đầu về an ninh đơn phương và mang tính hệ tư tưởng với Trung Quốc.
Quả thật, họ đã đạt được thành công nào đó trong vấn đề này và đã làm sâu sắc hợp tác an ninh với một số nước trong khu vực, trong đó đáng chú ý nhất là việc khôi phục Đối thoại an ninh Bộ Tứ với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.
Tuy nhiên, với sự tái sinh của Bộ Tứ, ông Donald Trump không gặp hái được nhiều thành quả.
Trong khi đó ở những nơi khác trong khu vực, các mối quan hệ chủ chốt của Mỹ đã thụt lùi.
Nhìn chung, Washington với chính sách đối ngoại của Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã không có được sức hút ở phần lớn khu vực Đông Nam Á, và quả thực đã đánh mất ảnh hưởng ở một số khu vực khác.
Khảo sát hàng năm về tình hình Đông Nam Á của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) mới được công bố đã giúp chứng minh luận điểm này.
Số người trả lời trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) xác định nước Mỹ dưới thời Chính quyền ông Trump là cường quốc chính trị và chiến lược có ảnh hưởng nhất trong khu vực đã giảm xuống tới mức thấp kỷ lục 27%, trong khi đối với Trung Quốc, con số này lại tăng cao tới mức kỷ lục 52%.
Ngoài ra, số người xác định Trung Quốc là cường quốc kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất đã tăng lên tới 79%, trong khi Mỹ chưa bao giờ phá vỡ được mức 8%. Đây là những con số đáng kinh ngạc.
Nhìn chung, Đông Nam Á đã trở nên tức giận vì bị sử dụng như một “chiếc nêm chiến lược” trong cuộc đấu tranh chiến lược kép của Washington nhằm chống lại Bắc Kinh. Washington không hiểu được rằng phần lớn khu vực này không muốn bị đẩy vào tình thế phải công khai lựa chọn giữa hai bên.
Điều này có nghĩa là Washington vừa không hiểu được tầm quan trọng của quan hệ kinh tế song phương với Trung Quốc đối với cá nhân mỗi nước thành viên ASEAN, vừa không thể đem lại khả năng tiếp cận thị trường Mỹ. Mỹ đã từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống vào năm 2017.
Ngoài ra, Washington cũng không coi trọng ASEAN theo đúng nghĩa. Điều này được thể hiện qua việc nước Mỹ thường không xuất hiện hoặc bỏ qua các hội nghị thượng đỉnh đa phương quan trọng. Washington cũng đã không bổ nhiệm các đại sứ thích đáng, kể cả tại Singapore và ASEAN.
Quả thực, trong những thành phần cơ bản nhất này của chính sách đối ngoại, đây là một trong những giai đoạn đi xuống về ngoại giao khu vực của Mỹ ở Đông Nam Á.
Và khi can dự với khu vực, Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã tạo dựng khuôn khổ mọi thứ thông qua lăng kính duy nhất là sự đối đầu chiến lược của Mỹ với Trung Quốc.
Thứ hai, Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã không xem xét cũng như không đáp ứng những nhu cầu trực tiếp và hữu hình của khu vực.
Ví dụ, đối với những người ASEAN trả lời trong cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak, các vấn đề dịch bệnh, thất nghiệp, bất bình đẳng thu nhập và bất ổn chính trị là những mối lo ngại hàng đầu của họ, trên cả những căng thẳng địa chính trị.
Thế nhưng, Chính quyền cựu Tổng thống Trump nhìn chung đã để vấn đề hợp tác vaccine khu vực lại cho Trung Quốc, thậm chí không tham gia sáng kiến COVAX của Liên Hợp Quốc đối với các nước đang phát triển.
Mặc dù Washington đã mở rộng một số công cụ để viện trợ phát triển song những công cụ này hạn chế về quy mô khi so sánh với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc và tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng chủ yếu nhằm đem lại lợi ích cho xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Mỹ, thay vì đáp ứng những nhu cầu phát triển kinh tế trước mắt của khu vực.
Hơn nữa, việc theo đuổi sách lược “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump được coi là nhằm trừng phạt các đối tác chiến lược ủng hộ và thận cận nhất của Mỹ - trong đó có đe dọa áp đặt thuế quan đối với những cáo buộc vi phạm tiền tệ, và tước đi của Thái Lan những đặc quyền thương mại.
Điều này đã góp phần dẫn đến sự suy yếu đối với bất cứ lợi ích kinh tế nào có thể có được từ việc Mỹ gây sức ép tách các chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.
Sự thiếu tin tưởng đối với Trung Quốc
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là bất chấp tất cả điều này, khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak đã chỉ rõ Trung Quốc không giành được lòng tin chính trị và chiến lược trong khu vực.
Quả thực, sự thiếu tin tưởng đối với Trung Quốc giờ đây ở mức kỷ lục trên toàn khu vực châu Á. Chỉ 5,5% số người trả lời trong ASEAN tin rằng Trung Quốc sẽ tăng cường luật pháp quốc tế và trật tự dựa trên luật lệ.
Đương nhiên, ASEAN không hề ngây thơ. Nhật Bản, Australia và các quốc gia ASEAN đã bày tỏ sự lo ngại về hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Khu vực đã chứng kiến điều này với những nỗ lực của Trung Quốc với chính sách ngoại giao thương mại nhằm vào Nhật Bản; nhằm vào Philippines về vụ kiện pháp lý quốc tế của Manila ở Biển Đông; nhằm vào Hàn Quốc đối với việc triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD); và nhằm vào Australia trong danh sách những bất bình về chính sách đối ngoại với Canberra.
Rõ ràng, các nước trong khu vực, trong đó có ASEAN, hiểu rất rõ sự cần thiết phải đem lại sự ổn định, an ninh và độc lập của chính mình, và để duy trì một sự cân bằng chiến lược và kinh tế hiệu quả.
Nhìn rộng hơn, điều đáng chú ý là làm thế nào để châu Á tự xích lại gần nhau hơn khi không có sự lãnh đạo của Mỹ hay sự xuất hiện của sức ép chiến lược từ Trung Quốc.
Một châu Á tự cường sẽ là điều cần hướng tới, với sự vươn ra rộng rãi của Nhật Bản đến Đông Nam Á (như một phần của Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) của nước này, với việc tài trợ cho cơ sở hạ tầng của khu vực và sự hồi sinh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); chính sách Hướng Đông được tái sinh của Ấn Độ; chính sách Hướng Nam mới của Hàn Quốc mà Tổng thống Moon Jae-in đã công bố ở Indonesia năm 2017...
Châu Á muốn gì từ Mỹ?
Vậy châu Á muốn tìm kiếm điều gì từ Mỹ trong 4 năm tới dưới thời Chính quyền ông Joe Biden? Về cơ bản, thứ mà khu vực này đang tìm kiếm là cách tiếp cận chiến lược của Mỹ sẽ mang lại tác động tích cực trong khu vực, thay vì chống lại nó như Chính quyền ông Trump đã làm.
Điều này không có nghĩa là đầu hàng sự hiện diện chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc, mà là nắm bắt nguyên tắc ngoại giao cơ bản là đưa ra một chính sách đối ngoại hiệu quả để sánh đôi cùng các nước, thay vì đối đầu với họ.
Tuy nhiên để làm được điều đó, trước hết nước Mỹ cần xuất hiện. Washington nên tham dự các hội nghị và diễn đàn đa phương cấp cao nhất như Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), điều mà các chính quyền Mỹ trước đây đã làm để đảm bảo rằng Mỹ và Trung Quốc đều xuất hiện, chứ không chỉ Trung Quốc.
Washington cần nhanh chóng bổ nhiệm các đại sứ, các nhà ngoại giao và các quan chức thích đáng nhằm đem lại một kênh thông tin liên lạc ngay lập tức và hiệu quả.
Tổng thống Joe Biden nên ưu tiên chuyến thăm đến các nước trong khu vực, một khi việc đi lại có thể diễn ra.
Cùng với đó, Washington cũng nên tôn trọng vai trò quan trọng của khu vực theo đúng nghĩa và làm sao để khu vực Đông Nam Á trở thành phần cốt lõi trong những ưu tiên chiến lược của Mỹ.
Chính quyền Mỹ cần lắng nghe và nói chuyện một cách nghiêm túc về những lo ngại cốt lõi của các quốc gia châu Á, trong đó có mong muốn mạnh mẽ là không phải công khai “chọn bên” - thừa nhận rằng đây không chỉ là vấn đề ý chí chính trị, mà trong nhiều trường hợp được hiểu là nhu cầu kinh tế.
Washington có thể không hài lòng khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng thực tế là Đông Nam Á “không thể xa lánh Trung Quốc” và rằng “các nước châu Á khác sẽ cố gắng hết sức mình không để bất kỳ tranh chấp đơn lẻ nào chi phối mối quan hệ toàn diện của họ với Bắc Kinh.”
Nhưng đó là thực tế chiến lược mà Washington giờ đây phải đối mặt. Washington cần hiểu rằng trong khi một số nước (như Australia, Nhật Bản và gần đây hơn là Ấn Độ) đang sẵn sàng cho một liên minh chiến lược sâu sắc hơn, rộng mở hơn với Mỹ trong bối cảnh mối quan hệ chung giữa họ với Trung Quốc, thì những nước khác trong khu vực đơn giản không thể làm như vậy, hoặc sẽ không làm như vậy.
Làm việc với khu vực cũng có nghĩa là giải quyết những nhu cầu kinh tế và sức khỏe cộng đồng bên trong khu vực.
Trước mắt, Mỹ cần hành động càng nhiều càng tốt trong việc khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 và những tác động kinh tế, tài chính do dịch bệnh gây ra, vốn đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến khu vực Đông Nam Á.
Trong trung hạn, Chính quyền ông Biden phải phát triển và hợp nhất một chiến lược can dự kinh tế khu vực với các nước ASEAN có cùng ưu tiên và bản chất như các chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh của mình.
Nếu không, Mỹ đơn giản sẽ thua ở khu vực Đông Nam Á khi Trung Quốc liên tục giành thắng lợi, đơn giản vì tầm quan trọng ngày càng tăng của sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc trong khu vực và lực hấp dẫn phát ra từ quy mô tuyệt đối của nền kinh tế nội địa nước này.
Về phần mình, các nước trong khu vực sẽ cần khuyến khích sự can dự kinh tế của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc càng nhiều càng tốt, không phải để chọn bên, mà để duy trì cán cân kinh tế lành mạnh nhằm tăng tối đa quyền tự chủ chiến lược của khu vực.
Tổng thống Joe Biden đã tỏ rõ rằng vì những lý do chính trị trong nước, Mỹ không thể gia nhập trở lại CPTPP trong bất kỳ thời gian nào sớm, song điều đó không có nghĩa là Mỹ không làm gì trên mặt trận này.
Bà Wendy Cutler thuộc Viện chính sách xã hội châu Á - cựu Phó Đại diện thương mại Mỹ, người đã tham gia đàm phán TPP - gần đây đã tìm hiểu sâu về vấn đề này.
Bà gợi ý các thỏa thuận tạm thời theo lĩnh vực như thương mại số hay thương mại trong các sản phẩm y tế có thể giúp Washington nhanh chóng tái can dự về thương mại với khu vực mà không phải chờ đợi một TPP toàn diện và phức tạp về chính trị.
Thực tế là việc không có hành động thực chất đối với những thách thức căn bản của khu vực về an ninh kinh tế và khôi phục sự thịnh vượng kinh tế sẽ khiến Mỹ đi vào “con đường cụt” ở châu Á.
Tăng cường cấu trúc đa phương của châu Á
Trong khi Washington phải hiểu, tôn trọng và hành động bên trong văn hóa chiến lược của khu vực rộng lớn hơn này, bản thân các nước ASEAN cũng cần phải thực tế về quy mô của những thách thức chiến lược mà giờ đây họ đang phải đối mặt.
Điều này bao gồm một Trung Quốc đang tìm kiếm trật tự khu vực mà trong đó các nước ngày càng đi theo những lợi ích, giá trị và quyền tự chủ quốc gia của mình; những thách thức của Trung Quốc đối với quyền lực của luật pháp quốc tế; và một dịch bệnh đang tiếp tục hoành hành, trong đó có những hậu quả tàn phá về sức khỏe, kinh tế và xã hội.
Khả năng đối phó hiệu quả với những thách thức này sẽ đòi hỏi phải có sự lãnh đạo mạnh mẽ của khu vực. Điều này có nghĩa là “ASEAN phải nắm tương lai khu vực trong lòng bàn tay mình.”
Đương nhiên, việc đạt được sự thống nhất có thể khó khăn nhưng ngay cả khi không có sự thống nhất tuyệt đối giữa tất cả các quốc gia thành viên thì điều đó không nhất thiết làm giảm đi ý nghĩa của một lập trường chính thống ASEAN. Do đó, ASEAN cần phải điều chỉnh, đổi mới những giải pháp đa phương để tạo nên sự khác biệt.
Song song với đó, chính quyền ông Biden có thể tác động để khiến vai trò trung tâm của ASEAN lẫn sự thống nhất của ASEAN trở thành trụ cột chính trong chiến lược rộng lớn hơn của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng có thể phát triển một cách tiếp cận khôn ngoan nhằm kết nối với an ninh khu vực tập trung xung quanh các nền tảng thể chế hiện có của Hội nghị cấp cao Đông Á.
Brunei, nước Chủ tịch ASEAN 2021, có thể thu thập đề cử từ các quốc gia thành viên EAS để thành lập Nhóm cố vấn phi chính phủ nhằm đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin khu vực thực tế, xây dựng dựa trên sự thành công của các dàn xếp song phương hiện có. Điều này có thể giảm bớt nguy cơ đối đầu trực diện giữa Washington và Bắc Kinh, và làm yên lòng các nước Đông Nam Á.
Việc tạo dựng sự thống nhất trong ASEAN chưa bao giờ là việc làm dễ dàng, nhưng giờ có lẽ là lúc cấp bách hơn bao giờ hết và cần có sự gắn kết và thống nhất của ASEAN trong những thập kỷ gần đây. Về mặt này, ASEAN sẽ không bao giờ bị đơn độc. Các nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia sẽ hoan nghênh một vai trò mạnh mẽ hơn của ASEAN trong việc giúp xây dựng cấu trúc an ninh dài hạn của khu vực rộng lớn hơn này.
Có thể nói, thế giới đang bước vào thời kỳ đầy thử thách, thời kỳ được thúc đẩy bởi những thách thức và sự thay đổi sâu sắc về địa chính trị, địa kinh tế và sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng tại đây con người có thể định hình, xử lý và kiểm soát được những thách thức này nếu họ làm việc cùng nhau.
Tâm điểm của những sự thay đổi này nằm ở động lực tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung và các thể chế khu vực chủ chốt như ASEAN cũng có thể có làm ảnh hưởng đáng kể đến tương lai của khu vực châu Á rộng lớn hơn.
Washington có thể mời các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN trực tuyến hoặc trực tiếp trong 6 tháng tới, đúng như điều cựu Tổng thống Barack Obama đã làm năm 2016. Quả thực, đây cần phải trở thành một sự kiện thường niên.
Sự kiện này cũng có thể đóng góp cho việc xây dựng lại vị thế của Mỹ trong khu vực, đồng thời có thể tăng cường lợi ích lâu dài của khu vực Đông Nam Á trong việc tối đa hóa quyền tự chủ chiến lược dài hạn trong thập kỷ nhiều biến động này./.