Anh hùng Phạm Tuân truyền tình yêu bầu trời, đất nước cho học sinh

Là phi công MiG-21 đầu tiên bắn rơi B-52, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ, Trung tướng Phạm Tuân đã truyền tình yêu, niềm tự hào với đất nước cho các em học sinh qua loạt kỷ niệm để đời của mình.
Anh hùng Phạm Tuân truyền tình yêu bầu trời, đất nước cho học sinh ảnh 1Học sinh hòa trong niềm vui được giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử trong 12 ngày đêm Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Chạy theo để xin bằng được chữ ký của Trung tướng-Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Tuân, nhiều em học sinh trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên muốn tranh thủ dịp hiếm hoi này để được bắt tay, đặt câu hỏi trực tiếp cho ông.

Hơn 100 em học sinh tham gia buổi nói chuyện với trung tướng Phạm Tuân, diễn ra sáng ngày 16/12 tại trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, đã hòa chung cảm xúc háo hức khi được nghe về khoảnh khắc táo bạo bám theo máy bay B-52 cũng như trải nghiệm của người châu Á đầu tiên được đưa ra ngoài vũ trụ.

Buổi giao lưu thuộc chuỗi buổi sinh hoạt truyền thống với chủ đề "Ký ức lịch sử," được nhà trường phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức, hướng tới loạt kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (18/12/1972-18/12/2022), 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022) và 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2022).

[Nguyên Tư lệnh PKKQ nói về cách chiến đấu độc đáo của MiG-21 Việt Nam]

Vừa nghe kể trực tiếp, vừa hình dung hình ảnh máy bay của trung tướng Phạm Tuân len lỏi qua khói cháy, ánh sáng của pháo địch, tên lửa mặt đất... rồi bám sát B-52, bất chấp bị F-4 truy đuổi và mang về chiến tích bắn rơi B-52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội, Phan Trần Kim Anh (học sinh lớp 8A2) xúc động vì lịch sử hiện lên sống động hơn nhiều so với những tưởng tượng và tiếp xúc trước đây.

"Là học sinh, em chắc chắn ai cũng đã đọc, tìm hiểu hoặc biết đến chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Em từng đọc sách và nghe trên đài báo, nhưng phải khi ngồi tại đây nghe bác nói thì lịch sử mới hiện lên sống động hơn hẳn. Em cảm thấy rất rung động và mong có thêm những dịp như thế này," Kim Anh chia sẻ sau buổi giao lưu.

Anh hùng Phạm Tuân truyền tình yêu bầu trời, đất nước cho học sinh ảnh 2Khánh Linh tự hào cầm trên tay cuốn sổ có chữ ký của trung tướng-phi công Phạm Tuân. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Với Lê Khánh Linh (lớp 7A2), công việc của một nhà du hành vũ trụ là vô cùng quan trọng và những kỷ vật được mang theo chắc chắn sẽ có những ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Vì vậy, em vừa ngạc nhiên, vừa ngưỡng mộ khi biết đó không chỉ là những đồ vật cá nhân, mà còn là một nắm đất Ba Đình, một quyển Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ, bản Di chúc của Bác Hồ, ảnh và huy hiệu Bác Hồ và cờ Tổ quốc.

"Đó là những kỷ vật đã đại diện cho dân tộc Việt, ghi lại dấu ấn của chúng ta khi được bay vào vũ trụ. Em cảm thấy rất hào hứng và tự hào với những câu chuyện trung tướng Phạm Tuân mang đến ngày hôm nay," Khánh Linh vừa chia sẻ, vừa khoe chữ ký trên sổ mà em mới xin được.

[Học sinh Hà Nội hào hứng nghe Anh hùng Phạm Tuân kể chuyện 'diệt' B-52]

Trung tướng Phạm Tuân được công nhận là phi công đầu tiên lái tiêm kích MiG-21 bắn rơi "siêu pháo đài bay" B-52 đồng thời là người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.

Cùng với chiếc MiG-21 số hiệu 4326, chiến đấu cơ MiG-21 số hiệu 5121 được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012 nhờ thành tích được các phi công Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn và Phạm Tuân xác lập trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Anh hùng Phạm Tuân truyền tình yêu bầu trời, đất nước cho học sinh ảnh 3Trung tướng Phạm Tuân trong buổi sinh hoạt truyền thống của trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Chia sẻ với học sinh, Trung tướng-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân cho rằng được bay trên chiến đấu cơ bảo vệ vùng trời Việt Nam, cũng như đại diện đất nước bay vào vũ trụ đều là sự may mắn. Nhưng để nắm bắt được may mắn ấy thì phải có nỗ lực đi kèm.

"May mắn và cơ hội không phải ngồi chờ thì nó sẽ đến. Người nào cũng có cái may như vậy nhưng ai nhận thức được, chộp được thời cơ thì mới có được thành tích. Các em học sinh phải học hành, rèn luyện để có tri thức và sáng tạo, có tri thức mới đón được thời cơ đến," ông chia sẻ.

Đại diện Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên, Hiệu trưởng Phạm Thu Hà cho biết sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với thầy và trò của nhà trường đồng thời là hoạt động cần được duy trì để truyền tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc đối với thế hệ học sinh ngày nay.

"Cuộc gặp gỡ với trung tướng chính là hoạt động truyền thêm sức mạnh, khích lệ tinh thần yêu nước, tiếp thêm ngọn lửa tuyền thống để các em có trách nghiệm trong việc xây dựng Tổ quốc," bà Phạm Thu Hà cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục