“Tôi mong muốn truyền cảm hứng để mọi người cùng thúc đẩy sự ra đời của những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường, để Việt Nam không chỉ vươn tầm về kinh tế mà còn về thể lực, chiều cao. Với trái tim và tấm lòng của một người bà, người mẹ, tôi sẽ kiên định và bền bỉ với hành trình này. Tôi cũng có ước mơ, khát vọng là làm một nhà sản xuất thực phẩm tử tế trước hết cho chính người dân Việt Nam rồi mới ra quốc tế.”
Đó là chia sẻ đầy xúc động của Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt (lần 2) với chủ đề Dinh dưỡng học đường. Hội thảo vừa được Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) và Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đồng tổ chức ngày 12/10, với sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH.
Dinh dưỡng học đường hun đúc tầm vóc người Việt
Lắng nghe các bài tham luận của các diễn giả trong nước và quốc tế tại Hội thảo, Anh hùng Lao động Thái Hương cho hay bản thân rất xúc động khi hội thảo đã thu hút sự quan tâm của hơn 300 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia về dinh dưỡng, với các tham luận thiết thực về vấn đề đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em - vấn đề mà bà vô cùng tâm huyết.
Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, khoa học đã chứng minh 86% chiều cao của đời người phát triển ở độ tuổi vàng 0-12 tuổi, 14% phát triển trong giai đoạn tới 25 tuổi. Vì vậy, việc cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ ở giai đoạn này sẽ giúp tận dụng cơ hội vàng để phát triển thể chất, tầm vóc, trí lực cho mỗi cá nhân khi trưởng thành.
Luật hóa dinh dưỡng học đường để phát triển thể chất, tầm vóc người Việt
Theo các chuyên gia, cần có luật riêng về dinh dưỡng học đường để chuẩn hóa bữa ăn học đường, nhằm tận dụng giai đoạn vàng để cải thiện thể trạng, tầm vóc, trí lực người Việt.
Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH lấy dẫn chứng cụ thể từ Nhật Bản, để hoàn thành sứ mệnh về dinh dưỡng học đường: Từ năm 1954, Nhật Bản đã ra Luật Dinh dưỡng học đường. Tới nay, sau 70 năm, thanh niên ở xứ sở Mặt Trời mọc không còn thấp còi, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia có chiều cao trung bình cao nhất thế giới. Theo số liệu công bố năm 2023, chiều cao trung bình của người Nhật là 1m72 với nam và 1m58 với nữ trong khi cách đây 50 năm, con số này lần lượt chỉ là 1m50 và 1m49. Đó là cái nhìn thấu đáo, có tính chiến lược của lãnh đạo đất nước và sự vào cuộc như là sứ mệnh của các nhà kinh doanh thực phẩm Nhật Bản.
Dinh dưỡng học đường không chỉ là phát triển chiều cao, mà cả thể lực và trí lực cũng được hun đúc và hình thành theo tỷ lệ tương ứng.
Theo Anh hùng Lao động Thái Hương, dinh dưỡng học đường không chỉ là phát triển chiều cao, mà cả thể lực và trí lực cũng được hun đúc và hình thành theo tỷ lệ tương ứng. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trong danh sách những nước có chiều cao trung bình thấp của thế giới, đứng thứ 15 từ dưới lên. Trong những năm qua, dù Việt Nam đã có nhiều chính sách liên quan và đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân những vẫn chưa đạt như mong đợi.
“Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm và các sản phẩm từ sữa và cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Chúng ta cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường, giai đoạn quyết định chiều cao của đời người và cũng là sức mạnh của dân tộc. Các nhà kinh doanh thực phẩm cũng phải xem sứ mệnh nâng cao tầm vóc của dân tộc là của mình, cùng gánh vác trọng trách này,” Anh hùng Lao động Thái Hương chia sẻ.
Nỗ lực bền bỉ vì dinh dưỡng cho trẻ em bằng trái tim người mẹ
Chủ tịch Hội đồng Chiến lược TH cũng nhấn mạnh mong muốn truyền cảm hứng để mọi người thúc đẩy sự ra đời của những hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường và sẽ kiên định và bền bỉ với hành trình này. Bà cũng bày tỏ ước mơ, khát vọng là làm một nhà sản xuất thực phẩm tử tế trước hết cho chính người dân Việt Nam rồi vươn ra quốc tế.
Với khát vọng đó, từ năm 2013, TH đã trở thành đơn vị tiên phong trong Chương trình Quốc gia Sữa học đường, đi đầu trong việc xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm. “Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true MILK” là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào trường học.
Đây là cuộc “cách mạng” đầu tiên mà TH đã đồng hành cùng Chính phủ và các cơ quan ban ngành thực hiện và từ đó góp phần tạo ra nhiều bước tiến rõ rệt trong vấn đề thực hiện dinh dưỡng học đường.
Năm 2019, Tập đoàn TH đã đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các chuyên gia độc lập, tham khảo kinh nghiệm thực tiễn của các nước phát triển trên thế giới (Nhật Bản) để thực hiện “Mô hình điểm bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.”
Mô hình điểm được triển khai thí điểm trong năm học 2020-2021 tại 10 trường thuộc 10 tỉnh thành, đại diện cho 5 vùng sinh thái lớn trên cả nước, bao gồm: Miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.
Mô hình điểm được tiếp cận theo hướng sử dụng thực phẩm hoàn toàn từ tự nhiên, dựa trên lợi thế về nông nghiệp của vùng miền, sữa tươi được đưa vào cấu phần bữa ăn một cách khoa học. Can thiệp chính của Mô hình điểm là 400 thực đơn bữa ăn học đường đa dạng, cân đối, giàu vi chất dinh dưỡng, bữa phụ chiều sử dụng 1 ly sữa tươi để cải thiện khẩu phần canxi, kết hợp giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất (qua 130 bài tập vận động và 60 trò chơi vận động được biên soạn, phù hợp với từng lứa tuổi) giúp học sinh tăng cường sức khỏe và phát triển thể lực. Giáo dục về dinh dưỡng cũng là một trong những nội dung được đặc biệt chú trọng trong mô hình khi các cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh đều được học, tập huấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, các cán bộ phụ trách bếp được đào tạo.
Kết quả mô hình thí điểm cho thấy chiều cao, cân nặng của trẻ đã có cải thiện rõ rệt so với nhóm đối sánh.
Theo Giáo sư Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), nguyên Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng Việt Nam, mô hình can thiệp được tiến hành một cách khoa học, bài bản góp phần nâng cao hiểu biết và thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực phù hợp đối với trẻ mầm non và học sinh tiểu học, giải quyết được bài toán gánh nặng kép hiện nay ở Việt Nam.
“Các kết quả nghiên cứu nên được xem xét và sử dụng làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình trên phạm vi toàn quốc, tiến đến xây dựng Luật Dinh dưỡng học đường, hiện thực hóa một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, góp phần nuôi dưỡng, cải thiện tầm vóc, sức khỏe và trí tuệ thế hệ tương lai,” Giáo sư Lê Thị Hợp cho biết.
Cũng theo bà Hợp, là một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, mang theo khát vọng “Vì tầm vóc Việt,” TH đã rất bền bỉ nhiều hoạt động đồng hành chăm lo cho sức khỏe học đường. Trong giai đoạn 2021-2030, Tập đoàn TH triển khai Dự án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học với mục tiêu hỗ trợ sửa chữa, xây mới các nhà vệ sinh tiêu chuẩn ở các trường học thuộc khu vực miền núi, vùng sâu - vùng xa còn nhiều khó khăn.
Cần có luật riêng về dinh dưỡng học đường
Tâm nguyện góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc của người Việt thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng là thông điệp chính được Anh hùng Lao động Thái Hương nêu rõ trong bài phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Hội nghị diễn ra ngày 21/9, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.
Tại Hội nghị, Anh hùng Lao động Thái Hương cho hay việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng 0 đến 12 tuổi là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.
Việc đầu tư về thể lực và trí lực cho lứa tuổi vàng 0 đến 12 tuổi là vô cùng quan trọng để không bỏ lỡ cơ hội phát triển quý giá trong vòng đời.
Trước những góp ý, kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu, giải quyết với các giải pháp trước mắt và lâu dài, trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện.
Thủ tướng cũng nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.
Hơn lúc nào hết giấc mơ Thánh Gióng vươn vai - biểu tượng thể hiện ước vọng về sự phát triển vượt bậc, thần kỳ hay ước mơ tốt đẹp về sức khỏe thể chất và tinh thần của ông cha ta từ ngàn xưa ngày càng gần hơn với hiện thực…/.