Anh hùng Chu Văn Mùi - vẹn nguyên ký ức hào hùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Chu Văn Mùi, năm nay 98 tuổi, hỏi chuyện câu nghe rõ câu không, nhưng khi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt ông bừng sáng, những kỷ niệm lại quay về trong tâm trí chiến sỹ Điện Biên.
Học sinh Trường THCS Thượng Lan, huyện Việt Yên đến thăm hỏi và nghe Anh hùng Chu Văn Mùi kể chuyện. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã cách đây 70 năm, nhưng trong tâm trí ông Chu Văn Mùi, người Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ký ức về một thời khói lửa gian khổ, hào hùng của dân tộc Việt Nam vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

Một ngày cuối tháng Tư, trong căn nhà khang trang nằm ngay mặt đường ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, ông Chu Văn Mùi năm nay đã 98 tuổi, sức khỏe yếu đi rất nhiều, hỏi chuyện câu nghe rõ câu không, nhưng khi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đôi mắt ông bừng sáng. Những kỷ niệm, trận đánh nơi lòng chào Mường Thanh lại quay về trong tâm trí người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

Chu Văn Mùi sinh năm 1926 trong một gia đình thuần nông. Ngày 3/7/1949, lúc đó ông 23 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đi bộ đội, sau đó được biên chế vào Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 - đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trước khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tham gia nhiều chiến dịch lớn của Quân đội ta như Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Hòa Bình… Trong mỗi chiến dịch, ông đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, từ chiến sỹ nuôi quân, chiến sỹ xung kích, pháo thủ, tiểu đội trưởng súng cối đến tiểu đội trưởng thông tin... Ở bất kỳ vị trí công tác nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1952, Chu Văn Mùi được đưa đi đào tạo lớp vô tuyến điện. Từ đó, ông chuyển sang đơn vị vô tuyến điện thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308. Năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, ông Chu Văn Mùi là chiến sỹ vô tuyến điện, trực thuộc Ban tham mưu, được giao đảm nhận nhiệm vụ kết nối thông tin liên lạc giữa trung đoàn trưởng với chỉ huy đại đoàn.

Ông Chu Văn Mùi không thể nào quên trận đánh trên đồi A1. Ông nhớ lại, lúc đó, quân ta gặp phải hỏa lực rất mạnh của địch, chịu nhiều thương vong; điện thoại, vô tuyến từ đại đội trưởng đến tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn bị mất liên lạc. Ông Chu Văn Mùi cùng tổ đội của mình được lệnh nối lại đường dây liên lạc tại đồi A1, vì sự có mặt của điện thanh lúc này là vô cùng quan trọng, không có liên lạc, quân ta không thể thắng được.

Anh hùng Chu Văn Mùi cùng quyển hồi ký. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bằng sự gan dạ, dũng cảm, ông đã cùng đồng đội gọi điện báo yêu cầu pháo của quân ta bắn yểm trợ để ông tiến vào trung tâm trận địa. Khi lên được đến nơi, ông Chu Văn Mùi vừa đảm nhận thông tin liên lạc giữa trung đoàn trưởng với chỉ huy đại đoàn, vừa chiến đấu bảo vệ đồng đội bị thương và dùng điện đài chỉ mục tiêu cho pháo binh ta diệt địch. Nhờ đó, quân ta đánh bật hết các đợt tấn công của quân địch.

Ông Mùi kể do phải liên lạc liên tục, chiếc máy điện thanh ông dùng gần hết pin khiến thông tin không được chuẩn xác. Nhanh trí, ông đã tìm cách tiếp cận một chiếc dù mà địch tiếp tế đêm hôm trước, liều mình bò lên khỏi hầm kéo vào. Thật may mắn, trong dù có một hộp pin dùng được cho máy điện thanh của ông.

Khi pin được thay thế, sóng điện phát lên khỏe hẳn, các máy của đại đoàn đều liên lạc được tín hiệu từ đồi A1. Tuy nhiên, việc tín hiệu đang yếu tự nhiên mạnh lên khiến các đồng chí trong đại đoàn nghi ngờ là máy của địch. Chỉ huy ra lệnh tất cả các máy tạm đình chỉ, không liên lạc với máy của ông Chu Văn Mùi.

Cuối cùng, sau nhiều lần kiểm tra bằng những tín hiệu, mật mã, thông tin nghiệp vụ chuyên môn, chỉ huy đại đoàn mới tin tưởng và tiếp tục chỉ huy đồng chí Mùi tiếp tục chiến đấu.

Một kỷ niệm nữa ông không thể quên đó là khi cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, ngày 4/4/1954, ông nhận được lệnh đi tìm Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh, ông nhanh chóng quàng chiếc máy vô tuyến điện nặng hơn 20kg vào vai nhưng không thể đứng lên được, vì đã một ngày một đêm không ăn, không uống.

Ráng hết sức lực, ông đeo chiếc máy vô tuyến điện và đi tìm trung đoàn trưởng. Khi tìm được trung đoàn trưởng, nhờ chiếc máy vô tuyến điện này mà đường dây liên lạc từ trung đoàn trưởng đến đại đoàn được nối lại trên đồi A1. Dù đang bị thương, nhưng Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu, đánh lùi một đợt phản kích của địch, khôi phục được trận địa của ta.

Học sinh Trường THCS Thượng Lan, huyện Việt Yên, nghe Anh hùng Chu Văn Mùi kể chuyện. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ông Chu Văn Mùi không bao giờ quên giờ phút thiêng liêng ấy, khi ông báo cáo "Hùng Sinh vẫn còn, Hùng Sinh bị thương"…, đầu dây bên kia vang lên tiếng nói rất to "Hoan hô đồng chí Chu Văn Mùi, tặng Huân chương chiến công hạng Nhất cho Chu Văn Mùi."

Sau đó, khi biết được tinh thần chiến đấu của Chu Văn Mùi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định công nhận đảng viên chính thức cho ông trước thời hạn 5 tháng, tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 31/8/1955 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Năm 1972, ông Mùi được cử đi học rồi về làm cán bộ phụ trách Tiểu đoàn Thông tin 18, tham gia các chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 140, sau đó ông tiếp tục công tác trong quân đội. Đến năm 1980, theo yêu cầu của Quân đoàn I, ông Chu Văn Mùi được điều về làm Hiệu trường Trường Văn hóa Quân đoàn và đến năm 1986 ông nghỉ hưu.

Nghỉ hưu trong Quân đội, nhưng ông lại bước vào “chiến đấu” trên một mặt trận mới, với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Hà. Anh hùng Chu Văn Mùi kể vừa nghỉ hưu, mấy hôm sau Bí thư chi bộ thôn đã sang ngỏ lời bảo ông làm Chủ nhiệm Hợp tác xã. Sau buổi họp dân, được người dân bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã, ông coi đây cũng là trách nhiệm, bởi ông đi xa bao năm, chưa có đóng góp gì cho chính làng quê mình. Sau 37 năm rong ruổi khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, về sống trong tình cảm thân thương của xóm làng, lòng ông vui phơi phới.

Lúc đó quê hương ông còn vô vàn khó khăn, điện, đường, trường, trạm đều thiếu thốn. Với vai trò Chủ nhiệm Hợp tác xã, ông Mùi đã cùng các thành viên giúp nhân dân kéo điện về làng, xây dựng trường học, trạm bơm, làm cầu, làm đường. Đồng thời, ông cùng Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã vận động người dân đưa nhiều giống lúa, ngô mới vào sản xuất để tăng năng suất và thu nhập. Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng khá lên, hộ nghèo trong thôn giảm dần.

Không chỉ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trên mọi cương vị, trong cuộc sống đời thường, Anh hùng Chu Văn Mùi là người chồng, người cha, người ông mẫu mực. Đến nay, gia đình ông có 3 người con đều có cuộc sống hạnh phúc, sung túc, 10 người cháu đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục