Anh ghi nhận số ca mắc cao nhất từ khi xảy ra đại dịch COVID-19

Số ca mắc mới COVID-19 ở Anh trong ngày 20/10 là 21.330 ca - mức cao nhất từ khi xảy ra đại dịch; trong khi số ca tử vong trong 24 giờ qua là 241 ca, mức cao nhất trong bốn tháng.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Glasgow, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 21/10, trên thế giới có tổng cộng 41.022.375 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.128.896 ca tử vong, số ca bình phục là 30.616.934 ca.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19, với 8.519.641 ca mắc và 226.137 ca tử vong, tiếp đến là Ấn Độ với 7.649.158 ca mắc và 115.950 ca tử vong;

Brazil với 5.274.817 ca mắc và 154.888 ca tử vong. Số liệu của Bộ Y tế Brazil công bố ngày 20/10 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 23.227 ca mắc COVID-19 và 661 ca tử vong.

Sau Brazil là Nga với 1.431.635 ca mắc và 24.635 ca tử vong, Tây Ban Nha với 1.029.668 ca mắc và 34.210 ca tử vong.

Châu Âu đã trở thành điểm nóng mới của thế giới, buộc chính phủ các nước phải siết chặt thêm các hạn chế.

Tại Italy - tâm dịch trước đây ở châu Âu, chính quyền các vùng, thành phố ngày 20/10 đã triển khai các biện pháp cần thiết, từ áp lệnh giới nghiêm đến phong tỏa các đường phố, quảng trường, nhằm hạn chế tối đa hoạt động về đêm, ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch bệnh.

Cho đến nay, một số vùng tâm điểm như Piemonte, Lombardia, Campania, Liguria... đã triển khai các biện pháp đóng cửa cục bộ theo nguy cơ từng khu vực, như ban bố lệnh giới nghiêm từ 23h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau, đóng cửa các trung tâm mua sắm vào cuối tuần ngoại trừ các cửa hàng nhu yếu phẩm và hiệu thuốc.

Số ca mắc COVID-19 ở Italy tăng trung bình hơn 10.000 ca mỗi ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này có 434.449 ca mắc COVID-19, trong đó có 36.705 ca tử vong.

Đức cũng tăng cường các hạn chế phòng dịch tại thủ đô Berlin. Thượng viện Berlin đã ra quyết định áp dụng mở rộng việc đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc, theo đó, từ ngày 24/10, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những khu vực không thể đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5m. Quy định này được áp dụng đối với các phiên chợ hàng tuần, đặc biệt là các khu phố mua sắm đông đúc, trung tâm mua sắm và việc xếp hàng.

Ngoài ra, Thị trưởng Berlin Michael Müller thông báo sẽ sớm áp dụng giới hạn đối với các cuộc gặp riêng tư. Đối với các cuộc gặp ngoài trời chỉ được phép tối đa 25 người tham gia, thay vì 50 người trước đây, các cuộc gặp trong nhà tối đa năm người thay vì 10 người.

Theo số liệu báo cáo, số ca mắc mới COVID-19 ở Berlin tiếp tục tăng. Ngày 20/10 cơ quan y tế ghi nhận 822 ca mắc mới, so với 476 ca ngày 19/10. Trên cả nước Đức, đến nay đã có hơn 380.800 ca mắc COVID-19 và 9.900 ca tử vong.

[Đức tăng cường hạn chế tại Berlin, Italy áp đặt giới nghiêm cục bộ]

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 20/10 đã quyết định áp dụng lệnh phong tỏa cấp độ cao nhất tại vùng Greater Manchester bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương. Theo đó 2,8 triệu người dân tại vùng này sẽ phải tuân thủ lệnh phong tỏa cấp độ cao nhất (cấp độ 3) bắt đầu từ 23/10.

Thủ tướng Johnson cũng cho biết một số thành phố ở phía Bắc vùng England nhiều khả năng cũng sẽ phải đưa vào diện phong tỏa cấp độ 3.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Anh trong ngày 20/10 là 21.330 ca - mức cao nhất từ khi xảy ra đại dịch. Số ca tử vong trong 24 giờ qua là 241 ca, mức cao nhất trong bốn tháng qua. Hiện nay, nhóm người trẻ mắc COVID-19 có chiều hướng giảm nhẹ, nhưng số ca mắc mới gia tăng ở nhóm người nhiều tuổi đặc biệt là ở Tây Bắc England.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, tại châu Á, Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC) thông báo, trong ngày 20/10, Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca mắc COVID-19 nào trong cộng đồng, song có thêm 11 ca nhập cảnh - giảm so với 19 ca của ngày trước đó. Như vậy, đến nay Trung Quốc đại lục có 85.715 ca mắc COVID-19, trong đó 4.634 ca tử vong.

Liên quan cuộc chiến chống dịch COVID-19, Chính phủ Brazil ngày 20/20 thông báo sẽ sử dụng rộng rãi loại vắcxin ngừa COVID-19 do phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc phát triển, đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba cho các tình nguyện viên tại Brazil.

Dự kiến, vắcxin này sẽ được Viện Butantan của Brazil đưa vào sản xuất từ tháng 12 tới. Chính phủ Brazil cũng dự định mua khoảng 46 triệu liệu vắcxin mang tên CoronaVac này với tổng giá trị khoảng 427 triệu USD.

Theo kế hoạch, Chính phủ Brazil bắt đầu chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân từ đầu năm 2021.

Trước đó, Chính phủ Brazil cũng đã thỏa thuận về hợp đồng cung cấp 100 triệu liều vắcxin do công ty AstraZeneca của Anh và trường Đại học Oxford phát triển và sản xuất.

Ngoài ra, Brazil cũng đang tiến hành thử nghiệm các loại vắcxin ngừa COVID-19 của phòng thí nghiệm Johnson & Johnson, cũng như của liên doanh BioNTech của Đức và Wyeth/Pfizer của Mỹ.

Chính quyền các bang Bahia và Parana cũng đang trong quá trình đàm phán với các đối tác để tiến hành thử nghiệm vắcxin Sputnik-V của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục