Lạm phát giá cả tiêu dùng tại Anh trong tháng 5 vừa qua tăng lên mức 2,8%, đánh dấu tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 7/2011.
Theo báo cáo mới được Hiệp hội bán lẻ Anh (BRC) công bố ngày 1/6, tỷ lệ lạm phát thực phẩm trong tháng 5 ở mức 4,3%, cao hơn mức 3,5% trong tháng 4 và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
Bà Helen Dickinson, Giám đốc điều hành BRC, cho biết giá bán lẻ tại Anh tiếp tục tăng khi chi phí hàng hóa, năng lượng và vận tải tiếp tục tăng.
Lạm phát thực phẩm tươi sống lên tới 4,5% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2012, trong đó các mặt hàng như thịt gia cầm và bơ thực vật tăng mạnh nhất do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh và giá thực phẩm toàn cầu tăng sát mốc kỷ lục.
Bà Helen Dickinson lo ngại tình hình trước mắt sẽ tiếp tục xấu đi khi giá cả vẫn đang tăng không ngừng và giá năng lượng được dự báo tiếp tục tăng vọt trong tháng 10.
Những tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng tại Anh đã tăng lên những mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Lạm phát tăng 9% trong 12 tháng tính đến tháng 4 và Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến sẽ tăng lên mức hơn 10% vào cuối năm.
Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường YouGov của Anh, 62% số người được hỏi cho rằng kinh tế là vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia này phải đối mặt, trong khi vấn đề y tế xếp ở vị trí thứ 2 với khoảng cách khá xa.
[Người dân Anh đang đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt]
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, ông Torsten Bell, CEO của công ty tư vấn Resolution Foundation, nhận định nền kinh tế Anh vừa mới bước ra khỏi cuộc khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã lập tức rơi vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khiến các vấn đề kinh tế trở thành chủ đề tranh luận chính tại Quốc hội Anh trong thời gian tới.
Tình trạng lạm phát gia tăng chủ yếu do giá thực phẩm và năng lượng tăng được dự báo sẽ tác động mạnh tới các hộ nghèo.
Chính phủ Anh đã thông báo sẽ đánh thuế lợi nhuận của các công ty dầu khí để đóng góp cho gói hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương./.