Anh-EU đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit

Anh và EU đang kêu gọi đối phương thỏa hiệp về 3 vấn đề bất đồng chính gồm đánh bắt cá, các quy định về việc chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp Anh và cách giải quyết mọi tranh chấp trong tương lai.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của EU Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost (trái) tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ ngày 21/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của EU Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost (trái) tại vòng đàm phán ở Brussels, Bỉ ngày 21/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/11, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tái khởi động cuộc đàm phán trực tiếp về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit trong nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong bối cảnh chỉ còn 5 tuần nữa là kết thúc giai đoạn chuyển tiếp sau khi Anh đã chính thức rời EU ngày 31/1.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đã đến London để tham gia đàm phán vào sáng cùng ngày. Trước đó, tối 27/11, ông bày tỏ "rất vui mừng" được quay lại thành phố này và khẳng định sẽ tiếp tục làm việc với sự "kiên nhẫn và quyết tâm."

Ông Barnier và trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost sẽ thảo luận việc đảm bảo đạt được một thỏa thuận trước khi giai đoạn chuyển tiếp của Anh với EU kết thúc vào ngày 31/12.

[EU và Anh khẳng định vẫn còn tồn tại bất đồng lớn trong đàm phán]

Cả hai bên đang kêu gọi đối phương thỏa hiệp về 3 vấn đề bất đồng chính gồm đánh bắt cá, các quy định về việc chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp Anh và cách giải quyết mọi tranh chấp trong tương lai.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó khẳng định dù vẫn còn những bất đồng lớn và quan trọng song London sẽ nỗ lực thu hẹp chúng. Ông cho rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit sẽ phụ thuộc vào bên phía EU.

Theo giới phân tích, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận để kịp phê chuẩn trước ngày 31/12 tới, hoạt động thương mại giữa EU và Anh sẽ gặp rào cản thuế quan và các doanh nghiệp ở cả hai bên, nhất là phía Anh, sẽ chịu thiệt hại rất lớn.

Nhiều nghị sỹ châu Âu cho biết sự chậm trễ trong đàm phán có thể gây khó khăn cho việc phê chuẩn bất kỳ thỏa thuận thương mại hậu Brexit nếu đạt được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục