Anh điều máy bay C-17 vận chuyển binh lính ở Mali

Thủ tướng Anh đồng ý với yêu cầu của Tổng thống Pháp điều 2 máy bay C-17 tới Mali để hỗ trợ việc vận chuyển binh lính và thiết bị.
Thủ tướng Anh David Cameron vừa đồng ý với yêu cầu của Tổng thống Pháp Francois Hollande, điều hai máy bay vận tải C-17 tới Mali để hỗ trợ việc vận chuyển các binh lính nước ngoài và thiết bị trong một nỗ lực giúp Chính phủ Mali chống lại lực lượng Hồi giáo vũ trang Ansar Dine.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận nói trên trong cuộc điện đàm. Tuy nhiên, phía Anh cũng khẳng định sẽ không triển khai binh sỹ trong vai trò là lực lượng chiến đấu ở quốc gia châu Phi này.

Ông Cameron và ông Hollande nhất trí cho rằng tình hình ở Mali đang tạo ra mối đe dọa thực sự đối với an ninh quốc trong bối cảnh nhiều hoạt động khủng bố xảy ra tại đây.

Hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình của các quốc gia Tây Phi cần phải được hỗ trợ bởi các nước trong khu vực và triển khai càng sớm càng tốt.

Theo dự kiến, Hội đồng an ninh quốc gia Anh sẽ thảo luận về tình hình Mali khi nhóm họp vào ngày 15/1 tới đây.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh vụ trách châu Phi, Mark Simmonds cũng khẳng định rằng Anh sẽ chỉ "hỗ trợ chiến thuật, chiến lược rất hạn chế" bằng việc điều hai máy bay vận tải C-17 và binh sỹ Anh cũng có thể hỗ trợ công tác huấn luyện cho quân đội Mali.

Trong ba ngày vừa qua, không quân Pháp liên tiếp tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của phiến quân Hồi giáo ở Mali, đồng thời cảnh báo các cuộc không kích sẽ được tiếp tục cho đến khi lực lượng phiến quân Hồi giáo rút lui khỏi các khu vực đã chiếm đóng.

Dưới sự yểm trợ của không quân Pháp, quân đội Mali đã tái chiếm được thị trấn Konna, đẩy lùi mũi tiến công của các tay súng Hồi giáo hướng về thị trấn trọng yếu Mopti và một thị trấn khác trên cung đường dẫn đến thủ đô Bamako.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng 3/2012, khi các binh sỹ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure.

Việc này đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc nước này và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad” và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) hà khắc.

Cuộc khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với chính phủ các nước phương Tây do lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của quốc gia châu Phi này có thể trở thành một nơi huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục