Anh đề nghị gia nhập CPTPP và dự báo quan hệ thương mại Việt-Anh

Đứng về góc độ chính sách thương mại thì giá trị mà Anh có được khi gia nhập CPTPP là gia nhập nhóm những nước có "quan điểm tương tự" về tự do thương mại với Anh.
Anh có thể hoàn tất đàm phán gia nhập CPTPP sớm nhất vào cuối năm 2021 và chậm nhất là cuối năm 2023. (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đánh dấu kỷ niệm một năm Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), đối tác thương mại lớn nhất của nước này, bằng việc chính thức nộp hồ sơ xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 1/2/2021.

Đây là một động thái đã được thông báo trước khi Anh đạt được một số hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác thương mại quan trọng trong năm 2020, bao gồm Nhật Bản, Ukraine, Singapore, Việt Nam, EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Financial Times (Anh) cho rằng Thủ tướng Johnson hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ đưa nước Mỹ gia nhập CPTPP, mở ra "cửa sau" trong việc thúc đẩy quan hệ thương mại Anh-Mỹ gần gũi nhau hơn nữa, trong bối cảnh đàm phán FTA Anh-Mỹ có dấu hiệu chững lại, vì Tổng thống Biden đang tập trung ưu tiên hoàn thiện bộ máy Chính phủ mới và điều chỉnh nhiều chính sách quan trọng do cựu Tổng thống Donald Trump để lại.

[Việt Nam sẵn sàng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về CPTPP với Anh]

Đã có một số chỉ trích trong nội bộ nước Anh rằng tham gia CPTPP đem lại lợi ích kinh tế không phải là lớn cho Anh và họ không nhìn thấy triển vọng Tổng thống Biden sẽ nhanh chóng tham gia CPTPP.

Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson đã bày tỏ quan điểm rằng việc trở thành nước bên ngoài đầu tiên đăng ký xin gia nhập CPTPP thể hiện tham vọng Anh muốn tham gia các hoạt động thương mại với các nước, các đối tác trên thế giới bằng những điều khoản có lợi nhất và thể hiện sự nhiệt huyết muốn trở thành nước đi đầu trong thúc đẩy tự do thương mại toàn cầu.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss đã có cuộc nói chuyện chính thức với các nước Nhật Bản và New Zealand ngày 1/2 về đề nghị gia nhập CPTPP này của Anh và sẽ chính thức có các cuộc đàm phán với các nước này trong năm 2021.

Bà Truss tin rằng việc trở thành thành viên CPTPP sẽ giúp tự do hóa thương mại số, loại bỏ các loại thuế nhanh chóng hơn cho các mặt hàng của Anh như rượu whisky và xe hơi, thúc đẩy nhanh hơn và đơn giản hơn các thủ tục xin visa cho các doanh nhân đi lại giữa các nước thành viên CPTPP.

Bộ trưởng Truss cũng cho rằng tư cách thành viên CPTPP sẽ giúp bổ trợ cho các hiệp định tự do thương mại mà nước này đã ký với các nước Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Việt Nam sau khi Anh rời EU.

Tuy nhiên, bà Truss không nói tư cách thành viên CPTPP sẽ có tác động như thế nào lên kinh tế Anh mà chỉ nói khu vực Thái Bình Dương là một khu vực quan trọng như là một trung tâm của "tương lai tăng trưởng."

Dù vậy, khoảng cách là một yếu tố quan trọng khi đánh giá tác động của CPTPP đối với kinh tế Anh.

Chẳng hạn như hiệp định thương mại mới đây giữa Anh và Nhật Bản theo nghiên cứu của Chính phủ Anh cho thấy có thể giúp GDP của Anh tăng thêm "khoảng 0,07 điểm phần trăm" trong dài hạn.

Trong khi đó, đánh giá hậu quả kinh tế của hiệp định tự do thương mại giữa EU và Anh mà Thủ tướng Johnson đã ký theo đánh giá Bộ Tài chính Anh có thể sẽ khiến GDP của Anh giảm tới 5 điểm phần trăm trong dài hạn.

Ông David Henig, đồng sáng lập của Diễn đàn Thương mại Anh, cho rằng thỏa thuận Thái Bình Dương này của Anh mang lại lợi ích kinh tế khiêm tốn cho Anh.

Tuy nhiên, ông Henig cho rằng đứng về góc độ chính sách thương mại thì giá trị mà Anh có được khi gia nhập CPTPP là gia nhập nhóm những nước có "quan điểm tương tự" về tự do thương mại với Anh.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường cho biết Anh đã bày tỏ ý định muốn tham gia CPTPP từ tháng 9/2020 và có các hoạt động vận động các nước thành viên CPTPP trong tháng 11/2020. Hầu hết các nước này đều có thái độ hoan nghênh và ủng hộ Anh gia nhập CPTPP.

Với vị thế là một thị trường có sức mua lớn và tiềm lực tài chính mạnh, các nước thành viên CPTPP chưa có FTA với Anh mong muốn nước này tham gia Hiệp định để tránh cho sản phẩm của mình rơi vào thế cạnh tranh bất lợi.

May gia công hàng quần áo xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Ông Nguyễn Cảnh Cường đưa ra dự báo các nước Nhật Bản, Australia, New Zealand, Canada, Singapore sẽ rất hoan nghênh Anh tham gia CPTPP trong khi các nước khác cũng ủng hộ London gia nhập Hiệp định này ở mức độ khác nhau. Hiện không có nước nào công khai phản đối.

Dự đoán Anh có thể hoàn tất đàm phán gia nhập CPTPP sớm nhất vào cuối năm 2021 và chậm nhất là cuối năm 2023.

Khi được hỏi về dự báo tác động đối với quan hệ thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh khi Anh trở thành thành viên của CPTPP, Tham tán Thương mại Nguyễn Cảnh Cường cho biết nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021, trong khi chờ Quốc hội hai nước phê chuẩn chính thức.

Lợi thế này có thể sẽ giảm mạnh sau khi Anh tham gia CPTPP vì một số thành viên như Malaysia, Australia và Mexico xuất khẩu nhiều sản phẩm tương tự sản phẩm của Việt Nam (nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, sản phẩm cao su, thủy sản, sản phẩm điện tử...).

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh có thể sẽ khó khăn hơn khi phải đối mặt với mức độ cạnh tranh mạnh hơn từ các quốc gia này.

CPTPP, hiện có 11 nước thành viên gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore, bao trùm 13% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục