Anh sẽ đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhằm bảo vệ người dân tại những khu vực ghi nhận các ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Trao đổi với báo giới ngày 14/5, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vaccine Nadhim Zahawi cho biết tại các khu vực có ghi nhận biến thể mới, chính phủ sẽ đẩy mạnh công tác xét nghiệm, theo đó tất cả cư dân của một khu vực được yêu cầu xét nghiệm PCR trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2 đang lây lan trong cộng đồng và nhà chức trách đang nỗ lực đánh giá mức độ lây lan của chúng.
Ông cho biết có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho những người trẻ tuổi hơn nếu họ sống trong các gia đình nhiều thế hệ. Hiện việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 chỉ dành cho những người ngoài 38 tuổi.
Ngoài ra, kế hoạch điều chỉnh cũng bao gồm việc thu hẹp khoảng cách giữa 2 mũi tiêm vaccine của Pfizer (Mỹ)/BioNTech.
Vương quốc Anh là một trong những nước triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhanh nhất thế giới, với gần 70% dân số trưởng thành đã được tiêm mũi đầu tiên và 36% đã được tiêm đủ 2 mũi. Điều này giúp giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia châu Âu này.
Thủ tướng Boris Johnson đã vạch ra lộ trình "thận trọng nhưng không thể đảo ngược" để dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với vùng England. Tuy nhiên, ông cảnh báo các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như B.1.617.2 được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ có thể làm chệch hướng nỗ lực trên.
[Vaccine giúp giảm mạnh số ca tử vong và nhập viện tại Anh]
Thống kê mới nhất cho thấy trong tuần qua, tổng số ca mắc biến thể mới này đã tăng hơn gấp đôi lên 1.313 ca trên cả nước.
Chiến dịch tiêm chủng của Đức đang được nước này triển khai mạnh mẽ và bước đầu cho thấy hiệu quả khi lần đầu tiên trong gần 2 tháng qua, tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 7 ngày giảm xuống dưới ngưỡng 100 ca/100.000 người. Trong khi đó, đã có hơn 1,3 triệu người tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu do Viện Robert Koch (RKI) công bố ngày 14/5 cho thấy Đức đã thiết lập một mức kỷ lục tiêm chủng mới khi có 1.353.453 người đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong ngày 13/5.
Đây là ngày thứ 4 số lượng người được tiêm chủng ở nước này vượt trên 1 triệu ca. Hiện tại, theo Viện RKI, tổng số liều vaccine mà nước này đã tiêm cho người dân đạt hơn 38,6 triệu liều, số người được tiêm chủng là hơn 29,8 triệu người, tương ứng với 35,9% dân số. Trong đó, hơn 8,8 triệu người đã được tiêm đủ liều, chiếm tỷ lệ 10,6%.
Cũng theo số liệu của Viện RKI, trong 7 ngày qua, tỷ lệ mắc mới trên toàn quốc đã giảm xuống dưới dưới mức 100. Cụ thể, tỷ lệ số ca nhiễm mới ghi nhận được ngày 13/5 đã giảm xuống 96,5, so với mức 103,6 ghi nhận ngày 13/5 và mức gần 126 ghi nhận một tuần trước đây.
Tỷ lệ lây nhiễm mới đạt đỉnh trong làn sóng bùng phát thứ 3 là ngày 26/4 với con số 169,3. Tỷ lệ mắc mới 100 ca/100.000 người là ngưỡng để nhà chức trách Đức áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, bao gồm giới nghiêm ban đêm và hạn chế tụ tập đông người, cũng như đóng cửa toàn bộ hàng quán. Nếu tỷ lệ liên tục giảm xuống dưới ngưỡng này, các biện pháp hạn chế có thể được nới lỏng.
Tính riêng ngày 13/5, cả nước Đức ghi nhận 11.336 ca nhiễm mới và 190 trường hợp tử vong vì COVID-19. Cách đấy 1 tuần, số ca nhiễm mới và số ca tử vong lần lượt là 18.485 ca và 284 ca. Theo Bộ Y tế Đức, việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng là một nỗ lực lớn của nước này nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm của đại dịch. Thời gian tới, Đức sẽ tiếp tục mở rộng chiến dịch này do số lượng vaccine được cung cấp ngày càng nhiều hơn.
Ngày 14/5, Chính phủ Litva thông báo sẽ tặng 200.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho các nước ở Đông Âu. Theo đó, số vaccine này sẽ dành cho các nước thuộc "Đối tác phương Đông" của Liên minh châu Âu (EU), trong đó Ukraine sẽ nhận được 100.000 liều, Georgia nhận được 15.000 liều và Moldova là 11.000 liều.
Các vaccine này sẽ được phân phối trước ngày 1/10 tới. Việc phân phối 74.000 liều vaccine còn lại sẽ được quyết định vào cuối năm nay. "Đối tác phương Đông" cũng bao gồm các nước Belarus, Azerbaijan và Armenia.
Hiện đã có 35% người trưởng thành tại Litva được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, phù hợp với mức trung bình của EU./.