Bộ Doanh nghiệp Anh ngày 20/7 thông báo chính phủ nước này đã ký các thỏa thuận đặt mua trước 90 triệu liều vắcxin tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ các doanh nghiệp Mỹ, Đức và Pháp.
Theo cơ quan trên, Anh đã đặt mua 30 triệu liều vắcxin đang được công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) đồng thử nghiệm. Bên cạnh đó, chính phủ Anh cũng đạt thỏa thuận về nguyên tắc với công ty Valneva (Pháp) đặt mua 60 triệu liều.
Nếu vắcxin của hãng này được chứng minh là an toàn, hiệu quả và phù hợp, Anh có thể được cung cấp thêm 40 triệu liều nữa.
Hiện thế giới vẫn chưa chính thức có vắcxin phòng COVID-19 hiệu quả, song chính phủ Anh vẫn đặt mua 3 loại vắcxin tiềm năng đang được nghiên cứu, với số lượng có thể lên tới tổng cộng 230 triệu liều.
Bộ trưởng Doanh nghiệp Anh Alok Sharma cho rằng quan hệ đối tác mới với một số doanh nghiệp sản xuất vắcxin và dược phẩm hàng đầu thế giới sẽ giúp nước này có cơ hội sớm sở hữu được vaccine để bảo vệ những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.
Các đơn đặt hàng này được thực hiện sau khi Anh đạt thỏa thuận với công ty AstraZeneca (liên doanh giữa Anh và Thụy Điển) về việc sản xuất và cung cấp 100 triệu liều vắcxin COVID-19 tiềm năng do hãng dược phẩm này phối hợp với Đại học Oxford phát triển.
Chính phủ Anh cũng giành được quyền tiếp cận phương pháp điều trị COVID-19 bằng kháng thể do AstraZeneca phát triển nhằm bảo vệ những người không thể tiêm vắcxin.
Chính phủ Anh cho biết Pfizer và BioNTech nhất trí cung cấp các loại vắcxin đang được thử nghiệm ở giai đoạn đầu và giữa.
Hiện các doanh nghiệp này đang đặt mục tiêu phát triển 100 triệu liều vắcxin đến cuối năm 2020 và hơn 1,2 triệu liều đến cuối năm 2021 nếu quá trình thử nghiệm thành công.
Trong khi đó, tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh vừa thông báo sẽ đầu tư 130 triệu bảng (tương đương 163 triệu USD) để mua 10% cổ phần của công ty công nghệ sinh học CureVac (Đức). Ngoài ra, GSK cũng khởi động dự án hợp tác để phát triển tới 5 loại vắcxin dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA) đang được CureVac sử dụng để phát triển vắcxin cho COVID-19.
CureVac nằm trong số những doanh nghiệp đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua phát triển vắcxin phòng COVID-19.
Hồi tháng 6/2020, CureVac đã trở thành công ty công nghệ sịnh học thứ hai sau BioNTech được cấp phép thử nghiệm lâm sàng vắcxin phòng COVID-19.
Hồi giữa tháng 6/2020, Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức thông báo Chính phủ liên bang sẽ chi 300 triệu euro để mua 23% cổ phần của CureVac nhằm hỗ trợ công ty này phát triển và hoàn tất dự án bào chế vắcxin.
Theo Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier, công nghệ của CureVac có khả năng phát triển nhiều loại vắcxin mới cùng những phương thức điều trị đột phá./.