Anh đang hướng tới một tiến trình Brexit "mềm" đầy chông gai?

Brexit đã gây nhiều xôn xao trên trường quốc tế, cũng như nhiều tranh cãi trong EU, và trở thành sự kiện chính trị gây chấn động nhất của châu Âu trong những năm gần đây.
Anh đang hướng tới một tiến trình Brexit "mềm" đầy chông gai? ảnh 1

Từ khi Chính phủ Anh thông qua trưng cầu ý dân quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vào mùa Hè năm 2016 đến nay, sự kiện này đã gây nhiều xôn xao trên trường quốc tế, cũng như nhiều tranh cãi trong EU, và trở thành sự kiện chính trị gây chấn động nhất của châu Âu trong những năm gần đây.

Brexit là vấn đề hết sức gai góc mà Thủ tướng Theresa May, lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, buộc phải đối mặt.

Cựu Thủ tướng David Cameron từ chức do bị chỉ trích về sự thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit mà bà Theresa May cũng phải lao tâm tổn sức để thực hiện cam kết sau khi nước Anh rời khỏi EU.

Mặc dù Brexit chỉ phản ánh nguyện vọng của khoảng một nửa số cử tri Anh, nhưng nó đã “bắt cóc” ý kiến của một nửa số cử tri Anh phản đối Brexit theo hình thức dân chủ đa số đơn giản.

Brexit chỉ là một quyết định, còn làm thế nào rời bỏ EU, đạt được hiệu quả và mục đích ra sao thì còn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán Brexit.

Xét theo ý nghĩa này, rút khỏi châu Âu khó khăn hơn nhiều so với việc thoát khỏi châu Âu.

Nước Anh có khả năng đạt được mục đích ban đầu hay không và có thể tối đa hóa lợi ích quốc gia trên mức độ ra sao là những vấn đề gai góc mà bà May phải đối mặt.

Kể từ khi chính quyền Theresa May chính thức khởi động cánh cửa đàm phán rời khỏi EU vào tháng 3/2017, tiến trình Brexit đã không còn đường về.

Giai đoạn đầu của cuộc đàm phán kéo dài trong vòng 1 năm, 3 câu hỏi lớn cơ bản đã có lời giải: Chính phủ Anh nhất trí trả EU “phí chia tay” 100 tỷ euro, quyền lợi của công dân EU sinh sống ở Anh, đảm bảo biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland “sẽ không bị kiểm soát.”

Đổi lại, EU đồng ý kết thúc giai đoạn đàm phán đầu tiên vào tháng 2/2018, trao cho Anh thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 21 tháng (từ cuối tháng 3/2019-12/2020).

Nếu giai đoạn đầu chủ yếu là các câu hỏi mang tính nguyên tắc, thì giai đoạn hai của cuộc đàm phán chủ yếu liên quan tới các vấn đề thực chất hơn như khuôn khổ của thỏa thuận thương mại tự do Anh-EU và liên minh hải quan.

Sức ép cứng rắn từ bên ngoài

Theo bài viết trên tạp chí Tri thức thế giới (Trung Quốc), sở dĩ sự kiện Brexit gây nên cơn địa chấn chính trị ở châu Âu là vì nhiều lý do.

Trước hết, Anh là một “nước lớn vượt trội” trong EU, chiếm 17,2% tổng GDP của EU vào năm 2015. Thứ hai, Anh là trung tâm tài chính của châu Âu, quản lý hầu hết các quỹ đầu tư và quỹ đầu tư vốn tư nhân của châu Âu, tham gia vào 35% đầu tư mạo hiểm của EU.

Sau khi Anh rời khỏi EU, ngân sách hàng năm của EU sẽ thiếu hụt từ 2-3 tỷ euro.

Hơn nữa, Anh còn là một nước lớn quân sự và là một trong 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tiến trình xây dựng an ninh và quốc phòng ở châu Âu không thể tách rời nước Anh.

Ngoài ra, Anh còn có năng lực mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới.

Chính vì tầm quan trọng của Anh nên việc nước này chọn rời đi đã khiến EU vô cùng tức giận.

EU không phải là liên minh siêu quốc gia, song khối này có quyền lực tương tự một số quốc gia nào đó trong lĩnh vực ngoại giao, tư pháp, đồng thời còn có thể làm giảm dòng chảy tự do trong việc kiểm soát biên giới, vốn, hàng hóa và nhân sự giữa các nước thành viên.

Thành tựu nhất thể hóa từng khiến EU cảm thấy tự hào đang mất dần đi khi tiến trình Brexit đang diễn ra.

Anh đang hướng tới một tiến trình Brexit "mềm" đầy chông gai? ảnh 2Anh được dự báo sẽ gặp khó nếu rời EU. (Nguồn: Drishti Magazine)

Một chuyên gia của tờ The Economist cho biết 7 trong số các nước thành viên EU mà dẫn đầu là Đức và Pháp thuộc “phe không khoan nhượng”, chủ trương trừng phạt nghiêm đối với Anh; 12 quốc gia đại diện là Italy, Tây Ban Nha thuộc “phe cứng rắn” chủ trương Anh đã rời khỏi EU thì không nên quay trở lại, chỉ có 8 quốc gia nhỏ như Ireland và Thụy Điển... thuộc “phe ôn hòa” chủ trương “cứ dần dần bàn bạc với Anh.” Tổng cộng có trên 2/3 quốc gia thành viên giữ lập trường cứng rắn với tiến trình Brexit.

Các quan chức EU nhiều lần nhấn mạnh: Một là Anh phải trả giá đắt cho việc rút khỏi EU; hai là mọi quy tắc thương mại trong tương lai đều phải làm cho các nước thành viên được hưởng ưu đãi hơn so với nước đã rút khỏi tổ chức; ba là không nên mơ mộng rằng “chỉ cần tuân thủ các quy tắc có lợi cho mình.”

Sở dĩ EU giữ lập trường cứng rắn, một là do lo ngại Anh rời khỏi EU dẫn tới chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa ly khai của phe cực hữu châu Âu lan rộng (trên thực tế đã nảy sinh hiệu ứng tương tự); hai là lo ngại việc Anh rời khỏi EU dẫn tới hiệu ứng domino trong các nước thành viên EU; ba là xem xét tầm quan trọng của Anh trong EU và những tổn hại của Brexit đối với tiến trình hội nhập châu Âu, phải khiến Anh trả một mức giá đắt đỏ.

[Vấn đề Brexit: Có thể kết thúc với kịch bản tồi tệ nhất]

Dựa trên những tính toán này, EU luôn giữ lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Anh. Các quan chức cấp cao của EU cho biết nếu Anh rời khỏi liên minh hải quan và thị trường chung thì sẽ phải đối mặt với rào cản thương mại không thể tránh khỏi, đồng ý cho phép Anh ở lại thị trường chung châu Âu và liên minh hải quan trong thời kỳ chuyển tiếp đã là một “ân sủng,” người Anh không nên mặc cả.

Tất nhiên, EU cũng biết rõ hậu quả của việc cả hai cùng tổn thất nếu làm Anh tức giận, nên đã cố ý dành cho Anh nhiều sự nhượng bộ hơn trong 21 tháng giai đoạn chuyển tiếp, song nhấn mạnh rằng Anh cần chấp nhận sự quản lý giám sát của EU trong giai đoạn chuyển tiếp, nhưng không được tham gia các quyết sách của EU. 

Vấn đề nội bộ lục đục

Mặc dù việc Anh rời khỏi châu Âu thuộc kiểu phóng lao thì phải theo lao, nhưng trên thực tế từ đầu đến cuối, Chính phủ Anh luôn ở trong tình cảnh khó khăn tiến thoái lưỡng nan, tự mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán. Chính phủ của đảng Bảo thủ mặc dù đã tỏ thái độ sẽ “hạ cánh cứng”, nhưng cũng nhiều lần để lộ tâm lý nên đi hay ở lại.

Trong thời kỳ đầu đàm phán, bà Theresa kiên quyết cho rằng Anh sẽ không trả khoản “phí chia tay” cho EU, thậm chí sẵn sàng “hạ cánh cứng.” Tuy nhiên, cùng với diễn biến của tình hình và lập trường ngày càng có xu hướng cứng rắn của EU, thái độ của bà Theresa May đã thay đổi rõ rệt.

Anh đã đồng ý trả cho EU “phí chia tay” để đạt được mục đích thông qua thỏa hiệp, Anh vẫn có thể duy trì mối quan hệ hợp tác có thuế quan bằng 0 với EU sau khi rời khỏi liên minh hải quan.

Từ sau khi Anh chính thức khởi động trình tự pháp lý rời khỏi EU, những tiếng nói phản đối Brexit trên chính trường Anh chưa bao giờ dứt, điều này đã gây áp lực lớn cho chính quyền Theresa May trong các cuộc đàm phán, làm cho chủ trương đàm phán của Anh đầy rẫy mâu thuẫn.

Anh đang hướng tới một tiến trình Brexit "mềm" đầy chông gai? ảnh 3Bà Theresa kiên quyết cho rằng Anh sẽ không trả 'khoản phí chia tay' cho EU. (Nguồn: ETHNews.com)

Cựu Thủ tướng Tony Blair cho rằng liệu Anh có nên tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc ở lại EU.

Cựu Phó Thủ tướng Nick Clegg đã xuất bản một cuốn sách nói về việc làm thế nào ngăn chặn Brexit, nhấn mạnh rằng việc áp dụng phương thức trưng cầu ý dân về Brexit là một sai lầm, là dùng cách đơn giản để giải quyết vấn đề rất phức tạp.

Ông cho rằng bản thân Brexit đã tự mâu thuẫn, và cam kết của “phe ủng hộ Brexit” đối với cử tri Anh sẽ không thể được thực hiện.

Nếu coi những nhận xét của các chính trị gia hàng đầu này của Anh là đang tỏ sự không hài lòng đối với bà Theresa May, thì tình trạng quốc hội treo sau cuộc bầu cử vào năm 2017 cũng như tiến trình lập pháp quan trọng được các nghị sỹ Công đảng và đảng Bảo thủ bắt tay với nhau thông qua sau đó (quy định Quốc hội Anh có quyền biểu quyết cuối cùng đối với các thỏa thuận được đàm phán giữa Chính phủ Anh và EU) mới là tuyệt chiêu để gây cản trở cho các cuộc đàm phán Brexit của bà Theresa May.

Đối mặt với tình cảnh khó khăn ở trong và ngoài nước, Chính phủ Anh buộc phải quan tâm hơn tới nhu cầu lợi ích của tất cả các bên trong cuộc đàm phán, do đó sự xuất hiện của chính sách và lập trường tự mâu thuẫn nhau về Brexit mà ông Nick Clegg nêu ra là không quá bất ngờ.

Lựa chọn giữa “cứng” và “mềm”

Khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU cách đây 2 năm, họ không có cơ hội để nói rõ là họ muốn rời khỏi EU theo cách như thế nào.

Nhưng bà May, người trở thành Thủ tướng sau cơn địa chấn trưng cầu dân ý, đã nhanh chóng đi đến quyết định cho rằng người dân Anh muốn tách khỏi EU càng nhiều càng tốt.

Không tham vấn nội các của mình, cũng như phớt lờ Quốc hội, bà May tuyên bố "những ranh giới đỏ" cho đàm phán của bà với Brussels, với mong muốn đưa nước Anh tách khỏi EU được triệt để nhất.

Brexit "cứng" đó là nước Anh sẽ hoàn toàn độc lập trước các quan tòa châu Âu, chính sách thương mại và các quy định nhập cư của EU - cái giá đắt không thể tránh khỏi đối với vấn đề kinh tế và an ninh của Anh khi ở dưới “mái nhà chung” EU mà từ lâu Anh đã nhìn nhận.

Trước đây, sự phản đối của Quốc hội đối với kế hoạch của bà May là yếu ớt và của Công đảng đối lập lớn nhất bị cho là nhu nhược.

[Tây Ban Nha: Anh phải rút hoàn toàn khỏi khối thị trường chung]

Thực tế là đã có rất nhiều tuyên bố tự mâu thuẫn nhau của Chính phủ Anh trong các cuộc đàm phán Brexit.

Mâu thuẫn thứ nhất, Anh tuyên bố sau khi rời khỏi EU sẽ giành lại quyền kiểm soát tư pháp ở biên giới nước Anh, nhưng đồng thời lại cho biết sẽ không kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland, điều này chứng tỏ giữa Anh và EU không có biên giới.

Mâu thuẫn thứ hai, trong Sách Trắng Brexit, Anh nhấn mạnh kiểm soát luật pháp riêng của họ, tách rời sự quản lý kiểm soát của Tòa án công lý châu Âu, nhưng bà May cũng cho biết, trong tình hình thích hợp, tòa án Anh sẽ tiếp tục xem xét các phán quyết của Tòa án công lý châu Âu, “Anh phải tôn trọng quyền hạn của Tòa án công lý châu Âu về phương diện này.”

Mâu thuẫn thứ ba, bà May tuyên bố nước Anh sẽ rút khỏi thị trường chung châu Âu, nhưng lại muốn cùng với EU đạt được thỏa thuận “sâu rộng hơn so với bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại nào trên toàn cầu,” nhấn mạnh việc Anh và EU cuối cùng có đạt thỏa thuận thương mại tự do với thuế quan bằng 0 hay không có ý nghĩa quan trọng đối với Anh.

Nghị sỹ đảng Bảo thủ Anna Soubry thậm chí còn đề xuất sửa đổi Luật thương mại để cho phép Anh có thể cùng EU thành lập liên minh hải quan sau Brexit.

Một số nghị sỹ đảng Bảo thủ đã đứng lên phản đối vai trò nắm giữ quyền quyết định cuối cùng đối với vấn đề Brexit của Chính phủ. Trong khi đó, đa phần những người ủng hộ Brexit cho rằng vấn đề biên giới Ireland là khó khăn to lớn nhất để có thế thực hiện Brexit cứng.

Chưa còn 6 tháng nữa là hết thời gian đàm phán, giờ đây càng thấy rõ Brexit sẽ diễn ra chiều hướng mềm hơn là Brexit như khi ban đầu bà May tuyên bố, tờ Economist nhận xét.

Tuần qua, Chính phủ Anh đã cam kết với các nghị sĩ về cuộc bỏ phiếu "có ý nghĩa" đối với thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đang đàm phán với EU.

Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều kẽ hở để có thể có Brexit cứng. Mặc dù các cuộc đàm phán đều cho thấy cái giá phải trả cho một chính sách như vậy, Chính phủ đã bị kẹt trước những yêu cầu và ranh giới đỏ của mình.

Những người nhiệt thành ủng hộ Brexit lên tiếng cho rằng bất cứ vấn đề nào cũng có thể vượt qua được nếu như có tinh thần tích cực và lòng yêu nước, hoặc lập luận rằng đây là cái giá trả cho sự tự do thoát khỏi EU.

Những người này thuyết phục Thủ tướng rằng cuộc trưng cầu dân ý có nghĩa là bà May phải đưa nước Anh ra khỏi thị trường đơn lẻ EU và liên minh hải quan EU bằng mọi giá.

Anh đang hướng tới một tiến trình Brexit "mềm" đầy chông gai? ảnh 4Khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU cách đây 2 năm, họ không có cơ hội để nói rõ là họ muốn rời khỏi EU theo cách như thế nào.

Nhưng có một lĩnh vực mà nước Anh không thể lựa chọn để tách khỏi EU một cách tối đa. EU đã yêu cầu Bắc Ireland, vì mục đích hòa bình, không được có các trạm chốt kiểm tra mới tại đường biên giới.

Bà May đã đồng ý điều này hồi tháng 12/2017, và đã tìm cách để dung hòa một chính sách thương mại độc lập với một đường biên giới mở và mềm.

Nhưng không có gì ngạc nhiên là bà May đã thất bại vì trên thực tế ngay cả những đường biên được cho là không xây dựng đường biên giới cứng như biên giới giữa Na Uy hay Thụy Sỹ với EU vẫn phải có một vài điểm chốt kiểm tra đường biên.

Do vậy nước Anh đã nghĩ ra một "kế hoạch dự phòng," theo đó là để Bắc Ireland ở lại trong liên minh hải quan EU cho đến khi hai bên tìm được ra giải pháp chung về vấn đề đường biên, điều mà có thể sẽ chẳng bao giờ có được.

Để tránh việc kiểm tra hải quan tại biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh, điều làm cho những người thuộc Đảng Dân chủ Liên hiệp (DUP, đảng chính trị lớn nhất tại Bắc Ireland có đường lối thân Anh) tức giận, liên minh hải quan sẽ bao gồm toàn nước Anh.

Chính phủ Anh cũng không đưa ra thời gian hạn định cụ thể với tình trạng này, đồng thời hứa hẹn rằng kế hoạch dự phòng Bắc Ireland của họ sẽ gắn với những quy định phù hợp của thị trường đơn lẻ EU.

Nước Anh do vậy sẽ tạm thời, trên thực tế là vô thời hạn, sẽ là thành viên của liên minh hải quan EU và hoàn toàn tuân thủ những quy định của thị trường đơn lẻ EU.

Con đường chông gai phía trước

Trong thời hậu Brexit, triển vọng của Anh không lạc quan, đối mặt với nhiều nhân tố khó đoán định thậm chí là tiêu cực.

Trước hết, Brexit là sự đơn phương tình nguyện của Anh, EU rất không hài lòng, do đó sẽ không cung cấp cho Anh các “món ăn ngon” trong các cuộc đàm phán.

Từ một tập hợp các số liệu có thể thấy mối quan hệ hơn thiệt giữa Anh và EU: năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của 27 nước EU sang Anh chỉ chiếm 2,5% GDP của EU, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Anh sang EU chiếm 7,5% GDP của Anh. Rõ ràng, Anh lệ thuộc nhiều hơn vào EU và một khi nước này rời khỏi EU thì tổn thất sẽ là không nhỏ.

Thứ hai, Brexit đã gây ra nỗi hoảng sợ trong giới tài chính và kinh doanh ở châu Âu, “chạy trốn khỏi Anh” đã dần dần trở thành một trào lưu.

Các quan chức EU đã có những động thái như chuyển các cơ quan lớn trong đó có trụ sợ chính của Cơ quan dược phẩm châu Âu và Cơ quan ngân hàng châu Âu sang lục địa châu Âu.

Đồng thời, nhiều công ty của EU cũng đã bắt đầu giảm bớt hoạt động kinh doanh tại Anh.

Anh cho biết kể từ cuộc trưng cầu ý dân rời khỏi EU năm 2016 tới nay, đã có 11% doanh nghiệp của EU rút phần lớn nhân viên khỏi Anh, 14% các công ty EU cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Anh.

Về lâu dài, Brexit chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến địa vị trung tâm tài chính quốc tế của Anh và cảng tránh gió của tài chính châu Âu.

Tiếp đó sau Brexit, nước Anh sẽ trở nên yếu hơn, và e rằng cuối cùng sẽ bị gạt ra bên lề làn sóng toàn cầu hóa. Sau khi rời khỏi gia đình EU, nước Anh có muốn khôi phục vị thế trong châu Âu cũng rất khó.

Xét về ảnh hưởng địa chính trị, sau khi rời khỏi EU, mặc dù Anh giành được quyền quản lý độc lập về mặt tư pháp, nhưng chắc chắn sẽ hạn chế sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Nếu EU có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục mở rộng ảnh hưởng thì chắc chắn họ sẽ chèn ép hơn nữa sự hiện diện chính trị của Anh ở châu Âu.

Đánh giá từ sức ảnh hưởng kinh tế và khoa học công nghệ, ngành tài chính và thương mại đầu tư sau Brexit ít nhiều đều sẽ đối mặt với “khoảng trống thỏa thuận.”

Nhiều thỏa thuận giữa Anh và EU cần được thẩm định lại, thỏa thuận của một số ngành có khả năng tạm thời xuất hiện khoảng trống, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc khơi sâu quan hệ song phương.

Mặc dù logic của các cuộc đàm phán hiện giờ cho thấy nước Anh đang hướng tới một Brexit mềm, một kết cục như vậy chưa hẳn là đã chắc chắn hoàn toàn.

Trong giai đoạn hai của cuộc đàm phán, thương mại tự do, hợp tác kinh tế và đầu tư tài chính đã trở thành nội dung chủ yếu của cuộc đọ sức giữa Anh và EU.

Chính phủ Anh nhấn mạnh thỏa thuận thương mại tự do phải gồm có lĩnh vực dịch vụ tài chính, muốn giữ lại đặc quyền tham gia thị trường dịch vụ tài chính EU (tức là cơ quan tài chính chỉ cần xin giấy phép kinh doanh ở một nước thành viên EU thì có thể cung cấp dịch vụ cho tất cả khách hàng ở các nước thành viên EU).

EU cho biết sau khi Anh rời khỏi EU, việc Bắc Ireland ở lại liên minh hải quan cũng phù hợp với lợi ích của Anh, Bắc Ireland và EU. Nhưng cụ thể làm như thế nào mới có thể tránh được việc giữa Bắc Ireland và EU vừa không phải có “đường biên giới cứng,” vừa thể hiện quyền quản lý thuộc địa của hệ thống tư pháp Anh, là một câu hỏi hóc búa bởi vì một phần các hòn đảo giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland có thể sẽ bị tách biệt khỏi “đường biên giới thương mại.”

Chính phủ Anh hy vọng sau khi rời khỏi EU có thể tiếp tục được hưởng đặc quyền thương mại tự do tối đa hóa với EU, thậm chí ở lại trong liên minh hải quan, nếu không thể thì ít nhất cũng được hưởng các quyền hạn thương mại tự do tương đối lớn như Thụy Sỹ và Na Uy.

Tuy nhiên, dự thảo nguyên tắc cơ bản đàm phán giai đoạn hai của EU cho thấy thỏa thuận thương mại tự do giữa Anh và EU sẽ là một “thỏa thuận thương mại tự do tiêu chuẩn”, các điều kiện tham khảo “Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện” giữa EU và Canada, mặc dù thỏa thuận này đã hủy bỏ hầu hết các dịch vụ và thuế thương mại hàng hóa, nhưng việc tiếp cận các tổ chức tài chính vẫn chịu sự giám sát quản lý của luật pháp EU.

Bên cạnh đó, một kịch bản có thể diễn ra là EU từ chối không cho Anh đặc quyền tiếp cận thị trường đơn lẻ mà EU muốn Anh phải đồng ý để dòng người trong khối EU tự do đi lại tìm việc làm, sinh sống tại Anh.

Do vậy nhiều khả năng Anh sẽ phải áp dụng biện pháp giảm bớt nhập cư bằng biện pháp đã áp dụng với một số nước thành viên EU, đó là đăng ký người mới nhập cư, hạn chế những người này được hưởng các quyền phúc lợi xã hội, thậm chí loại trừ những người này được làm việc trong khối ngân sách nhà nước.

Điều này có thể sẽ làm hài lòng những cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ Brexit, với thực tế là số người nhập cư đến từ các nước EU hiện đã giảm hơn 1/2 kể từ khi diễn ra trưng cầu dân ý ở Anh.

Một số cử tri khác có thể bị mua chuộc nếu như bà May thực hiện những lời hứa hẹn Brexit khác, như cấp thêm tiền từ ngân sách cho lĩnh vực dịch vụ y tế công của Anh.

Rủi ro to lớn nhất đối với bà May chính là từ những người thuộc phe hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ của bà.

Nếu như Thủ tướng hướng tới Brexit mềm, những nghị sĩ trong đảng sẽ gây ra những thách thức về vai trò lãnh đạo của bà. Nhưng Thủ tướng có thể thắng trong cuộc đấu này do hầu như không có ai có thể thay thế được bà. Và nếu như bà May bị mất chức thì người kế nhiệm bà cũng sẽ vấp phải vấn đề Bắc Ireland như bà May hiện nay.

Báo Economist cho rằng con đường đi đến Brexit mềm là con đường nhiều chông gai. Nhưng vấn đề đường biên giới Ireland buộc nước Anh phải đi theo hướng này./.

(Theo tờ Economist của Anh, tạp chí Tri thức thế giới của Trung Quốc) 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục