Cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập ở Catalonia trái với Hiến pháp Tây Ban Nha. Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khi bình luận về diễn biến mới tại Tây Ban Nha trong bối cảnh Thủ tướng Mariano Rahoy đang chịu nhiều áp lực từ trong và ngoài nước nhằm tìm ra giải pháp cho tình hình hiện nay.
Trong tuyên bố ngày 1/10, Ngoại trưởng Johnson thể hiện lập trường của Anh coi cuộc trưng cầu ý dân ở vùng tự trị Catalonia là vấn đề nội bộ của chính phủ và người dân Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, ông bày tỏ quan ngại về tình hình hiện nay tại Catalonia, hy vọng tình hình sẽ sớm ổn định, đồng thời thể hiện mong muốn "luật pháp và Hiến pháp Tây Ban Nha phải được tôn trọng."
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Anh được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Tây Ban Nha tiến hành các biện pháp mạnh tay ngăn chặn cuộc trưng cầu bất hợp pháp ở Catalonia, trong đó có sử dụng dùi cui và đạn cao su để giải tán đám đông tụ tập bảo vệ các điểm bỏ phiếu.
Theo Cơ quan y tế vùng Catalonia, các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người ủng hộ cuộc trưng cầu đã khiến ít nhất 92 người bị thương trong tổng số khoảng 760 người phải tìm đến các cơ sở y tế. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết 33 cảnh sát cũng đã phải nhập viện sau các vụ đụng độ.
[Tây Ban Nha: Nghị viện Catalonia sẽ quyết định về tuyên bố độc lập]
Thông tin này cũng đã khiến nhiều chính trị gia châu Âu quan ngại, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đối thoại chính trị để giải quyết tình hình hiện nay. Thủ tướng Bỉ Charles Michel nhấn mạnh: "Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các bên tiến hành đối thoại chính trị."
Trưởng đoàn đàm phán về viện Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) của Nghị viện châu Âu, ông Guy Verhofstadt khẳng định ông không muốn can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha, song ông hoàn toàn lên án sự việc đã diễn ra tại Catalonia.
Trong khi đó, Thủ tướng Rahoy cho rằng chính quyền Catalonia phải chịu trách nhiệm cho các cuộc đụng độ bạo lực bởi theo ông, cuộc trưng cầu ý dân mà chính quyền Catalonia thúc đẩy là một tiến trình "chỉ gây chia rẽ, đẩy người dân vào thế đối đầu và đổ ra đường phố làm loạn."
Ông lên tiếng bảo vệ cảnh sát Tây Ban Nha khi cho rằng lực lượng này chỉ thực thi nhiệm vụ và các sắc lệnh của tòa án. Bên cạnh đó, Thủ tướng Rahoy tuyên bố Chính phủ Tây Ban Nha sẵn sàng thương lượng với chính quyền Catalonia nhằm tìm ra giải pháp để đáp ứng nguyện vọng xây dựng vùng tự trị này lớn mạnh hơn.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Tây Ban Nha khẳng định "giải pháp đó sẽ phải nằm trong khuôn khổ luật pháp và chế độ dân chủ."
Ông Rahoy cho biết ông sẽ triệu tập một cuộc họp với sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị để bàn về tương lai đất nước.
Chia sẻ quan điểm ủng hộ Chính phủ Tây Ban Nha, Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic nhấn mạnh Tây Ban Nha là một trong những người bạn lớn của Serbia và Madrid đang ở "tình thế giống với vấn đề toàn vẹn lãnh thổ" của quốc gia Đông Nam Âu này.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng Tây Ban Nha là một quốc gia thân thiện, một dân tộc đáng tự hào, đồng thời tin tưởng một nền hòa bình ổn định tại đất nước này.
Mâu thuẫn giữa chính quyền khu vực tự trị Catalonia và Chính phủ Tây Ban Nha nảy sinh sau khi Catalonia công bố kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập cho vùng lãnh thổ này.
Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, đồng thời triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn cuộc trưng cầu./.