Anh công bố dự luật nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên EU

Anh đã công bố dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là "Luật Hủy bỏ," nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên của Anh trong EU.
Quốc kỳ Liên hiệp Anh và cờ Liên minh châu Âu tại khu vực tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 13/7, Anh đã công bố dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là "Luật hủy bỏ," nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên của Anh trong EU.

Dự luật trên được công bố trên trang web Quốc hội Anh, trong đó dòng đầu tiên của dự luật viết rằng "hòn đá tảng" pháp lý về quy chế thành viên của Anh - "Luật Cộng đồng châu Âu 1972" - sẽ "bị vô hiệu vào ngày ra đi."


[Trưởng đoàn đàm phán EU nêu các điều kiện về Brexit với Anh]

Về lý thuyết, việc Anh rời EU (Brexit) sẽ chính thức diễn ra vào tháng 3/2019.

Dự luật cũng chấm dứt quyền tối cao của Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) ở Anh, đồng thời nêu chi tiết cách thức Chính phủ Anh chuyển đổi khoảng 12.000 quy định và luật của EU hiện nay thành luật pháp Anh, qua đó giúp giữ nguyên luật pháp ở nước này sau Brexit.

Dự luật đặt ra các quyền hạn mà các bộ trưởng, với sự thông qua của Quốc hội, có thể sửa đổi các điều luật để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả một khi được đưa vào luật pháp Anh.

Các quyền này sẽ tồn tại trong khoảng thời gian 2 năm kể từ ngày Anh chính thức rời EU.

Theo Bộ trưởng Brexit David Davis, dự luật trên sẽ đảm bảo rằng Vương quốc Anh sẽ có một "hệ thống pháp lý được vận hành đầy đủ" sau khi "ly hôn" với EU, đồng nghĩa với việc "Anh sẽ có thể rời EU với sự chắc chắn, liên tục và kiểm soát tối đa."

Tuy nhiên, việc xét lại đạo luật sau hơn 4 thập kỷ bằng cách hủy bỏ "Luật Cộng đồng châu Âu 1972" sẽ không hề đơn giản, nhất là sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đã đánh mất đa số tại Quốc hội.

Theo phóng viên TTXVN tại London, giới phân tích cho rằng điểm có thể gây xung đột về quan điểm với các đảng đối lập là dự luật nêu trên có một điều khoản đề cập rằng Hiến chương EU về các quyền cơ bản sẽ không được đưa vào luật của Anh vào ngày Brexit.

Trước đó, Công đảng lên tiếng sẽ bỏ phiếu chống dự luật này nếu Chính phủ Anh không đưa ra được những thay đổi căn bản.

Trong khi đó, Anh đã bổ sung quan điểm đàm phán rời EU về vấn đề hạt nhân, tư pháp và các vấn đề khác trước khi diễn ra vòng đàm phán đầy đủ với EU vào tuần tới, trong đó London nhấn mạnh sẽ rời khỏi Cộng đồng năng lượng nguyên tử châu Âu.

Trong một văn bản về "Vật liệu hạt nhân và vấn đề an toàn," Chính phủ Anh nêu rõ Vương quốc Anh sẽ rời khỏi Euratom, song muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Euratom nhằm giúp đảm bảo kế hoạch Brexit diễn ra suôn sẻ.

Bên cạnh đó, văn bản còn nhấn mạnh Anh và Euratom cùng có lợi ích rõ ràng trong việc đảm bảo quan hệ hợp tác chặt chẽ.

Tư cách thành viên của Anh trong Euratom đã trở thành một tranh cãi lớn giữa các nhà đề xướng kịch bản Brexit "cứng" và "mềm."

Theo Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier, vấn đề này sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán Brexit mới nhất giữa Anh và EU diễn ra vào tuần tới. Trước đó, nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu (EP) về vấn đề Brexit, ông Guy Verhofstadt cũng nêu quan điểm rằng Anh sẽ không thể là thành viên của Euratom sau khi rời EU, song Euratom có thể tiếp tục hoạt động với Anh nếu London ký một thỏa thuận liên kết với EU sau khi rời khỏi khối này.


[Mỹ có thể là nước đầu tiên ký thỏa thuận thương mại với Anh sau Brexit]

Trong một diễn biến khác, một sự kiện thu hút sự chú ý của dư luận trong ngày 13/7 là cuộc phỏng vấn Thủ tướng Theresa May nhân một năm bà lên nắm quyền điều hành đất nước được phát trên kênh Radio 5 của đài BBC.

Bà May cho biết bà bị “sốc hoàn toàn” khi nghe kết quả cuộc tổng tuyển cử tháng Sáu vừa qua.

Thủ tướng May cho rằng đảng Bảo thủ lẽ ra phải tích cực hơn trong việc đưa ra những chính sách đối với thanh niên để giành được sự ủng hộ của họ trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục