Anh công bố cơ chế định cư tạm thời đối với công dân EU

Chính phủ Anh áp dụng cơ chế định cư 3 năm cho hầu hết các công dân EU tới Anh sau Brexit không thỏa thuận, đặc biệt các doanh nghiệp vẫn có thể tuyển dụng nhân viên mà họ cần.
Anh công bố cơ chế định cư tạm thời đối với công dân EU ảnh 1Các doanh nghiệp ở Anh vẫn có thể tuyển dụng nhân viên mà họ cần. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 4/9, Chính phủ Anh đã bãi bỏ kế hoạch chấm dứt ngay lập tức quyền tự do đi lại đối với các công dân Liên minh châu Âu (EU) nếu kịch bản nước Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) không có thỏa thuận diễn ra vào ngày 31/10.

Chính phủ Anh áp dụng cơ chế định cư 3 năm cho hầu hết các công dân EU tới Anh sau Brexit không thỏa thuận, đặc biệt các doanh nghiệp vẫn có thể tuyển dụng nhân viên mà họ cần.

Chính sách mới sẽ cho phép công dân các nước Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), bao gồm các thành viên EU, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, nộp đơn xin định cư và làm việc tại Anh trong thời gian lên tới 3 năm.

[Động thái của EU chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận]

Văn kiện của Chính phủ Anh nêu rõ sau Brexit, các công dân EU tới Anh trong giai đoạn từ thời điểm ngày 31/10 đến hết năm 2020 có thể áp dụng tình trạng nhập cư tạm thời kéo dài 36 tháng, gọi là cơ chế cho phép công dân châu Âu ở lại tạm thời (TLR).

Thủ tục đăng ký theo cơ chế TLR mới sẽ đơn giản và miễn phí, được thực hiện ngay sau khi tới Anh.

Theo Bộ Nội vụ Anh, công dân EU vẫn có thể tới Anh du lịch ngắn ngày mà không phải làm thủ tục theo quy chế mới.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp công dân EU đã sống tại Anh trong nhiều thập niên, họ lại đang bị từ chối quyền định cư lâu dài tại Anh sau Brexit do gặp khó khăn trong việc chứng minh bằng thủ tục tình trạng định cư của mình.

Mặc dù kế hoạch mới trên cho phép các công dân EU có quyền hợp pháp ở lại Anh, nhưng cho đến nay, chỉ có khoảng 1 triệu người trong tổng số hơn 3 triệu công dân EU đang sống tại Anh đăng ký ở lại.

Liên quan đến kế hoạch Brexit, cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã một lần nữa kêu gọi 27 nước EU chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận.

Trong một tuyên bố, EC cho rằng sự không chắc chắn ở Anh liên quan đến việc phê chuẩn thỏa thuận Brexit và tình hình chính trị nước này khiến kịch bản Brexit không có thỏa thuận vẫn có thể xảy ra.

EC đã công bố một danh sách chi tiết để giúp những doanh nghiệp có giao dịch với Anh tiến hành công việc chuẩn bị cuối cùng nhằm giảm thiểu gián đoạn thương mại.

Ngoài ra, EC đã đề xuất với Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu thực hiện các điều chỉnh kỹ thuật có mục tiêu trong thời gian EU không áp dụng các biện pháp dự phòng trong lĩnh vực giao thông.

EC cũng đã đề xuất áp dụng các thỏa thuận dự phòng cho ngành thủy sản năm 2019, kéo dài sang năm 2020.

Cuối năm 2018, một báo cáo của ngân hàng ING Hà Lan cho rằng Cộng hòa Séc, Ba Lan và Hungary phải đối mặt với tình huống đặc biệt khó khăn nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận.

Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Ba Lan và Ba Lan duy trì thặng dư thương mại lớn (hơn 8 tỷ euro mỗi năm) với Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục