Ngày 8/4 vừa, Anh đã chính thức công bố đạo luật về quản lý Internet mới với những quy định hết sức chặt chẽ và nghiêm khắc trong quản lý các mạng xã hội cũng như những hoạt động khác trong môi trường Internet.
Theo nhận định của tờ Time, đạo luật trên sẽ làm thay đổi quy tắc hoạt động của các mạng xã hội hiện nay.
Đối mặt với các cuộc khủng hoảng lan truyền thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và nội dung bạo lực trên Facebook, các giám đốc của mạng xã hội lớn nhất thế giới trong những ngày gần đây đã kêu gọi thiết lập những quy tắc mới và phạm vi điều chỉnh rộng hơn để quản lý các công ty truyền thông xã hội.
[Anh phạt nặng các công ty công nghệ nếu chậm xóa nội dung khủng bố]
"Tôi tin rằng chúng tôi cần quy định mới," Giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg đã viết trong một bài đăng xã luận xuất bản ngày 30/3 trên tờ Washington Post. "Người dân không nền cần phải dựa vào các công ty riêng lẻ để giải quyết các vấn đề này."
Lập trường của Zuckerberg là một sự đảo ngược so với quan điểm điều hành từ nhiều năm trước, khi phương châm của Facebook là "di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ" - đó là quãng thời gian mà công ty truyền thông xã hội này sử dụng quyền tự do ngôn luận như là một lá chắn chống lại những lời kêu gọi họ xóa bỏ nội dung không đáng tin và phá vỡ dấu ấn thành công của công ty.
Trong nhiều năm, Facebook, Twitter và các trang truyền thông xã hội khác đã xây dựng doanh nghiệp của họ theo nguyên tắc người dùng, chứ không phải trang web, sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cho bài đăng bất hợp pháp.
Một phần nhờ vào sự bảo vệ như vậy, Facebook không phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý ngay lập tức sau khi hung thủ vụ xả súng hàng loạt sử dụng trang web này để phát trực tiếp cảnh thảm sát ở thành phố Christchurch, New Zealand vào tháng 3.
Bây giờ, điều đó đang bắt đầu thay đổi.
Bài xã luận của Giám đốc điều hành Facebook đã được giải thích rộng rãi như là một nỗ lực để đi trước một quy trình pháp lý mà một số người cho là không thể tránh khỏi sau vụ xả súng ở thành phố Christchurch - cùng với những bê bối gần đây của mạng xã hội này, như cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Nhưng điều mà Zuckerberg và những nhà quản lý khác của Facebook không mong đợi là tốc độ mà các nhà lập pháp trên khắp thế giới đang quay lưng lại với công ty truyền thông xã hội này.
Australia đã áp đặt quy định buộc các giám đốc điều hành như Zuckerberg chịu trách nhiệm về nội dung bạo lực trên trang web của họ; trong khi Thủ tướng New Zealand ngay sau vụ xả súng đã kêu gọi "các mạng xã hội không thể hoạt động tất cả vì lợi nhuận mà không chịu trách nhiệm."
Và vào thứ Hai, 8/4, chính phủ Anh thậm chí còn đi xa hơn, khi đưa ra một loạt đề xuất rộng lớn và chi tiết cho dự luật quản lý Internet mới, sẽ định hình lại đáng kể cách thức mà các công ty truyền thông xã hội như Facebook hoạt động.
Mặc dù những đề xuất này vẫn còn sơ bộ và có thể bị tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) làm hỏng, song nó thể hiện sự quyết liệt nhất của một chính phủ phương Tây và có thể cung cấp một khuôn mẫu cho các quốc gia khác tham khảo để áp đặt những quy định tương tự với các công ty truyền thông xã hội.
Theo đề xuất của Chính phủ Anh, luật mới sẽ cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt với những công ty truyền thông xã hội và công nghệ, hoặc thậm chí quy trách nhiệm cá nhân các thành viên lãnh đạo nếu công ty không bảo vệ người dùng trước những nội dung thông tin gây hại.
Quy định mới sẽ được áp dụng với những nền tảng cho phép người dùng chia sẻ, khai thác những nội dung thông tin đã được người dùng tổng hợp hoặc tương tác trực tuyến, gồm các trang web chứa file dữ liệu, các diễn đàn trực tuyến, các nền tảng truyền thông xã hội, các dịch vụ nhắn tin và các công cụ tìm kiếm.
Các công ty không đáp ứng những tiêu chuẩn đề ra có thể phải chịu án phạt nặng. Chính phủ Anh cho biết đang tham vấn để đưa ra những mức phạt hợp lý, chặn tiếp cận trang hoặc có thể là quy trách nhiệm cá nhân cho các thành viên ban lãnh đạo của công ty vi phạm.
Các đề xuất cũng bao gồm việc thành lập một đơn vị quản lý chuyên trách có nhiệm vụ phát hiện và xử lý các nội dung thông tin gây hại như kích động bạo lực, tự sát hay lan truyền thông tin giả mạo, dọa dẫm. Cơ quan này cũng có quyền hạn yêu cầu các nền tảng hoặc các công ty công bố bản báo cáo minh bạch thường niên.
Những đề xuất này đã được dự đoán sẽ xuất hiện ngay cả trước khi xảy ra vụ xả súng ở Christchurch, nhằm mục đích giải quyết những tác hại trực tuyến và đề nghị trao quyền cho chính phủ quản lý tốt hơn các công ty công nghệ trong lưu trữ những nội dung như video bạo lực, thông tin sai lệch, lạm dụng trẻ em.
"Thời đại của các công ty trực tuyến tự điều chỉnh đã kết thúc," Bộ trưởng Văn hóa Anh Jeremy Wright cho biết khi công bố các đề xuất. Thật vậy, có cảm giác rằng các công ty truyền thông xã hội đã không thể nắm bắt được tác động xã hội với những nội dụng xuất hiện trên nền tảng của họ và điều này đã dẫn đến sự đồng thuận ngày càng tăng trên toàn thế giới rằng các công ty phải được điều tiết tốt hơn.
"Thông tin sai lệch rõ ràng có hại cho toàn bộ nền dân chủ và xã hội," ông Damian Collins, một nghị sỹ Anh nói. Ông Collins là người đã kêu gọi Chính phủ Anh điều chỉnh truyền thông xã hội.
"Các công ty truyền thông xã hội phải có trách nhiệm hành động chống lại các tài khoản và các nhóm liên tục chia sẻ những nguồn tin sai lệch độc hại." - ông Collins nhấn mạnh.
Nhưng một số nhà hoạt động nhân quyền lại đang chỉ trích các đề xuất trên và gọi "đây là một cuộc tấn công chưa từng có vào tự do ngôn luận, sẽ chứng kiến các đại gia Internet theo dõi thông tin liên lạc của hàng tỷ người và kiểm duyệt những phát biểu hợp pháp," ông Silkie Carlo, giám đốc của tổ chức tự do dân sự phi lợi nhuận ở Anh trả lời phỏng vấn của tờ TIME.
Như đã đề cập ở trên, theo đề xuất, Anh sẽ thành lập một cơ quan quản lý truyền thông xã hội độc lập - được tài trợ bởi một loại thuế đánh vào các công ty truyền thông xã hội - có thẩm quyền quyết định các loại nội dung được coi là cần phải được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Hiện tại, các công ty truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và YouTube có quy tắc tự ứng xử thiết kế riêng đối với những nội dung trên mạng xã hội. Ví dụ, Facebook có một bộ hướng dẫn chi tiết để kiểm soát ngôn từ kích động thù địch trên các nền tảng, điều này đã dẫn đến tranh cãi về những tình huống kiểm duyệt.
Các công ty truyền thông xã hội bị chỉ trích vì những cách hiểu khác nhau về quy tắc riêng của họ. Nhiều người dùng thường phàn nàn rằng các công ty không xóa nội dung rõ ràng vi phạm các điều khoản dịch vụ nhưng lại vô cớ xóa những nội dung về bản chất là vô hại.
Facebook, Twitter và YouTube hiện sử dụng hàng chục nghìn người điều hành nội dung. Công việc của những kiểm duyệt viên này là một phần thực thi các quy tắc ứng xử đó, bằng cách xóa các tuyên bố, video và hình ảnh không tuân thủ.
Theo những quy tắc mới được đề xuất của Anh, các công ty truyền thông xã hội vẫn sẽ phải thuê đủ người để gỡ bỏ nội dung vi phạm, nhưng những kiểm duyệt viên sẽ tuân theo một bộ quy tắc do cơ quan quản lý nhà nước đặt ra, thay vì quy tắc riêng của doanh nghiệp.
Một chế độ như vậy dường như phù hợp với những gì mà Zuckerberg đã đề cập trong bài xã luận.
Một câu hỏi lớn là liệu một chính phủ đặt ra các quy tắc xung quanh những phát biểu, nội dung trên mạng xã hội có hợp lý hơn một công ty làm như vậy không. Và ngay cả khi một hệ thống các quy tắc như vậy được áp dụng ở Anh thì liệu chúng có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác có những chuẩn mực văn hóa khác nhau hay không.
Khái niệm mơ hồ về những phát biểu "có hại này có thể sẽ được sử dụng để đơn giản là làm im lặng những ý kiến mà mọi người không thích," ông Carlo nói.
Những đề xuất của Anh không đi xa đến mức thay đổi cơ sở pháp lý cơ bản mà các công ty như Facebook, YouTube (thuộc sở hữu của Google) và Twitter đã phát triển thành những người khổng lồ như ngày nay: bởi vì họ được coi là các nền tảng của nhà xuất bản và không phải là nhà xuất bản.
Họ đã có thể xây dựng các đế chế rộng lớn bằng cách gắn quảng cáo vào nội dung do người dùng tạo ra, đồng thời chuyển trách nhiệm pháp lý những nội dung đó cho những người đăng.
Khi bị chỉ trích trong quá khứ về các tài liệu được lưu trữ trên trang web của họ, Facebook, Twitter và YouTube từ lâu đã cho rằng chúng là các nền tảng mở, các quảng trường công cộng, trái ngược với các nhà xuất bản, các tạp chí hay kênh truyền hình chịu trách nhiệm về mặt pháp lý khi in hoặc phát sóng nội dung.
Tuy nhiên, theo đề xuất của Anh, các công ty truyền thông xã hội vẫn sẽ được coi là những nền tảng trung gian, nhưng nay sẽ có một nhiệm vụ pháp lý mới là chăm sóc, quản lý nhóm người dùng của họ. Cách tiếp cận này sẽ buộc các công ty kiểm tra từng phần nội dung trước khi tải lên để đảm bảo nó hợp pháp./.