Anh: Chưa đạt được thỏa thuận tăng lương cho công nhân đường sắt

Nhóm Vận tải đường sắt đề xuất với RMT mức tăng lương là 8% trong hai năm và đảm bảo không cắt giảm nhân công đến tháng 4/2024; dù vậy, thỏa thuận tăng lương cho công nhân đường sắt vẫn chưa đạt được.
Anh: Chưa đạt được thỏa thuận tăng lương cho công nhân đường sắt ảnh 1Hành khách rời khỏi tàu tại nhà ga Waterloo ở thủ đô London (Anh), khi các công nhân tiến hành đình công kêu gọi tăng lương, ngày 21/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 4/12, Liên đoàn Công nhân ngành đường sắt, hàng hải và vận tải Anh (RMT) đã từ chối đề nghị tăng lương 4% trong năm 2022 và năm 2023 để công nhân đường sắt chấm dứt việc đình công.

Trước đó, Nhóm Vận tải đường sắt (RDG) đại diện cho các công ty vận hành tàu hỏa, đã đề xuất với RMT mức tăng lương là 8% trong hai năm, kèm theo việc đảm bảo không cắt giảm nhân công đến tháng 4/2024.

Trước yêu cầu này, Tổng Thư ký RMT Mick Lynch tuyên bố: “Chúng tôi bác bỏ đề xuất này vì không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào nhằm đảm bảo giải pháp cho việc làm lâu dài, một mức tăng lương xứng đáng và bảo vệ các điều kiện làm việc."

Phản ứng về việc này, Bộ trưởng Giao thông Mark Harper tuyên bố: “Tình hình (hiện nay) vô cùng đáng thất vọng và thật không công bằng với người dân, hành khách và cả những nhân viên đường sắt đang muốn đạt thỏa thuận.” Ông nhấn mạnh việc đạt được thỏa thuận sẽ giúp các chuyến tàu được lăn bánh đúng giờ.

[Anh: Nhân viên đình công khiến dịch vụ đường sắt bị ảnh hưởng]

Trong năm nay, nhân viên đường sắt tại Anh đã tiến hành nhiều cuộc đình công, trong đó có cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập niên vào mùa Hè vừa qua, nhằm đòi tăng lương trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao.

Tuần trước, RMT cho biết hơn 40.000 công nhân đường sắt sẽ tổ chức các cuộc đình công trong tháng 12 và tháng 1/2023 liên quan đến tranh cãi kéo dài về tiền lương. Kế hoạch đình công tiếp diễn có nguy cơ gián đoạn hoạt động đi lại trước và sau kỳ nghỉ Giáng sinh, vốn là thời điểm người dân di chuyển nhiều.

Làn sóng đình công đã lan rộng từ lĩnh vực tư nhân đến lĩnh vực công tại Anh trong năm qua, trong bối cảnh đời sống người dân trở nên khó khăn trước sức ép từ khủng hoảng chi phí sinh hoạt và suy thoái kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Anh trong tháng 10 vừa qua tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021 - mức tăng cao nhất trong vòng 41 năm qua. Chính phủ Anh kêu gọi giới chủ lao động và các nghiệp đoàn tích cực đàm phán một cách hiệu quả để tránh làm gián đoạn các hoạt động trong đời sống hằng ngày của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục