Ngày 16/6, Bộ trưởng Brexit của Anh David Frost cho rằng thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian tại Bắc Ireland đang bị đe dọa vì cách thức thực thi một phần của thỏa thuận Brexit giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) tại vùng lãnh thổ này.
Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại rằng tranh cãi giữa Anh và EU về việc thực thi thỏa thuận Brexit có thể làm suy yếu thỏa thuận hòa bình Thứ Sáu Tốt lành ký năm 1998 nhằm chấm dứt ba thập kỷ xung đột sắc tộc tại Bắc Ireland.
Sau khi London rời EU vào ngày 1/1/2021, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đơn phương trì hoãn thực hiện một số điều khoản trong Nghị định thư Bắc Ireland, trong khi Bộ trưởng Frost cho rằng nghị định thư này là thỏa thuận không bền vững.
Phát biểu tại một ủy ban Quốc hội, ông Frost nhấn mạnh điều tối quan trọng là phải giữ đúng bản chất của Nghị định thư Bắc Ireland để hỗ trợ và không làm suy yếu thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành. Ông cho biết Anh vẫn đang cân nhắc tất cả lựa chọn để đưa ra phản ứng với EU liên quan tới tranh cãi về thỏa thuận, bao gồm vấn đề Bắc Ireland, đồng thời tiết lộ các cuộc hội đàm không đạt được nhiều tiến triển.
Phản ứng về phát biểu của Bộ trưởng Brexit của Anh, cùng ngày, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney khẳng định các hiệp định thương mại hậu Brexit dành cho Bắc Ireland không phải là mối đe dọa với sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh mà đơn giản là biện pháp giải quyết tình trạng chia rẽ sau sự kiện London rời khỏi EU.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Coveney nêu rõ: "Không biết điều này cần phải nói bao nhiêu lần trước khi hoàn toàn được chấp nhận là đúng. Nghị định thư Bắc Ireland là một thỏa thuận giao dịch kỹ thuật để giải quyết tình trạng chia rẽ của Brexit với đảo Ireland ở mức độ lớn nhất có thể. Nó không phải là các vấn đề thuộc về hiến pháp."
[Anh và EU chưa đồng thuận về vấn đề thương mại với Bắc Ireland]
Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1/1/2021, nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan để tránh phải thiết lập "biên giới cứng" giữa vùng này và CH Ireland (một thành viên của EU).
Anh và EU đã ký Nghị định thư Bắc Ireland, theo đó EU cử các nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland, làm việc tại các cảng giữa vùng này và phần còn lại của lục địa Anh, tiến hành kiểm tra hàng hóa đi qua các cảng, đảm bảo những hàng hóa này khi vào Bắc Ireland sẽ phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường EU.
Nhưng căng thẳng leo thang khi EU đã có hành động pháp lý với Anh với cáo buộc nước này vi phạm điều khoản của "thỏa thuận rút lui" Brexit và Nghị định thư Bắc Ireland khi đơn phương gia hạn tạm hoãn kiểm tra hải quan với những thực phẩm tới vùng lãnh thổ Bắc Ireland hồi tháng 3 vừa qua. Phía Anh khẳng định không có lựa chọn nào khác bởi một số chốt kiểm soát gây cản trở việc cung cấp hàng hóa cho người dân vùng lãnh thổ này.
EU liên tục lặp lại cảnh báo sẽ trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt thương mại nếu Anh đơn phương đình chỉ các phần của Nghị định thư Bắc Ireland. Hai bên đã tiến hành thảo luận trong nhiều tháng qua về vấn đề này, nhưng vẫn đang bế tắc./.