Anh, Canada và câu chuyện tác nghiệp báo chí

Hiện Anh và Canada muốn thiết lập một nhóm các nước có chung chí hướng để cùng cất lên tiếng nói bảo vệ báo chí, tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn cho các nhà báo.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước ngược đãi nhà báo sẽ phải trả một cái "giá ngoại giao," Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt phát biểu tại hội thảo về tự do báo chí diễn ra ở London hôm 10/7, đồng thời nhấn mạnh các nền dân chủ tự do cũng phải "thực hiện điều mà chúng ta chủ trương."

Ngoại trưởng Hunt, người đang chạy đua với cựu Ngoại trưởng Boris Johnson vào chiếc ghế thủ tướng, đã đề cập vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi, việc giam giữ các nhà hoạt động ở Trung Quốc cũng như vụ sát hại các phóng viên ở Mexico.

"Nếu chúng ta cùng chung tay hành động thì chúng ta có thể phanh phui các vụ ngược đãi và áp một cái giá ngoại giao đối với những ai làm tổn hại nhà báo hoặc cản trở họ thực hiện công việc của mình," ông Hunt nói.

Cuộc hội thảo do Anh và Canada phối hợp tổ chức với sự tham dự của 60 bộ trưởng và khoảng 1.500 nhà báo, nhà hoạt động và học giả từ 100 nước trên thế giới.

Hai nước chủ trì sự kiện này hy vọng nhận được những cam kết về hành động cụ thể để bảo vệ tự do báo chí và hợp tác giữa các nước trong việc xử lý các vụ ngược đãi nghiêm trọng.

[Nga lên án việc Anh cấm RT và Sputnik tham gia hội nghị báo chí]

Hiện Anh và Canada muốn thiết lập một nhóm "các nước có chung chí hướng để cùng cất lên tiếng nói bảo vệ ở những nơi mà tự do báo chí bị đe dọa," ông Hunt tiết lộ tại cuộc họp báo. "Sẽ dễ dàng hơn để lên tiếng khi bạn không đơn độc," Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland giải thích thêm.

Nước Anh cũng đã cam kết dành 3 triệu bảng (tương đương 3,75 triệu USD) để thiết lập một quỹ toàn cầu nhằm cung cấp tư vấn pháp lý và các khóa huấn luyện kỹ năng bảo đảm an toàn cho các nhà báo.

Ngoài ra, London cũng dành thêm 15 triệu bảng Anh để hỗ trợ hoạt động của báo chí độc lập. Tuy nhiên, ông Hunt thừa nhận rằng nước Anh cần phải "làm tốt hơn" sau khi bị xếp thứ 33 trong bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thế giới 2019 do tổ chức Phóng viên Không Biên giới lập ra.

"Những ai trong chúng ta tin tưởng vào xã hội mở cần phải thực hiện theo những gì mà chúng ta đề ra," ông Hunt nhấn mạnh.

Khi được hỏi về các công kích của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chỉ trích truyền thông là "tin tức giả mạo," ông Hunt đáp: "Tôi sẽ không đồng ý với điều đó," đồng thời ám chỉ lời công kích kiểu này có thể gây tác động đến các nước khác vốn không công nhận tự do báo chí.

Cùng quan điểm này, luật sư nhân quyền quốc tế Amal Clooney, vốn được Ngoại trưởng Hunt chỉ định là đặc phái viên về tự do báo chí, đã thêm sức nặng cho câu trả lời của Hunt khi nói rằng lời lẽ của Trump có nguy cơ gây hại cộng đồng nhà báo trên thế giới. "Ngày nay, nước Mỹ có nhà lãnh đạo lăng mạ báo chí, khiến những nhà báo đáng kính trên toàn thế giới dễ bị ngược đãi hơn," nữ luật sư Clooney nói.

Bà Clooney cũng lưu ý rằng bản cáo trạng của Mỹ đối với nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange, người hiện đang bị giam giữ ở Anh chờ lệnh dẫn độ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với giới nhà báo trên khắp thế giới.

"Như một biên tập viên tờ Washington Post đã nói, nó (bản cáo trạng này) đã tội phạm hóa các thực hành thông dụng trong hoạt động báo chí vốn lâu nay phục vụ lợi ích công chúng," nữ luật sư kết luận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục