Ngày 14/2, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Nghị sĩ Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) liên quan đến định hướng ưu tiên thực hiện các quyết định của COP26.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh COP26 được tổ chức hết sức thành công, đã góp phần "kích hoạt" được sự quan tâm trở lại của thế giới đối với vấn đề biến đổi khí hậu khi đại dịch COVID-19 vẫn chưa qua.
Đặc biệt, COP26 đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó có các cam kết của các quốc gia đưa mức phát thải về “0” vào giữa thế kỷ 21, bảo đảm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ; loại bỏ dần năng lượng hóa thạch; cơ chế thị trường và phi thị trường thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)...
Để có được các thành công trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định vai trò của Vương quốc Anh cũng như cá nhân Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 là rất lớn.
Về các hoạt động triển khai các kết quả tại COP26, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban và các bộ, ngành liên quan.
[Mega Story Việt Nam ưu tiên cao nhất cho ""tương lai xanh""]
Ban Chỉ đạo đã họp và đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới, bao gồm: Đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; hạ tầng xây dựng và giao thông; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; tài nguyên và môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; ngoại giao khí hậu...
Về thể chế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam đã đưa vấn đề thực hiện NDC vào trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Chính phủ Việt Nam cũng ban hành Nghị định về thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và đang xây dựng kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí methane. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050, trong đó có hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng về “0” đến 2050…
Về các hoạt động cụ thể thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam đã rất chủ động thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình. Theo đó, trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII sẽ từng bước chuyển sang các nguồn năng lượng sạch; khu vực cần bảo vệ thì khoanh lại để giữ rừng và môi trường; quy hoạch lại các khu vực cần bảo vệ rừng, sinh thái…
Ghi nhận các kết quả Việt Nam đã đạt được thông qua chia sẻ của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma khẳng định COP26 có được sự thành công là nhận được sự đồng thuận của thế giới và các nước tham gia tại Hội nghị với Vương quốc Anh. Trong đó, những hoạt động và cam kết mạnh mẽ của Đoàn Việt Nam tại COP26 được đánh giá rất cao và là động lực mạnh mẽ để các quốc gia khác đi theo.
Với những kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma cho biết Chính phủ Anh sẽ đồng hành, hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện các cam kết.
Chủ tịch COP26 cũng tán thành quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là cần có cơ quan điều phối để các bên khi tiến hành hợp tác sẽ thống nhất được các điều kiện về cơ chế chính sách, tài chính để cùng hướng tới mục tiêu đã cam kết và hướng tới COP27.
Ngoài ra, với tư cách là Trưởng ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu, Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa Ban Công tác đàm phán với Chủ tịch COP26 (thông qua Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đại sứ quán Anh) để thường xuyên cập nhật thông tin, phối hợp trong các hoạt động sau này./.