Anh cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu

Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, nền kinh tế Anh đã tiến thêm được một bậc lên vị trí thứ chín.
Anh cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu ảnh 1Các container hàng tại cảng Long Beach. (Nguồn: Reuters)

Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố, nền kinh tế Anh đã tiến thêm được một bậc lên vị trí thứ chín, trong khi Thụy Sỹ và Singapore vẫn duy trì được hai vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng uy tín này.

WEF cho biết Vương quốc Anh thăng tiến trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm nay do nước này đã áp dụng tốt các công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động và duy trì được môi trường kinh doanh thuận lợi và ổn định cho các nhà đầu tư.

Nền kinh tế đầu tàu thế giới Mỹ tiến thêm hai bậc lên vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng. Đây là năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế Mỹ cải thiện được năng lực canh tranh toàn cầu của mình.

Trong khi đó, cả Phần Lan và Đức - nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới - đều tụt một bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái xuống vị trí thứ tư và thứ năm.

Trong số các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới, Saudi Arabia (vị trí 24), Thổ Nhĩ Kỳ (45), Nam Phi (56), Brazil (57), và Ấn Độ (71) đều bị tụt bậc trên bảng xếp hạng so với năm ngoái. Chỉ có Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - tăng một bậc lên vị trí thứ 28.

WEF cho biết các nền kinh tế dẫn đầu bảng xếp hạng đều có những yếu tố chung giúp cải thiện khả năng cạnh tranh như phát triển và tận dụng các tài năng có sẵn của đất nước, tăng cường đầu tư cải tiến công nghệ và thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành kinh tế công và lĩnh vực tư nhân.

Đối với châu Âu, WEF cảnh báo khoảng cách ngày càng nới rộng giữa khả năng cạnh tranh của các nước Bắc Âu - nơi đang thực hiện tốt các bước cải cách - với các nước Nam và Đông Âu.

Trong báo cáo này, WEF cũng cảnh báo về "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức này cho rằng việc thực hiện không đồng đều các biện pháp cải cách cơ cấu giữa các khu vực và trình độ phát triển khác nhau là thách thức lớn nhất trong việc duy trì nhịp độ tăng trưởng toàn cầu hiện nay.

Ông Klaus Schwab - người sáng lập đồng thời là Chủ tịch điều hành WEF - cho rằng tình hình địa chính trị căng thẳng ở nhiều khu vực, sự bất bình đẳng về thu nhập gia tăng và khả năng thắt chặt điều kiện tài chính cũng là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi hiện nay của nền kinh tế thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục