Anh cách ly bắt buộc người nhập cảnh, Ba Lan có hàng trăm ca nhiễm mới

Theo quy định mới, công dân Anh và người nước ngoài đến Anh bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển hoặc tàu hỏa phải cung cấp chi tiết hành trình và địa chỉ tự cách ly.
Hành khách tại sân bay quốc tế Heathrow ở London, Anh ngày 19/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hành khách tại sân bay quốc tế Heathrow ở London, Anh ngày 19/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ ngày 8/6, Chính phủ Anh yêu cầu hầu hết người nhập cảnh nước này phải tự cách ly trong 2 tuần để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Quy định trên được áp dụng đối với cả công dân Anh và người nước ngoài, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai từ nước ngoài.

Theo đó, người đến Anh bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển hoặc tàu hỏa phải cung cấp chi tiết hành trình và địa chỉ sẽ tự cách ly.

[Tình hình dịch sáng 8/6: Mỹ, Brazil vẫn dẫn đầu về số ca mắc, tử vong]

Bộ trưởng Y Tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh quy định này là cần thiết bởi tỷ lệ mắc bệnh từ nước ngoài đang tăng trong khi tỷ lệ này ở Anh giảm.

Bộ trưởng Nội vụ Pritti Patel tuần trước cũng nói rằng quy định được đưa ra “trên cơ sở khoa học, được công chúng ủng hộ, và rất quan trọng để cứu nhiều mạng sống.”

Tuy nhiên, ngành hàng không và khách sạn lo ngại quy định cách ly đồng nghĩa các ngành này sẽ mất gần hết cơ hội kinh doanh trong mùa Hè này.

Trong một tuyên bố chung, 3 hãng hàng không British Airways, EasyJet và Ryanair cho rằng bước đi này của hính phủ "không phù hợp và không công bằng đối với công dân Anh cũng như du khách nước ngoài nhập cảnh Anh.”

Các hãng này cũng cho rằng quy định sẽ hủy hoại ngành du lịch và làm mất hàng nghìn việc làm trong cuộc khủng hoảng chưa từng có này.

Anh cách ly bắt buộc người nhập cảnh, Ba Lan có hàng trăm ca nhiễm mới ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt cho trẻ nhỏ tại nhà trẻ ở Krakow, Ba Lan ngày 11/5/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Ba Lan cuối tuần qua ghi nhận 1.151 ca nhiễm mới, phần lớn liên quan đến một mỏ than ở miền Nam nước này.

Trong đó, 576 ca được ghi nhận ngày 6/6 và 576 ca vào ngày 7/7. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất hai ngày liên tiếp tại quốc gia Đông Âu này.

Theo Bộ Y Tế Ba Lan, gần 60% số ca nhiễm mới là công nhân mỏ than Zofiowka tại  thành phố Jastrzebie-Zdroj, và người nhà của họ.

Tập đoàn khoáng sản nhà nước JSW, chủ sở hữu mỏ Zofiowka, một mỏ than khác của tập đoàn này là Pniowek cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc COVID-19.

Cả hai mỏ Zofiowka và Pniowek đều nằm trong vùng Silesia, hiện là tâm dịch tại Ba Lan.

Đến nay, Ba Lan đã ghi nhận tổng cộng 26.561 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.157 ca tử vong và 12.855 người đã khỏi bệnh.

Số ca tử vong tại Ba Lan thấp hơn nhiều so với một số nước Tây Âu do nước này sớm áp đặt biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch từ tháng 3 vừa qua. 

Từ tháng 5, Ba Lan bắt đầu nới lỏng các hạn chế hoạt động, theo đó nâng số người được phép tụ tập tại một sự kiện lên tối đa 150 người và bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Từ ngày 6/6, nhiều điểm công cộng như rạp chiếu phim, nhà hát, phòng tập thể thao và bể bơi tại Ba Lan đã được phép mở cửa trở lại.

Anh cách ly bắt buộc người nhập cảnh, Ba Lan có hàng trăm ca nhiễm mới ảnh 2Các em nhỏ trở lại trường học ở Prague, Séc sau khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ, ngày 25/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cộng hòa Séc cũng ghi nhận hàng trăm ca mắc mới COVID-19 liên quan đến mỏ khai khoáng Darkov do công ty OKD quản lý.

Đến nay, Cộng hòa Séc ghi nhận tổng cộng 9.628 ca mắc, trong đó có 327 ca tử vong và 6.891 ca đã bình phục.

Chính phủ Đan Mạch ngày 8/6 đã nới lỏng quy định hạn chế số người tụ tập tại các sự kiện áp đặt từ ngày 17/3 vừa qua, theo đó tăng số người được phép tham dự sự kiện từ 10 người lên 50 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục