Ngày 22/6, cảnh sát Anh thông báo đã bắt giữ một người đàn ông ngoại quốc, bị tình nghi là trùm đường dây tổ chức đưa hàng nghìn người vượt biên trái phép từ Bắc Phi tới Italy.
Cơ quan Tội phạm Quốc gia Anh (NCA) cho biết đối tượng 40 tuổi mang quốc tịch Ai Cập, bị bắt ngày 21/6 tại khu vực phía Tây London gần Sân bay Heathrow. Cuộc điều tra về đối tượng này được thực hiện phối hợp với cảnh sát Italy.
Trước đó, trong tuần này, cơ quan chức năng Hy Lạp đã bắt giữ 9 người Ai Cập có liên quan đến thảm kịch chìm tàu chở người di cư ở Địa Trung Hải xảy ra hôm 14/6 khiến ít nhất 82 người thiệt mạng và hàng trăm người hiện vẫn còn mất tích.
NCA cho biết đối tượng bị bắt giữ này có liên quan đến nhiều vụ vượt biên trái phép trên Địa Trung Hải trong năm qua và đang làm việc cho một băng nhóm tội phạm ở Anh.
Quan chức cấp cao của NCA, ông Darren Barr cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục chia sẻ các thông tin tình báo và phối hợp hành động với các nước đối tác để ngăn chặn các vụ vượt biên, triệt phá đường dây buôn người trong và ngoài nước.
Liên quan đến thảm kịch ngày 14/6, một cơ quan điều tra của Pakistan cho biết có ít nhất 209 người Pakistan có mặt trên con tàu xấu số này.
Đây là con số thống kê dựa trên khai báo của các gia đình nạn nhân với cơ quan chức năng, Cơ quan điều tra liên bang Pakistan (FIA) đang tiến hành xác minh.
Hiện chưa rõ số người thực tế có mặt trên con tàu tại thời điểm gặp nạn. Theo lời nhân chứng sống sót, có khoảng 450-700 người trên tàu.
Cơ quan chức năng Hy Lạp xác nhận các lực lượng cứu nạn đã vớt được 82 thi thể nạn nhân trong vụ chìm tàu này, cứu sống 104 người, trong đó có 12 công dân Pakistan.
[Hy Lạp bắt nhiều nghi can liên quan vụ chìm tàu khiến 78 người tử vong]
Trước đó, ngày 16/6, Frontex - cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của Liên minh châu Âu (EU) - cho biết trong 5 tháng đầu năm nay, số người di cư vượt biên qua Trung Địa Trung Hải đến châu Âu đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Frontex, trong thời gian nói trên, hơn 50.300 người di cư đã vượt biên qua tuyến đường Trung Địa Trung Hải để vào EU - là con số cao nhất kể từ năm 2017.
Cơ quan này cho biết Đông Địa Trung Hải vẫn là tuyến đường di cư chính vào EU, chiếm gần 50% số người nhập cảnh bất hợp pháp vào khu vực kể từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, tổng số người di cư tìm cách vào các quốc gia EU qua các tuyến đường là 102.000 lượt, tăng 12% so với một năm trước.
Cũng theo Frontex, ngoại trừ tuyến đường qua Trung Địa Trung Hải, các tuyến di cư khác vào EU như Tây Balkan, Tây Địa Trung Hải và Tây Phi đều ghi nhận số lượt người di cư giảm so với cùng kỳ năm ngoái, với lần lượt 25%, 6% và 47%.
Sự sụt giảm chủ yếu do thời tiết xấu kéo dài, không thuận lợi để vượt biển./.