Từ ngày 1/10, tuyến cáp tải điện ngầm dưới biển dài nhất thế giới giữa Anh và Na Uy bắt đầu vận hành.
Điều đáng nói đây là tuyến cáp tải điện được tổng hợp từ các nguồn năng lượng tái sinh như gió và nước, đánh dấu bước tiến lớn trong nỗ lực của Anh nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon góp phần vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
National Grid - đối tác lưới điện quốc gia của Anh, cho biết tuyến cáp tải điện này sẽ giúp Anh và Na Uy lần đầu tiên chia sẻ năng lượng tái tạo.
Công suất tối đa của tuyến cáp ban đầu đạt 700 MW, nhưng sẽ được tăng lên 1.400 MW trong vòng 3 tháng sau khi vận hành. Sau cùng, tuyến cáp tải điện qua Biển Bắc sẽ cung cấp đủ điện sạch phục vụ 1,4 triệu hộ gia đình.
Với tổng số vốn đầu tư 1,6 tỷ euro (1,9 tỷ USD), tuyến cáp tải điện Biển Bắc dài 720km nối vùng Blyth ở Đông Bắc nước Anh với vùng Kvilldal ở Tây Nam Na Uy.
[Hoàn thành việc lắp đặt đường cáp điện dưới biển dài nhất thế giới]
Đây là kết quả hợp tác giữa National Grid và nhà vận hành mạng lưới điện của Na Uy Stanett.
Thông tin về tuyến cáp tải điện được công bố trong bối cảnh ngành năng lượng nội địa của Anh gặp khó khăn do giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục.
Điều này đã làm nảy sinh quan ngại về việc tăng giá hóa đơn điện tiêu dùng của các hộ gia đình trong thời gian sắp tới khi mùa Đông đang đến gần.
Nước Anh đặc biệt phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra khắp châu Âu vì nước này phụ thuộc vào khí tự nhiên để tạo ra điện. Trong vài tuần qua, nhiều nhà cung cấp năng lượng trong nước của Anh đã bị phá sản do chi phí nhiên liệu tăng vọt./.