Anh 'bất đắc dĩ' chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện châu Âu

Khi lịch trình rời Liên minh châu Âu (EU) còn rất mơ hồ, Chính phủ Anh đang miễn cưỡng chuẩn bị cho cuộc bầu cử mà truyền thông nước Anh dùng từ "zombie" (Thây ma sống) để gọi.
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại phiên họp của Hạ viện về thỏa thuận Brexit tại London, ngày 29/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ vài tuần trước, khả năng Anh phải tổ chức cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 5 tới là điều không tưởng, nhưng những ngày này, khi lịch trình rời Liên minh châu Âu (EU) còn rất mơ hồ, Chính phủ Anh đang miễn cưỡng chuẩn bị cho cuộc bầu cử mà truyền thông nước Anh dùng từ "zombie" (Thây ma sống) để gọi.

Theo hãng AFP, các tòa thị chính địa phương và trường học trên cả nước Anh đã được đặt lịch làm nơi bỏ phiếu.

Một số nhà cung cấp văn phòng phẩm đặc biệt cũng đã nhận được đặt hàng chuẩn bị cho hàng chục nghìn điểm bỏ phiếu nếu cuộc bầu cử tổ chức vào ngày 23/5 tới.

Tuy chưa thông báo chính thức về cuộc bỏ phiếu, nhưng trong tuần này, Chính phủ Anh đã thống nhất các khoản chi phí cho khâu chuẩn bị sơ bộ.

Sau khi Thủ tướng Anh Theresa May thừa nhận sẽ tiếp tục đề nghị EU cho hoãn lịch trình Brexit trong bối cảnh nội bộ nước này vẫn chưa nhất trí được về một hướng đi chung cho Brexit, ngày càng nhiều quan chức tin rằng chính phủ chắc chắn sẽ phải đưa ra thông báo tổ chức bầu cử EP.

Việc tổ chức bầu cử trong thời gian gấp cũng được cho là sẽ gây áp lực không hề nhỏ cho các quan chức bầu cử vì thông thường công tác này được triển khai từ trước Giáng sinh của năm trước.

[Anh phải tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu nếu vẫn ở lại EU]

Truyền thông Anh gọi cuộc bầu cử này, nếu diễn ra, sẽ là "cuộc bầu cử thây ma sống," dường như ám chỉ rằng đây là hành động mà nước Anh không thể tự chủ, chỉ là một sự phản ứng trước tình cảnh không thể đảo ngược.

Thủ tướng May luôn nhấn mạnh sẽ là "không thể chấp nhận được" nếu yêu cầu cử tri Anh đi bỏ phiếu bầu cử EP sau 3 năm họ lựa chọn rời "mái nhà chung."

Người phát ngôn của bà này cũng nhấn mạnh nếu tới ngày 22/5, tức một ngày trước bầu cử, mà có một thỏa thuận Brexit đạt được sự đồng thuận tại Hạ viện Anh thì quốc gia này vẫn hoàn toàn có thể hủy các cuộc bầu cử.

Nhưng động thái này có thể gây ra rắc rối với 27 thành viên EU còn lại và làm EU tức giận vì ảnh hưởng tới số nghị sĩ mà các quốc gia đã ấn định sẽ được bầu vào EP.

Các nghị sỹ đảng Bảo thủ Anh sẽ rơi vào thế khó khi phải vận động các cử tri bỏ phiếu cho mình ở một cuộc bầu cử mà họ không hề mong muốn tham gia và cũng không biết sau cùng có diễn ra hay không.

Nhiều cuộc thăm dò dự đoán kết quả đảng Bảo thủ sẽ mất đi 50% trên tổng số 20 nghị sỹ EP mà đảng này hiện có bởi nếu cuộc bầu cử diễn ra, đây sẽ là cơ hội để các cử tri trừng phạt đảng Bảo thủ vì không đảm bảo được lời hứa Brexit.

Nguy cơ Brexit không thỏa thuận vào ngày 12/4 tới đang ngày một cao sau khi thỏa thuận Brexit mà Chính phủ Anh và EU đạt được cuối năm 2018 tiếp tục bị Hạ viện Anh bác bỏ lần ba.

Chính phủ Anh đang cân nhắc tiếp tục xin EU cho gia hạn Brexit đồng thời đàm phán với Công đảng đối lập để tìm hướng giải quyết sau khi những nỗ lực tìm tiếng nói chung trong đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng May đều thất bại.

Trong diễn biến liên quan, Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo ngày 4/4 cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ khiến một số ngành trong nền kinh tế Anh "trả giá đắt."

Phát biểu tại Mexico City, ông Azevedo cho rằng hầu hết các nhà kinh tế đều đã ước tính được những thiệt hại với kinh tế Anh khi phải trao đổi thương mại theo quy định của WTO trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

Ông khẳng định chắc chắn sẽ có những tác động tới nền kinh tế thứ 5 thế giới, có ngành sẽ chịu thiệt hại đáng kể và cũng có ngành sẽ chịu tác động nhẹ hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục