Ngày 22/5, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Bắc Ireland của Anh Brandon Lewis xác nhận Anh sẽ áp dụng quy định cách ly 14 ngày đối với người nước ngoài tới nước này.
Phát biểu trên kênh truyền hình Sky News, Bộ trưởng Lewis nhấn mạnh: "Bất cứ người nào tới Anh đều sẽ phải cách ly và thời gian cách ly là nửa tháng," kể cả công dân Anh trở về từ nước ngoài. Tuy nhiên, công dân Anh sẽ được phép cách ly tại nhà.
Kế hoạch trên dự kiến bắt đầu được áp dụng từ tháng 6 tới và các nội dung chi tiết sẽ được Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel công bố cụ thể tại cuộc họp báo ở Văn phòng Thủ tướng cùng ngày.
Bộ trưởng Lewis cho biết thêm chính sách này sẽ được xem xét lại sau mỗi 3 tuần. Dự kiến, cũng sẽ có một số trường hợp ngoại lệ với các tài xế lái xe tải xuyên biên giới và các nhân viên y tế. Ngoài ra, khu vực tự do di lại giữa Anh và Ireland sẽ không chịu tác động của quy định bắt buộc cách ly nói trên.
Trước đó, ngày 21/5, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết nước này bắt đầu thí điểm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lấy kết quả nhanh từ ngày 22/5 trong khuôn khổ nỗ lực đưa Anh ra khỏi tình trạng phong tỏa hiện nay.
Theo ông Hancock, mục đích của chương trình trên là giúp người dân ngay lập tức biết được bản thân có mắc COVID-19 hay không. Nếu mô hình thành công, bộ xét nghiệm này sẽ được đem ra áp dụng trên toàn nước Anh trong 6 tuần tới với hàng triệu người dân có thể được kiểm tra ngay từ đầu tháng 7.
Bộ trưởng Hancock cho biết xét nghiệm và cho kết quả ngay lập tức sẽ làm thay đổi cách thức mà nước Anh đang kiểm soát đại dịch COVID-19, cho phép những người có kết quả âm tính nhanh chóng quay trở lại làm việc bình thường.
Theo thống kê trên trang worldometers.info, tính đến 15h30 ngày 22/5, Anh ghi nhận tổng cộng 280.117 ca mắc COVID-19, trong đó có 36.42 ca tử vong. Nước này hiện là quốc gia có số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cao thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Brazil.
[Các nghị sỹ châu Âu kêu gọi khôi phục tự do đi lại xuyên biên giới]
Cùng ngày, Bộ Y tế Bulgaria thông báo nước này không cấm nhập cảnh đối với du khách thuộc các quốc gia sử dụng hộ chiếu Liên minh châu Âu (EU) và khối Schengen. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh cũng được áp dụng đối với San Marino, Andorra, Monaco và Vatican.
Thông báo nêu rõ, ngoại trừ công dân Bulgaria, công dân tại các nước EU tới Bulgaria vì lý do nhân đạo và các nhà đại diện trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế cũng như đầu tư, tất cả các trường hợp còn lại tới quốc gia này đều sẽ tiếp tục phải tuân thủ quy định cách ly 14 ngày.
Quy định cách ly cũng sẽ không áp dụng đối với những người có liên quan trực tiếp tới ngành xây dựng, bảo dưỡng, giám sát hoạt động tổ chức cũng như đảm bảo an toàn cơ sở hạ tầng chiến lược và quan trọng của Bulgaria.
Trước đó, ngày 19/5, Bulgaria cho biết nước này đã nhất trí với hai quốc gia láng giềng Hy Lạp và Serbia nới lỏng một số biện pháp hạn chế đi lại kể từ ngày 1/6 - các biện pháp này vốn được Sofia triển khai trước đó nhằm ngặn chặn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Hồi giữa tháng 3 năm nay, Bulgaria đã cấm du khách từ nhiều quốc gia nhập cảnh vào lãnh thổ nước thành viên EU này nhằm hạn chế tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19. Cuối tháng 4 vừa qua, quốc gia Biển Đen đã bắt đầu nới lỏng một phần lệnh phong tỏa khi số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 tại nước này giảm bớt.
Tính đến ngày 22/5, tại Bulgaria có tổng cộng 2.372 ca mắc COVID-19, trong đó 125 ca tử vong. Đây là số ca nhiễm và tử vong tương đối thấp so với số liệu tại các quốc gia khác ở châu Âu.
Cùng ngày, hãng thông tấn PAP của Ba Lan đưa tin nước này đang lập lế hoạch gia hạn lệnh cấm đối với các chuyến bay quốc tế thêm 2 tuần cho tới ngày 6/6, do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc COVID-19 tại nước này tính đến 15h chiều 22/5 là 20.143, trong đó có 972 ca tử vong.
PAP dẫn các tài liệu của Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan nêu rõ ngoài kế hoạch nói trên, lệnh cấm bay nội địa cũng sẽ kéo dài thêm 8 ngày tính đến ngày 31/5 tới.
Trước đó, hãng hàng không PLL LOT cho biết hãng sẽ không nối lại hoạt động bay trước cuối tháng 5 năm nay./.