Ông Edward Argar - quan chức y tế cấp cao của Anh ngày 8/2 đã lên tiếng bảo vệ vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh phối hợp với Đại học Oxford phát triển, trong bối cảnh có những ý kiến nghi ngại về tính hiệu quả của loại vắcxin này, nhất là sau khi Nam Phi quyết định tạm thời ngừng sử dụng.
Trả lời hãng tin Sky, ông Argar nêu rõ không có bằng chứng nào về việc vắcxin của Astrazeneca không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 khiến người bệnh phải nhập viện điều trị hoặc có nguy cơ tử vong. Ông nhấn mạnh biến thể của SARS-CoV-2 tại Anh không giống biến thể tại Nam Phi. Ông cho biết tính đến thời điểm hiện tại, tại Anh đã có 147 người dương tính với biến thể tại Nam Phi.
Anh là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 5 thế giới. Đến nay nước này đã tiêm chủng mũi vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên cho hơn 12 triệu người, trong khi có khoảng 500.000 người đã được tiêm mũi thứ 2.
Trong khi đó, sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang khiến nhiều người lo ngại vắcxin được bào chế ngừa chủng gốc có thể không hiệu quả đối với các biến thể mới. Hiện các nhà khoa học và chuyên gia y tế công đặc biệt quan ngại về các biến thể ở Anh, Nam phi và Brazil vì cả 3 biến thể này dường như đều dễ lây lan.
[Nam Phi tạm dừng tiêm chủng vắcxin của hãng AstraZeneca]
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đã lên tiếng trấn an người dân về hiệu quả của vắcxin do hãng AstraZeneca/Oxford sản xuất, sau khi Nam Phi ngừng sử dụng loại vắcxin này do các dữ liệu cho thấy hiệu quả hạn chế trong việc phòng ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Theo kết quả thử nghiệm do Đại học Witwatersrand tại Johannesburg (Nam Phi) thực hiện, vắcxin của AstraZeneca chỉ có hiệu quả phòng ngừa ở mức 22% đối với biến thể virus ghi nhận tại Nam Phi. Vì vậy, Nam Phi quyết định ngừng sử dụng vắcxin trên và chờ khuyến cáo của các nhà khoa học về các bước tiếp theo.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt nhấn mạnh cho đến nay không có bằng chứng nào về sự giảm sút hiệu quả của vắcxin AstraZeneca cũng như vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech trong việc phòng ngừa trường hợp bệnh nặng hoặc hạn chế nguy cơ tử vong.
Dự kiến trong vài ngày tới, Australia sẽ phê chuẩn vắcxin của AstraZeneca và đã đặt mua 53 triệu liều vắcxin này. Tháng trước, nước này đã cấp phép sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech. Australia sẽ bắt đầu tiêm vắcxin Pfizer/BioNTech cho người dân từ cuối tháng này./.