Ngày 25/2, Chính phủ Anh thông báo gỡ bỏ quy định đã áp dụng nhiều thập kỷ nay về việc cấm người dân Anh hiến tặng huyết tương sử dụng trong sản xuất thuốc. Động thái mới này được cho là sẽ hỗ trợ điều trị hàng nghìn người mắc bệnh nặng.
Huyết tương hiến tặng có thể được dùng để bào chế thuốc có tên gọi là immunoglobulin.
Thuốc này được sử dụng để điều trị một số bệnh như thiếu kháng thể và suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch. Loại thuốc này cũng đang được sử dụng thử nghiệm điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chính phủ Anh ban hành lệnh cấm hiến tặng huyết tương từ năm 1998, trong bối cảnh lo ngại sự lây lan của biến thể của bệnh bò điên (BSE) ở người, căn bệnh khiến người mắc bị tổn thương hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng như mất trí nhớ, giảm thị lực, mất ngủ hay co giật.
Quyết định bãi bỏ bỏ lệnh cấm được đưa ra sau khi Cơ quan quản lý thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) năm ngoái xem xét toàn diện các bằng chứng về độ an toàn của huyết tương ở Anh trong việc sản xuất thuốc immunoglobulin.
[EU phát triển các dự án nghiên cứu huyết tương cho điều trị COVID-19]
Bộ trưởng Y tế Anh James Bethell cho biết quyết định bãi bỏ lệnh cấm trên sẽ giúp hàng nghìn bệnh nhân ở Anh được tiếp cận loại thuốc có khả năng cứu mạng này nhanh nhất có thể.
Lâu nay Anh phải nhập khẩu huyết tương từ các nước khác, chủ yếu là Mỹ, để sản xuất thuốc.
Bộ Y tế Anh lưu ý rằng trong bối cảnh nhu cầu sử dụng immunoglobulin tăng cao trên toàn cầu, nguồn cung loại thuốc này đang ngày một thiếu trong vài năm gần đây, trong đó lượng huyết tương nhập khẩu từ Mỹ đã giảm mạnh.
Hiện Anh đang thử nghiệm sử dụng huyết tương của bệnh nhân COVID-19 đã bình phục để điều trị bệnh này.
Nếu kết quả thử nghiệm khả quan, thuốc immunoglobulin sản xuất từ huyết tương hiến tặng sẽ được sử dụng rộng rãi trong thời gian tới./.