Ẩn ý đằng sau những động thái bất thường gần đây của Triều Tiên

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên tái xuất hiện cũng nhằm khẳng định rằng bà Kim Yo-jong, người em gái luôn xuất hiện bên cạnh anh trai, lại nắm giữ quyền lực cao hơn nhiều so với vai trò thực tế.
Ẩn ý đằng sau những động thái bất thường gần đây của Triều Tiên ảnh 1Quang cảnh Khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên tại Cheorwon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Thông cáo báo chí của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, sáng sớm ngày 3/5 vừa qua, quân đội Triều Tiên đã bất ngờ nã đạn về phía trạm gác của Hàn Quốc ở thị trấn biên giới Cheorwon, thuộc khu phi quân sự (DMZ).

Phù hợp với quy tắc đáp trả, quân đội Hàn Quốc đã bắn trả hai lần với tổng cộng 20 phát đạn đồng thời phát cảnh báo trên loa phát thanh lắp đặt dọc biên giới hai nước.

Theo nhận định ban đầu của JCS “do có nhiều sương mù ở khu vực trạm gác cũng như ở phía Triều Tiên và binh sỹ Triều Tiên thường thay ca vào khoảng thời gian đó” nên dường như đây là hành động “không có chủ đích.”

[Chuyên gia Mỹ: Triều Tiên gần hoàn thiện một cơ sở tên lửa đạn đạo]

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng không phát hiện bất kỳ động thái bất thường nào từ phía quân đội Triều Tiên trước và sau sự việc trên.

Quân đội Hàn Quốc cũng đã yêu cầu phía Triều Tiên giải thích, song vẫn chưa nhận được hồi âm.

Tuy nhiên, tờ nhật báo Korea Herald (Hàn Quốc) số ra ngày 4/5 trích đăng ý kiến của một số chuyên gia cho thấy họ không đồng tình với kết luận ban đầu của JCS.

Shin Jong-woo, nghiên cứu viên cao cấp của Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc (KDSF), cho rằng: “Bình Nhưỡng trước tiên phải đưa ra lời giải thích về sự việc trên, sau đó phía Hàn Quốc mới bắt đầu đánh giá về hành động đó là có chủ ý hay không. Không có lời giải thích từ phía Bình Nhưỡng thì làm sao chúng ta có thể biết chính xác được nội tình?"

Mặc dù chưa đưa ra bất cứ kết luận nào về vụ việc trên song ông Shin Jong-woo cũng nhất trí cho rằng những lời yêu cầu giải thích của Hàn Quốc ngay lập tức được truyền qua loa phát thanh lắp đặt ở dọc biên giới và Triều Tiên đã có cả gần một nửa ngày để tự làm rõ về những nghi ngờ rằng sự khiêu khích đó "đã được chuẩn bị từ trước."

Vụ việc này đánh dấu lần đầu tiên Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích quân sự ở khu vực biên giới kể từ khi hai nước đạt được thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch ở DMZ trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 diễn ra ở Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018.

Vụ nổ súng cũng xảy ra chỉ hai ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "tái xuất" trước công chúng sau gần 3 tuần "vắng mặt."

Ông Kim Jong-un được hãng Thông tấn nhà nước Triều Tiên đưa tin khi tham dự lễ khánh thành nhà máy phân bón ở ngoại ô Bình Nhưỡng.

Trong một động thái công khai nhằm xóa bỏ những tin đồn về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-un (như đã chết hoặc đang trong tình trạng nguy kịch sau phẫu thuật tim...), nhà lãnh đạo 36 tuổi đã xuất hiện với nụ cười trên môi và bước đi rất tự nhiên không cần trợ giúp tại sự kiện trên.

Tuy nhiên, độ xác thực của những hình ảnh mà KCNA đăng tải là "không thể thẩm định."

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên tái xuất hiện cũng nhằm tái khẳng định rằng bà Kim Yo-jong, người em gái luôn xuất hiện bên cạnh anh trai với chức vụ công khai thấp hơn, song thực tế lại nắm giữ quyền lực cao hơn nhiều so với vai trò thực tế chỉ là Phó chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Triều Tiên.

Trong khi đó, tờ The Korea Times (Thời báo Hàn Quốc) số ra ngày 4/5 cũng cho biết trước những đồn đoán về khả năng ông Kim Jong-un đã trải qua phẫu thuật, Phủ Tổng thống Hàn Quốc (Nhà Xanh) ngày 3/5 vừa qua đã chính thức phủ nhận thông tin này.

Phát biểu với phóng viên, một quan chức cấp cao Nhà Xanh (giấu tên) cho biết "có những thông tin báo chí đồn đoán về cuộc phẫu thuật của ông Kim Jong-un, đề cập tới dáng đi của ông thay đổi," song Nhà Xanh đánh giá "điều này là không đúng."

Khi được hỏi liệu có đúng nhà lãnh đạo Triều Tiên thậm chí không trải qua một cuộc tiểu phẫu, quan chức trên đã đồng ý với điều này, song từ chối đưa ra căn cứ cho đánh giá này của phía Hàn Quốc.

Tờ báo nhấn mạnh việc tái xuất hiện của ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh đến mức độ khó khăn của việc tiếp cận được những gì đang thực sự diễn ra ở Triều Tiên, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến giới lãnh đạo cấp cao, đồng thời cũng cho thấy sự "dễ dãi" trong việc đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng trên báo chí hiện nay.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của ông Kim Jong-un lần này cũng chưa đủ để có được những lý giải phù hợp cho quãng thời gian 3 tuần vắng bóng trên chính trường kể từ sau cuộc họp Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên hôm 11/4 vừa qua.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng đưa ra bình luận cho rằng những "tin đồn thất thiệt" về Triều Tiên đã gây ra những thiệt hại không đáng có về kinh tế, an ninh và làm nhiễu loạn xã hội, đồng thời kêu gọi dư luận cần cân nhắc cẩn thận trước những thông tin liên quan tới Triều Tiên.

Tuy nhiên, những lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông Kim Jong-un không vì thế mà dừng lại, nhất là khi hình ảnh KCNA đăng tải cho thấy ông này bước đi với dáng đi cứng nhắc và xuất hiện cả một chiếc xe lớn phía sau, hình ảnh gần như tái hiện bối cảnh của năm 2014 khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tái xuất sau 6 tuần vắng bóng với chiếc nạng trên tay.

Cheong Seong-chang, chuyên gia phân tích cao cấp của Viện Nghiên cứu Sejong, nhận định rằng hình ảnh trên truyền hình cho thấy ông Kim Jong-un thực sự vẫn có vấn đề về sức khỏe.

"Ông ấy bình thường trông rất khỏe mạnh, song nếu xem kỹ dáng đi có vẻ cứng nhắc thì dường như chân của ông ấy đã gặp vấn đề nghiêm trọng hơn vào ngày 15/4 vừa qua."

Tờ nhật báo JoongAng số ra ngày 4/5 đưa ra bình luận rằng đây không phải là lần đầu tiên những tin đồn về tình trạng sức khỏe của các nhà lãnh đạo Triều Tiên được lan truyền rộng rãi.

Ẩn ý đằng sau những động thái bất thường gần đây của Triều Tiên ảnh 2Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thăm nhà máy sản xuất phân lân vừa khánh thành ở Sunchon, phía bắc Bình Nhưỡng ngày 1/5/2020. (Nguồn: KCNA/TTXVN)

Truyền thông Seoul cũng bị cuốn theo bởi hai người Triều Tiên đào tẩu Thae Yong-ho và Ji Seong-ho (cả hai vừa đắc cử nghị sỹ Quốc hội Hàn Quốc khóa 21) khi họ luôn khẳng định có thông tin chắc chắn về bệnh tình của ông Kim Jong-un.

Chỉ một ngày trước khi ông Kim Jong-un tái xuất hiện, Ji Seong-ho còn dẫn nguồn tin từ Triều Tiên khẳng định 99% ông Kim Jong-un đã chết sau phẫu thuật tim.

Ông Thae Yong-ho, cựu Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh, thì nói rằng có thông tin cho thấy ông Kim Jong-un đang ở trong tình trạng không thể vận động chân tay.

Cộng đồng quốc tế đã từng chứng kiến những cảnh báo không chắc chắn tương tự vào năm 2014 khi nhà lãnh đạo Triều Tiên "vắng mặt" tới 40 ngày do phải phẫu thuật mắt cá chân.

Với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều-Mỹ đang ở trong tình trạng bế tắc, vấn đề sức khỏe của ông Kim Jong-un có thể lại là một yếu tố khác mà Washington cần tính đến trong các cuộc đàm phán tiếp theo với Bình Nhưỡng.

Trong vài tháng trở lại đây, Triều Tiên đã có cách tiếp cận cứng rắn trong vấn đề hạt nhân, từ chối trở lại bàn đàm phán trừ khi Mỹ bãi bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này.

Tháng Ba vừa qua, Bình Nhưỡng đã tiến hành liên tiếp 4 vụ thử nghiệm vũ khí được cho là các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và gần đây nhất là vụ thử tên lửa hành trình vào ngày 14/4 vừa qua.

Chính những hành động khiêu khích này cùng với sự đột ngột biến mất rồi xuất hiện của ông Kim Jong-un được các nhà phân tích mô tả là một chiến lược mới của Bình Nhưỡng nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm thế giới chao đảo.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn xuất hiện trở lại tại lễ khánh thành một nhà máy sản xuất phân bón đã cho thấy chính quyền Kim Jong-un thể hiện sự tập trung vào vấn đề tăng trưởng kinh tế và duy trì khả năng cung cấp đủ lương thực của vụ mùa tới.

Triều Tiên hiện đang ở trong tình trạng thiếu lương thực và vấn đề này có nguy cơ trầm trọng nếu vụ mùa tới không bội thu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục