Không thể không viết
Không phải người cầm bút (viết văn, làm báo) nào cũng có thể thực hành được tinh thần tối thượng “không thể không viết." Muốn thực hành được tín điều này thì bút lực người đó phải thực sự dồi dào, kiểu như nhà tài phiệt hơn cả nhà tư bản.
Không ít người viết được một cuốn sách nhận được giải thưởng, một thời nổi tiếng, nhưng sau đó ngủ quên (mấy chục năm) trong hào quang, gậm nhấm cái gọi là “vang bóng một thời” và “ăn mày dĩ vãng." Ấy gọi là “lộc trời” song cứ lóe lên như sao băng rồi... vụt tắt, nhường chỗ cho sao Hôm, sao Mai.
Tôi nghĩ, nghề báo chọn Hồ Quang Lợi như một định mệnh, còn khi học đại học ở Romania (1974-1979), anh theo ngành Ngữ văn. Nhưng hình như giữa báo và văn có mối tương liên, có cái duyên ngầm cố kết, nên ngày trước (hồi đầu thế kỷ 20) các cụ nhà ta gọi báo là “tân văn."
Thì đúng rồi, tân văn và văn chương, đều có chân tủy là “văn." Tôi cứ hình dung, nếu Hồ Quang Lợi theo ngành ngữ văn thì sẽ như thế nào? Tất nhiên vẫn có thể thành công vì anh là người trí lực, mẫn tiệp, lại sinh ra từ một “thung thổ” văn hóa Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Nơi, như cách viết của Đại thi hào Nguyễn Du trong tuyệt phẩm "Truyện Kiều" “Văn chương nết đất, thông minh tính trời." Nhưng làm báo như một ngã rẽ có tính lựa chọn, dấn thân tất nhiên. Song con người này trong lòng như có một hỏa diệm sơn ngày báo đêm văn. Quả thật tình yêu văn chương lặn kỹ, ủ nồng trong tâm khảm sau này đã đưa Hồ Quang Lợi đến với văn chương muộn, muộn nhưng hơn không, muộn nhưng mà chắc chắn. Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2021).
"Người trên đường đời" là tác phẩm thứ 13 của Hồ Quang Lợi. Tôi cũng đã hơn một lần động bút viết về anh (ví như về "Thế sự và mắt nhìn" năm 2015). Nếu các tác phẩm trước đó tác giả nghiêng viết về thời thế, thời cuộc, thời vận, thời sự (tuy nhiên trung tâm của thế giới vẫn là con người - tiểu vũ trụ trong vũ trụ vô biên) theo tinh thần của “thời luận” thì đến tác phẩm mới nhất, tác giả đã có sự thay đổi. Đây không phải là sự chuyển đổi đơn thuần cách viết từ xa và rộng (thời), có tính toàn cảnh (panorama) đến gần và hẹp (case/trường hợp người) mà là phép đối của lối viết, hay nói cách khác là sự mê hoặc và quyến rũ của bút pháp cận cảnh so với toàn cảnh.
Nói văn vẻ thì chuyển từ hướng ngoại đến hướng nội. Tất nhiên chỉ là tương đối. Nói theo dân gian là du di, đu đưa ngòi bút theo hướng trực chỉ của cảm hứng, cảm xúc.
Hướng ngoại hay hướng nội, cận cảnh hay toàn cảnh trong một bài viết cho đến cả một cuốn sách thì cách viết của Hồ Quan Lợi trước sau vẫn chăm chú vào một giọt sương để nhìn thấy cả ánh mặt trời rực rỡ, nhấm nháp vị mặn của một hạt muối để thấm thía đại dương bao la mặn mòi trên vị giác của chúng ta.
Sách của Hồ Quang Lợi vì thế hợp đọc với cả người sống nhanh cũng như người sống chậm. Đấy cũng chính là nét ưu trội của “chữ” Hồ Quang Lợi,
“Con người, hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào” (M. Gorki)
Đâu đó thỉnh thoảng chúng ta lại thấy xuất hiện một số tác phẩm báo chí-văn chương viết theo tiểu khí hạ thấp con người. Tuy nhiên “con người chỉ là một cây sậy mềm yếu, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ" (Pascal).
Riêng tôi thích cách Hồ Quang Lợi viết về những "món nợ thiêng còn đó” (Sự kiện bi hùng hang tổ 4), về sự hy sinh của 32 thanh niên xung phong, công nhân hy sinh tại hang Khì ở xã Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An trong chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc kể từ ngày 5/8/1964. Nhưng cho đến nay trong số 32 người đã hy sinh chỉ có một người duy nhất là chị Nguyễn Thị Chuyên (sinh 1945) được công nhận là liệt sỹ. Một sự phi lý cùng cực.
Cho nên những món nợ thiêng còn đó nếu chúng ta lên Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ, vào Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên (Hà Giang)... Đâu đâu vẫn còn rất nhiều những anh hùng có danh và vô danh, thân xác vẫn nằm sâu dưới chín tầng đất lạnh chờ người dương thế quan tâm, chăm sóc phần hồn cho người đã xả thân vì đại nghĩa "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh."
Thế mà chưa hết những kẻ táng tận lương tâm bòn rút lợi nhuận trên xương máu của đồng bào, đồng chí. Nhưng muộn còn hơn không, đến năm 2002, qua nhiều “cửa ải” vô hình, 32 thanh niên xung phong và công nhân hy sinh tại mỏ đá Hoàng Mai được công nhận liệt sỹ. “Giữa lòng Hà Nội, trong nắng Thu, hình ảnh Hang tổ 4 tại “tọa độ lửa” Hoàng Mai hiện về trong tôi như một tượng đài bất tử của tinh thần quyết thắng."
Thiết nghĩ, viết về những tập thể anh hùng-liệt sỹ đã thể hiện chất đại khí của ngòi bút Hồ Quang Lợi. Đại khí là gì nếu không là phẩm chất ưu trội của đại bàng, giống chim dũng mãnh, bay cao và bay xa. Tinh thần đại khí này cũng thấm đượm trong những bài viết khác như "Lam Hạ - Thời tóc xanh, máu lửa" (về 10 cô gái Lam Hạ hy sinh trên mâm pháo), "Mây trắng đồi 82" (đi tìm mộ em trai)...
Viết về những đối tượng thuộc phạm trù bi tráng như thế, văn Hồ Quang Lợi như thể “nuốt nước mắt vào trong” để viết về dù là người thân hay sơ - đó là những người giữa phong ba. Anh là một nhà báo nhà văn có tinh thần công dân cao cả, nghĩa khí. Tôi nghĩ như thế sau khi đọc phần một, có tựa "Người giữa phong ba."
Cách viết của Hồ Quang Lợi có sức “gọi” cảm xúc lớn ở độc giả vốn quen với mạng xã hội đầy ứ thông tin mang tính truyền thông, thông tấn nhưng thiếu thông tin thẩm mỹ.
Sự tinh tế của ngòi bút Hồ Quang Lợi hằn lên trên những trang viết trong phần hai có tựa "Phẩm cách," với bài mở đầu và thứ hai có sức hấp dẫn "Vị tướng của lòng dân, vị tướng của hòa bình" và "Chiều cuối năm trong ngôi nhà Đại tướng" (về Đại tướng võ Nguyên Giáp).
Người ta hay nói và viết về tính cách, nhân cách nhưng ít khi nói về phẩm cách của một con người. Khi nói phẩm cách là nói đến tính kết tinh, đại diện, và lan tỏa. Một con người như thế để chúng ta có thể chiêm bái chính là lãnh tụ Hồ Chí Minh ("Tên người là cả một niềm thơ" - Félix Pita Rodrigue, nhà thơ Cuba) và một trong những học trò xuất sắc nhất của Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhân đây, tôi muốn ôn lại một kỷ niệm khó quên: tháng 11/2019, nhận lời mời của Hội Nhà văn Á-Phi-Mỹ Latinh, Hội Nhà văn Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu (gồm nhà thơ Bằng Việt và nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng) tham dự Hội thảo quốc tế với chủ đề “Điểm gặp thẩm mỹ giữa truyền thống và hiện đại” (tổ chức tại thủ đô Islamabad, Cộng hòa Hồi giáo Pakistan).
Ở hành lang hội nghị, ngay tiếp xúc ban đầu bạn bè quốc tế đã thân mật hỏi chúng tôi từ đâu đến. Vì được chuẩn bị kỹ từ nhà nên chúng tôi giương cao lá cờ đỏ sao vàng (Quốc kỳ) và hô to “Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ-Võ Nguyên Giáp."
Chỉ cần thế thôi, tất cả vỡ òa thân thiện, thịnh tình, tin tưởng, cố kết, tin cậy theo tinh thần hữu ái nhân loại như là một dấu chỉ của văn hóa tương lai.
Tất cả những "người trên đường đời" được viết, dựng, tô đậm trong tác phẩm này đều được xuyên suốt bằng sợi chỉ đỏ - như là tư tưởng chủ đạo - những phẩm cách đáng trọng, noi gương từ vị tướng lừng danh đến nhà khoa học, chính trị gia, nghệ sỹ tài ba đã đi vào lòng nhân dân như một ký ức lương thiện. Ngòi bút của Hồ Quang Lợi thấm đẫm cảm hứng “viết để chống lại sự lãng quên lịch sử và con người."
Vĩ thanh
Trong bài viết "Trên đôi cánh của tư duy và cảm xúc - sự hòa quyện giữa báo và văn" bình luận về cuốn sách "Thế sự và mắt nhìn" của Hồ Quang Lợi, ở đoạn kết, tôi có nhấn mạnh đến thao tác quan trọng của tác giả là “tìm hồn cho chữ" như chính tác giả chia sẻ “Nếu ngôn ngữ không có hồn thì không thể tạo nên phong cách, cho dù bài chính luận có chất trí tuệ đến đâu."
Bài viết của tôi lúc đầu đăng trên báo Phụ nữ Thủ đô, sau được đưa vào sách Hà Nội từ góc nhìn văn chương (Nhà Xuất bản Hà Nội, 2019), cùng năm xuất bản tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, 2019 (chuyên ngành: Lý luận-phê bình văn học).
Nét đẹp ấy (tìm hồn cho chữ) vẫn là ưu điểm dễ nhận ra trong tác phẩm thứ 13 của Hồ Quang Lợi - "Người trên đường đời." Có bí quyết nào để giúp ngòi bút Hồ Quang Lợi có sức bền? Câu trả lời có thể đúng là: tác giả thường xuyên duy trì được cảm xúc mạnh và sâu (đại khí) khi viết đồng thời với sự rèn đúc, mài giũa trí tuệ sáng và trong để “phò chính trừ tà” như một sứ mệnh của nhà báo chân chính.
Người ta hay nói “nghề báo là nghề nguy hiểm." Tôi không rõ nhà báo Hồ Quang Lợi có gặp nguy hiểm hay không nhưng tôi biết anh “cứ viết, cứ viết, trời xanh thêm." Anh là một nhà báo tài năng.
Cuối cùng, tôi muốn nói Hồ Quang Lợi là nhà báo-nhà văn có cái tầm và khí của đại bàng khi viết "V.Putin và trật tự thế giới mới" (2/2024) vào thời khắc cuộc chiến Ukraine đã đi trọn hai năm vốn đã chia rẽ sâu sắc dư luận quốc tế và trong nước.
Viết như thế rõ ràng chỉ có thể là một ngòi bút tiết tháo, trung thực từ trong máu, với một trí tuệ sắc bén chỉ biết trước sau đứng về phía hòa bình và chính nghĩa. Có vẻ như anh viết bài này trong tâm thế "ai tin thì tin, không tin thì thôi!"./.