Ấn tượng Tết cổ truyền của Việt Nam trong mắt Đại sứ các nước

Đại sứ Hoa Kỳ Kritenbrink chia sẻ ông thích nhất bánh chưng Tết và kiến trúc của các đền chùa ở Hà Nội, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery ấn tượng với Tết Việt đậm đà bản sắc dân tộc và sự sup họp gia đình.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink thực hiện nghi lễ thả cá chép tại chùa Kim Liên để tiễn ông Công ông Táo về trời theo truyền thống của người Việt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, không chỉ người dân trên khắp đất nước mong chờ mà những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng háo hức được đắm mình trong không khí mùa Xuân tràn ngập, được hưởng một cái Tết cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc Việt, thấm đẫm hồn cốt văn hóa người Việt Nam.

Tết là mùa đặc biệt

“Tết là mùa đặc biệt, khi mọi người rất vui vẻ hạnh phúc. Chúng ta đều chậm lại, nghĩ lại về một năm đã qua và dành thời gian bên gia đình, bạn bè, cùng tận hưởng khoảnh khắc năm mới,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã chia sẻ về Tết như vậy.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho biết, năm nay là năm thứ tư ông cùng gia đình đón Tết ở Việt Nam. Năm nào, ông cũng tham gia hoạt động chuẩn bị đón Tết. Năm đầu tiên là học gói bánh chưng. Năm thứ hai thăm vườn đào và tìm hiểu cách ghép đào. Năm ngoái, ông đã thăm chùa Kim Liên và thực hiện nghi lễ thả cá chép.

Chia sẻ về kế hoạch đón Tết Tân Sửu, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cho biết, năm nay, gia đình ông không có mặt để cùng nhau đón Tết nên ông sẽ nghỉ ngơi thư giãn tại Hà Nội, chiêm nghiệm những gì đã qua và dành thời gian bên những người bạn Việt Nam và người bạn nước ngoài của mình.

Đại sứ Daniel tại chùa Kim Liên, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink kể, ông thích nhất bánh chưng với vị ngậy và béo, thích thăm đền chùa ở Hà Nội, nơi có kiến trúc đẹp.

Đây có lẽ là cái Tết cuối cùng của ông ở Việt Nam trong cương vị Đại sứ, bởi vậy, Tết 2021 sẽ là khoảng thời gian đặc biệt với ông.

Đánh giá năm 2020 là một năm khó khăn với Hoa Kỳ, Việt Nam cũng như toàn cầu bởi đại dịch COVID-19, Đại sứ Daniel J. Kritenbrink cảm thấy vui mừng khi trong khó khăn, thách thức, hai nước lại tìm thấy những cơ hội để hợp tác cùng nhau, cùng cho thấy sức mạnh của quan hệ đối tác hợp tác.

Việt Nam là quốc gia đang triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hoa Kỳ tự hào là đối tác của Việt Nam hơn 20 năm qua trong lĩnh vực y tế.

Hoa Kỳ đã tài trợ cho Việt Nam 1 tỷ USD để nâng cao năng lực y tế Việt Nam. Riêng trong ứng phó với đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 13 triệu USD và 100 máy thở.

Đại sứ cảm kích trước việc người dân và Chính phủ Việt Nam đã quyên tặng hàng triệu khẩu trang cũng như trang thiết bị bảo hộ y tế để hỗ trợ đảm bảo sự sống, đảm bảo sức khỏe của người dân Hoa Kỳ.

Năm 2020, hai nước đã cùng nhau kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đến nay, các lĩnh vực hợp tác song phương như an ninh, quốc phòng, thương mại, giao lưu nhân dân, y tế… đều đạt bước tiến vượt bậc.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink bày tỏ lạc quan về tương lai chung của hai nước với thành tựu lớn nhất hiện nay là hai nước đã cùng nhau vượt qua lịch sử bi thương, trở thành những người bạn, đối tác tốt, thân thiết của nhau.

Việt Nam đã trở thành một trong những người bạn và đối tác tốt nhất của Hoa Kỳ trong khu vực.

Đại sứ Daniel J. Kritenbrink hy vọng hai nước tiếp tục xây dựng và làm sâu sắc thêm lòng tin cũng như sự tôn trọng lẫn nhau; tiếp tục các công việc đang cùng thực hiện, giúp Việt Nam và khu vực càng ngày càng ổn định hơn nữa; thúc đẩy thương mại, giao lưu nhân dân, xử lý hậu quả chiến tranh…

Tết là dịp sum vầy gia đình

Với Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, cảm nhận về Tết cổ truyền ở Việt Nam luôn đậm nét và ấn tượng.

Có duyên với Việt Nam từ năm 2004 khi được bổ nhiệm là Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ đã được chiêm nghiệm Tết Việt từ 15 năm trước.

Với ông, Tết Việt đậm đà bản sắc dân tộc, tràn ngập nét văn hóa không thể lẫn được của người dân Việt Nam.

Đại sứ Nicolas Warnery cho biết, ông đã nhiều lần ăn Tết ở Việt Nam. So với những ngày lễ cuối năm ở Pháp, Tết của Việt Nam cũng có điểm tương đồng, đều là dịp sum vầy gia đình.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. (Ảnh: TTXVN)

Với Pháp, các gia đình tập trung nhất vào đêm Noel và ngày hôm sau để gặp gỡ người thân, các thành viên trong gia đình.

Ở Việt Nam, Tết là dịp đoàn viên nhưng ngày nghỉ kéo dài hơn và có nhiều nghi lễ hơn. Không chỉ là Giao thừa, ngày mùng 1 Tết, người Việt Nam còn có tục lệ thăm nội, ngoại… Đó cũng là dịp để gắn kết, thắt chặt hơn mối quan hệ gia đình cũng như quan hệ xã hội.

Chia sẻ kế hoạch Tết năm nay, Đại sứ Nicolas Warnery cho biết sẽ ăn Tết tại Hà Nội, sáng mùng 1 Tết, ông sẽ dậy sớm để đi bộ ngắm nhìn khung cảnh vắng vẻ của đường phố, tận hưởng những gì còn đọng lại sau đêm Giao thừa. Đại sứ dự định sẽ tới đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm.

Đánh giá về những kết quả đạt được của Việt Nam trong năm qua, Đại sứ Nicolas Warnery cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam vẫn đảm nhận thành công “vai trò kép”: Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Mặc dù từ tháng Ba, mọi hoạt động của ASEAN phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, Việt Nam đã hoàn thành được các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ của mình.

Trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam hoàn thành vai trò xuất sắc ngay từ tháng 1/2020 với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng với việc tổ chức hội thảo liên quan đến Hiến chương Liên hợp quốc.

Tiếp đó trong năm, tại Hà Nội, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh với chủ đề “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ Cam kết đến Kết quả.”

Bày tỏ kỳ vọng năm 2021 đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Đại sứ Nicolas Warnery mong muốn hai bên sẽ phối hợp với nhau để thúc đẩy quan hệ phát triển mạnh mẽ hơn trên mọi lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, y tế…

Trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ Nicolas Warnery mong thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp, thắt chặt quan hệ chính trị hai bên, thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục đại học và cả những dự án liên quan đến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường…

Nói một cách tổng thể, Pháp và Việt Nam sẽ thúc đẩy quan hệ song phương, nỗ lực chung góp phần vào mối quan hệ đa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục