Ấn tượng sâu đậm với miền đất thủ phủ của nam Lào

Cách thủ đô Vientiane của Lào 700km, Paksé thủ phủ của tỉnh Champasack và vùng Nam Lào luôn gây một ấn tượng sâu đậm với du khách.
Chúng tôi đến Paksé thủ phủ của tỉnh Champasack và vùng Nam Lào nhiều lần, nhưng mỗi lần đến lại có thêm một cảm nhận mới về vùng đất quyến rũ này - bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng trước hết là vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi của địa danh này.

Từ Vientiane đến Paksé khoảng 700km, nếu đi bằng máy bay tiếng mất hơn 1 tiếng, còn chạy xe theo đường 13, với tốc độ 100km/giờ mất khoảng một ngày.

Từ Paksé, du khách muốn đến những điểm cần thiết như cao nguyên Bolovens, tỉnh Attapeu, về Gia Lai-Kontum hoặc muốn đi Campuchia thì chỉ cần đi thêm 40km nữa là đến biên giới.

Từ khi có cầu hữu nghị Hữu nghị Lào-Nhật do Nhật Bản xây dựng bắc qua sông Mekong, đi thêm khoảng hơn 40km là đến Thái Lan, từ đó đi ngược lên phía bắc qua tỉnh Nọng Khai là trở lại Vientiane. Do vị trí đặc biệt hấp dẫn này nên du khách thường chọn Paksé làm điểm đến đầu tiên trong tuyến du lịch của mình.

Bên cạnh đường bộ, đường hàng không đến Paksé  cũng thuận lợi.  Lao Airlines có các chuyến bay trực tiếp hàng ngày, Vietnam Airlines cũng bay trực tiếp từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến Paksé. Hiên nay tỉnh đang mở rộng sân bay Paksé giai đoạn 2 với  trị giá 50 tỷ Kíp) nhằm tiếp nhận các loại máy bay lớn hơn, phục vụ sự gia tăng nhanh chóng của hành khách.

Cùng với vị trí địa lý thuận lợi thành phố trẻ này là một địa điểm du lịch, kinh tế hấp dẫn, của Lào, nơi đây trước là kinh đô của Vương quốc Champasak bị xóa bỏ vào năm 1946. Cung điện Vương quốc Champasak đổ bóng xuống dòng Mekong thật thơ mộng, người dân Paksé thường gọi đây là nhà có 1.000 cửa sổ. Đến nay, cung điện này gần như nguyên vẹn và đang được thành phố khai thác thành khách sạn và điểm du lịch.

Cùng với nơi cung điện Vương quốc Champasak còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như Cầu hữu nghị Lào-Nhật, Khu thương mại Đào Viêng. Đi đi xa hơn 40km là Wat Phou - Di sản Thế giới… và nhiều lễ hội độc đáo hấp dẫn du khách như lễ hội, như Wat Phou, Pha Veat,Khao Phansa…

Ngoài các nơi tham quan trên, ẩm thực Paksé cũng rất ngon, đặc biệt là các món ăn làm từ cá và tôm càng xanh vô cùng hấp dẫn.

Chiều ngồi nhà hàng trên sông thưởng thức các món đặc sản địa phương, nhìn ánh hoàng hôn buông xuống phía tây vô cùng ấn tượng.

Cùng với khách du lịch từ các nước khác trong nhiều năm qua khách du lịch Việt Nam đến Paksé rất nhiều, ước tính 350.000 người/năm.

Các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên tăng cường hợp tác với các tỉnh Nam Lào, trong đó có Paksé-Champasack trong các lĩnh vực như chế biến gỗ, sản xuất đường, phân bón, trồng cây công nghiệp dài ngày và hỗ trợ Công ty Cao su Việt-Lào đóng tại Paksé tập trung khai thác và chế biến cao su đúng kế hoạch.

Những ngày ở Paksé, tôi ấn tượng nhất là tình người Paksé, họ rất nhiệt tình vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi khi cần thiết, đặc biệt họ rất đoàn kết giúp đỡ người Việt Nam.

Hiện nay cộng đồng người Việt tại Paksé khoảng 5.000 người có công ăn việc làm ổn định, nhiều người đã trở thành doanh nhân nổi tiếng như chị Lê Thị Lượng, Chủ tịch tập đoàn càphê Đào Hương, nổi tiếng khắp cả nước Lào.

Lưu lại ở Paksé chúng tôi như được sống trên quê hương mình, vì ở đây có nhiều người Việt, cũng có nhà hàng Việt, cơm Việt, khách sạn Việt, rửa xe Việt như ở Việt Nam vậy. Cảm động nhất là vụ tai nạn xe ôtô Việt Nam bị lật tại Pacxòng hồi đầu năm, cách Paksé không xa, làm chết 9 người Việt, một người Lào, bà con Việt kiều ở đây đã thức trắng đêm để xử lý hiện trường, phối hợp nhà chùa Lào làm lễ, tụng kinh cho các linh hồn siêu thoát…

Đất nước Lào có nhiều thành phố hấp dẫn về du lịch như Vientiane, Luang Prabang; Khu Tam giác vàng … nhưng ai một lần đến Paksé-Champasack đều có những kỷ niệm khó quên./.

Hoàng Chương/Vientiane (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục