Ấn tượng hàng Việt tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano tại Italy

Gần 2.800 doanh nghiệp đến từ 90 quốc gia trên thế giới tham gia Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano, diễn ra tại Trung tâm triển lãm Milan của Italy; trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng (thứ 3, từ phải sang) cắt băng khai trương gian hàng quốc gia Việt Nam tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 28, Italy. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Hội chợ Thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 28 diễn ra tại Trung tâm triển lãm ở thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, Trung tâm kinh tế-văn hóa lớn nhất Italy, trong các ngày từ 30/11-8/12.

Hội chợ có sự tham dự của gần 2.800 doanh nghiệp đến từ 90 quốc gia trên thế giới, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng; ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp thộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tiến sỹ Enrico Brambilla, Tổng thư ký Liên đoàn Thủ công mỹ nghệ Milano; các đại diện của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội đă cắt băng khai trương khu gian hàng Việt Nam tại hội chợ, Không gian quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP Việt Nam trong bầu không khí ấm cúng, trang trọng và mang đậm các giá trị, hình ảnh văn hóa Việt Nam.

Phát biểu tại hội chợ, Đại sứ Dương Hải Hưng cho biết những năm qua, Đại sứ quán luôn tích cực phát huy quan hệ chặt chẽ với ban tổ chức hội chợ Artigiano Milan, như việc tổ chức cho đoàn ông Antonio Intiglietta, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành công ty Giestone Fiera, đơn vị tổ chức hội chợ này, có chuyến thăm thành công tại Việt Nam năm ngoái, cùng với các cuộc gặp và trao đổi trực tiếp với ban tổ chức hội chợ.

Vì vậy, công tác phối hợp tổ chức khu gian hàng Việt Nam, xây dựng quảng bá hình ảnh sản phẩm Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển hợp tác kinh doanh, giao thương hơn nữa giữa Việt Nam với Italy nói riêng và với quốc tế nói chung.

Về phần mình ông Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh rằng khu gian hàng quốc gia Việt Nam năm nay với diện tích hơn 180m2 có sự tham gia của 16 doanh nghiệp tiêu biểu, trực tiếp tham gia trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, tinh xảo của Việt Nam như sản phẩm lụa, sơn mài, sản phẩm gốm, đồ thủ công mỹ nghệ bằng sừng, bằng giấy, bằng gỗ, bằng da bò; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, tái chế như xơ mướp, vải jean; sản phẩm OCOP là thực phẩm, đồ uống như trà, càphê, trái cây sấy, tỏi đen, tinh bột nghệ, hạt điều, sản phẩm từ nước dừa, bún miến gạo...

Gian hàng, được xây dựng với chủ đề "Hội tụ giá trị-Lan tỏa văn hóa," kết hợp với phục vụ trải nghiệm và thử nếm sản phẩm, cùng với các hoạt động trình chiếu hình ảnh, video quảng bá về sản phẩm OCOP gắn với văn hóa đặc trưng vùng miền, du lịch nông thôn tiêu biểu của Việt Nam, giúp quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tiêu biểu có lợi thế xuất khẩu, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của Việt Nam tới đông đảo khách hàng khu vực châu Âu.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được trưng bày tại Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Artigiano lần thứ 28, Italy. (Ảnh: Dương Hoa/TTXVN)

Việc tham gia hội chợ cũng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể OCOP quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch, ẩm thực, giới thiệu, tìm kiếm và phát triển mạng lưới khách hàng quan tâm tới các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, thực phẩm đặc trưng, tiềm năng của Việt Nam tại thị trường Italy nói riêng và châu Âu nói chung, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, ẩm thực và hình ảnh của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Rất nhiều khách tham quan hội chợ quan tâm, chia sẻ và mua sản phẩm của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội chợ, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với đoàn công tác tổ chức buổi tọa đàm về Hợp tác Thủ công mỹ nghệ Việt Nam-Italy với sự tham gia của ông Beppe Pisani, Chủ tịch Liên đoàn thủ công và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thời trang Vùng Lombardy; ông Jean Blanchaert, nghệ nhân, nhà tổ chức quản lý phòng triển lãm trưng bày nghệ thuật về thủy tinh và gốm sứ; ông Walter Cavrenghi, Tổng thư ký Phòng Thương mại Italy-Việt Nam (CCIV), cùng đại diện một số tổ chức thủ công và các doanh nghiệp thủ công Italy.

Thông qua buổi tọa đàm, các diễn giả hai bên đã nêu lên thế mạnh của ngành thủ công mỗi nước và cùng nhau trao đổi xu hướng tiêu dùng, xu hướng thẩm mỹ, nhằm phát triển bền vững ngành thủ công mỹ nghệ hai bên.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán đã thu xếp cho Đoàn công tác gặp Liên đoàn Thủ công mỹ nghệ thành phố Vicenza và tham quan một số xưởng gốm, xưởng sản xuất thủ công mỹ nghệ của người dân bản địa.

Thông qua các hoạt động trên hình ảnh sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP của Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến bạn bè Italy và quốc tế, tạo cầu nối xúc tiến thương mại, trao đổi hợp tác kinh doanh và đầu tư lẫn nhau.

Hội chợ Artigiano tổ chức hằng năm vào dịp mua sắm trước Giáng Sinh và năm mới, được nhiều nước và doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, với nền tảng kỹ thuật số với hơn 1 triệu thành viên đăng ký, hội chợ cho phép các doanh nghiệp quảng bá và bán sản phẩm của mình trong suốt cả năm, quảng cáo và duy trì mối quan hệ thường xuyên với các khách hàng truyền thống và tiềm năng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Italy là một trong những thị trường lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) về hàng thủ công mỹ nghệ, với tổng kim ngạch buôn bán hàng năm lên tới hơn 20 tỷ euro (khoảng 21,05 tỷ USD).

Ngày hội lớn nhất của các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ thế giới được tổ chức từ năm 1996, là nơi lý tưởng để các nghệ nhân từ khắp nơi trên thế giới có thể giới thiệu sản phẩm và những nét đặc sắc của quốc gia mình. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia hội chợ từ những năm 2000 để giới thiệu với bạn bè quốc tế các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục