Ấn tượng Festival Nghề truyền thống Huế với "Tinh hoa nghề Việt"

Diễn ra từ ngày 28-2/5, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" đã thành công; thu hút 327 nghệ nhân từ gần 60 đơn vị của 40 làng nghề, cơ sở nghề tham gia.
Đoàn rước trong nghi thức Lễ tế Tổ bách nghệ và Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề tại Thừa thiên-Huế, trên đường Lê Lợi. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Diễn ra từ ngày 28-2/5, Festival Nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt" đã thành công.

Việc tôn vinh nghề thủ công tại lễ hội kết thúc bằng Lễ tế bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống Việt, diễn ra chiều 1/5, tại công viên Tứ Tượng, bên dòng sông Hương thơ mộng.

Lễ tế được tổ chức trang trọng và rực rỡ với sự tham gia của các nghệ nhân trong các trang phục truyền thống đầy màu sắc đến từ 40 làng nghề truyền thống tiêu biểu trong cả nước với đầy đủ kiệu tổ nghề, đội nhạc bát âm, chiêng trống, cờ lộng, lân rồng.

Ngay sau nghi thức Lễ tế tổ bách nghệ là Lễ rước tôn vinh nghệ nhân, làng nghề truyền thống với sự tham gia của hơn 327 nghệ nhân từ 59 đơn vị thuộc 40 làng nghề nổi tiếng trong nước.

Lễ rước được diễn ra trang trọng bắt đầu từ Công viên Tứ Tượng qua cầu Tràng Tiền dọc theo đường Trần Hương Đạo đến sân khấu bia Quốc học đã thu hút đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước theo dõi.

Lễ Tế tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề là những nghi lễ tri ân và tôn vinh các giá trị nghề thủ công truyền thống Việt Nam, tôn vinh và ghi nhớ công lao của tiền nhân, vinh danh các làng nghề, các thế hệ nghệ nhân.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm khép lại các chương trình chính tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017, bao gồm: Không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề; chương trình biểu diễn trang phục dệt may "Hội tụ bản sắc châu Á;" lễ hội áo dài "Hội họa Huế và áo dài" tại cầu Tràng Tiền...

[Festival Nghề truyền thống Huế: Ấn tượng "Hội họa Huế và áo dài"]

Fesstival Nghề truyền thống Huế 2017 thu hút 327 nghệ nhân từ 59 đơn vị thuộc 40 làng nghề, cơ sở nghề tham gia; trong đó, có 24 đơn vị ngoài tỉnh, nhiều hơn 1/3 so với Festival 2015.

Các làng nghề năm nay mang đến cho lễ hội những sản phẩm đặc trưng của làng nghề, đồng thời giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề, tạo nên một không gian trữ tình, sống động bên dòng sông Hương phục vụ du khách và người dân Huế.

Các sản phẩm được giới thiệu vào năm nay chủ yếu các nhóm nghề: dệt, thêu, gốm, mộc mỹ nghệ, mây tre, nón lá, kim hoàn, tranh dân gian, hoa giấy, diều, đồng... đều tăng nhiều hơn 1/3 so với Festival 2015.

Trong số làng nghề trên có những làng nghề và cơ sở nghề ở xa, lần đầu tiên tham dự Festival, như dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình); làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); dệt lụa Nam Cao (Thái Bình); làng gốm Mỹ Thiện 200 năm tuổi; dệt làng Teng (Quảng Ngãi); làng nghề sản xuất gốm, thảm lục bình xã Bình Ninh (Vĩnh Long); mộc mỹ nghệ Chuyên Mỹ (Hà Nội)...

Nằm bên bờ sông Hương, dọc con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và một số khu vực công viên phía nam sông Hương là nơi trưng bày của các làng nghề Việt Nam nhằm thuận tiện trong việc quảng bá sản phẩm.

Tại đây, thành phố Huế cho dựng lên 30 ngôi nhà rường, làm không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề.

Đối tác nước ngoài tham gia có 34 nghệ nhân và thợ đến từ các thành phố Takayama, Saijo, Shizuoka và Công ty thêu Shuei (Nhật Bản); quận Dongnae, thành phố Busan (Hàn Quốc); Công ty Lục Thuận Đại Tử Sa, thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

Đến dự và tham quan nơi trưng bày của các làng nghề, công chúng có thể cùng thao tác, làm ra các sản phẩm mình ưa thích dưới sự hướng dẫn tận tình của các nghệ nhân đến từ nhiều làng nghề nổi tiếng trong cả nước và quốc tế để cùng trải nghiệm, chia sẻ những khó khăn, vất vả vớinhững người thợ thủ công đã sáng tạo nên những tuyệt tác làng nghề truyền thống của các nghệ nhân Huế và các nghệ nhân tiêu biểu đến từ nhiều làng nghề nổi tiếng trong cả nước và quốc tế.

Với sự góp mặt của các làng nghề đến từ các thành phố hữu nghị Saijo, Takayama, Shizuoka và Công ty Shuei (Nhật Bản), quận Dongnae, thành phố Busan (Hàn Quốc), Công ty Trách nhiệm hữ hạn Lục Thuận Đại Tử Sa (thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), không gian trưng bày các sảm phẩm nghề thủ công truyền thống của các thành phố quốc tế nằm trong chương trình Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đem đến nhiều sản phẩm độc đáo gây được sự tò mò, thích thú cho người xem.

Những nghệ nhân của các làng nghề, doanh nghiệp đã giới thiệu các sản phẩm thủ công tinh xảo, độc đáo ở các lĩnh vực nghề dệt may, thêu, gốm sứ, mộc mỹ nghệ, làm giấy, sơn mài…

Các nghệ nhân Hàn Quốc giới thiệu về nghề thủ công làm ra những chiếc mặt nạ, thu hút nhiều người đến xem. Các sản phẩm gốm sứ Công ty T​rách nhiệm hữu hạn Lục Thuận Đại Tử Sa (Trung Quốc) cùng màn trình diễn quy trình tạo ra chiếc ấm bằng gốm được các nghệ nhân Trung Quốc biểu diễn ngay tại không gian trưng bày. Những chiếc bình bằng gốm sứ đẹp mắt với hoa văn tinh xảo có giá rất cao.

Ở đây, nhiều bạn trẻ cùng thử trang phục của các nước bạn Hàn Quốc, Nhật Bản; trong khi người lớn tuổi thích thú với không gian thưởng trà do các nghệ nhân Trung Quốc pha chế...

Một trong những điểm nhấn của Festival Nghề truyền thống Huế 2017 còn có chương trình thời trang "Hội tụ bản sắc châu Á," quy tụ 5 nhà tạo mẫu, nhà thiết kế nổi tiếng châu Á: Ao Edwin (Philippines), Milo Migliavacca (Indonesia), Mohom Loikhamleng (Myanmar), Sakchira Wiengkao (Thái Lan), Eric Choong (Malaysia).

11 nhà thiết kế trong nước tham gia gồm Vũ Việt Hà, Hà Duy, Quang Huy, Xuân Hảo, Duy Nguyễn, Chula, Vũ Trần Đức Hải, Viết Bảo, Hữu Lala, Khánh Shyna và Minh Hạnh.

Bằng phong cách hiện đại, các nhà thiết kế đã sáng tạo trên nền chất liệu vải truyền thống như vải batik in tay truyền thống (Malaysia), vải lanh và vải batik in thêu hoa (Indonesia).

Việt Nam có chất liệu Zèng của dân tộc Tà Ôi, H.A Lưới (Thừa Thiên-Huế), thổ cẩm của dân tộc H'Rê, H'Mông, lụa tơ tằm, đũi...

Bộ sưu tập của Hoa hậu Việt Nam 2010 Đặng Thị Ngọc Hân đã lấy chất liệu Zèng để thiết kế những mẫu trang phục hiện đại, nhưng vẫn mang dáng vẻ truyền thống.

Nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu bộ sưu tập trên chất liệu vải thổ cẩm dệt cườm của dân tộc H’Rê ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) và lụa đũi Nam Cao (Thái Bình).

Với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt," nhiều hoạt động trưng bày, thao diễn nghề xuyên suốt đã khẳng định và tôn vinh các nghề truyền thống Việt Nam.

Công chúng và khách du lịch cũng hết sức ấn tượng Lễ hội áo dài với chủ đề "Hội họa Huế và áo dài," với hàng vạn người tham dự, thưởng lãm.

Đặc biệt, không gian trình diễn lễ hội áo dài hết sức độc đáo, với khung cảnh cầu Tràng Tiền và đường Lê Lợi càng làm tôn nên vẻ đẹp của bộ sưu tập áo dài trong lễ hội lần này.

Hội họa Huế đã trải qua thời gian dài, nhiều tác giả với những tác phẩm ấn tượng đã làm rạng danh cho mảnh đất ngày như cố họa sỹ Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Vó Xuân Huy; các họa sỹ đương đại như Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Phan Thanh Bình... cùng kết hợp với các nhà thiết kế Quang Huy, Chu La, Vũ Việt Hòa, Ngọ Hân, Thanh Thúy, Viết Bảo, Khánh Shyna, Minh Hạnh... tạo nên những bộ áo dài hết sức độc đáo, thu phục người xem.

Công tác xã hội hóa lễ hội được ban tổ chức đặt lên hàng đầu. Cụ thể nhất là lễ hội khinh khí cầu do Công ty Ballooning Media tổ chức với hình thức xã hội hóa 100%.

Chương trình nằm trong hoạt động Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 và lần thứ hai diễn ra lễ hội khinh khí cầu tại Cố đô Huế, kéo dài đến hết ngày 2/5.

Lễ hội thu hút 10 đội đến từ các quốc gia gồm Hà Lan, Bỉ, Australia, Thái Lan, Pháp, Malaysia, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Nhật Bản và Việt Nam.

Người dân và khách du lịch đến Cố đô Huế dịp này có thể ngắm Đại Nội, Kỳ Đài, Ngọ Môn và toàn cảnh thành phố Huế cổ kính bằng khinh khí cầu từ trên cao.

Đặc biệt, trên những chiếc khinh khí cầu, từ độ cao 150m du khách được có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn cảnh kinh thành Huế với Đại Nội, Kỳ Đài, Ngọ Môn.

Bên cạnh đó còn là nét đẹp của sông Hương, núi Ngự và các vùng phụ cận… Du khách được trải nghiệm những khoảng khắc trên không trung, với khinh khí cầu rực rỡ, nhiều màu sắc. Đồng thời ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ từ góc nhìn mới lạ trên cao, hấp dẫn cùng những chuyến bay khinh khí cầu.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Trưởng Ban Tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 Huế cho biết: Với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt," Festival Nghề truyền thống Huế 2017 là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định, nâng cao vị thế của Cố đô Huế - thành phố Festival của Việt Nam - thành phố Văn hóa ASEAN.

Đồng thời, Festival Nghề truyền thống Huế được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống, tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Đây cùng là dịp biểu dương sinh động trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân các làng nghề tiêu biểu của Thừa Thiên-Huế và nhiều địa phương trong cả nước; là cơ hội để quảng bá giới thiệu những nét văn hóa của các nghề và làng nghề, đặc biệt là những sản phẩm thủ công tiêu biểu."

Việc tổ chức thành công Festival nghề truyền thống cũng giúp cho các làng nghề trong thành phố, trong tỉnh và trong cả nước có điều kiện để tiếp cận quảng bá đến với công chúng và khách du lịch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục