Gần đây, hàng loạt chung cư cao tầng được xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Nhưng, trong số đó có không ít công trình đã được bàn giao, sử dụng dù chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vi phạm này tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn cháy nổ.
Thời gian qua, việc “bà hỏa” liên tiếp "ghé thăm" các chung cư cao tầng đã khiến người dân cảm thấy lo lắng, bất an.
"Giật mình" sau những vụ cháy
Nhiều ngày sau vụ hỏa hoạn tại chung cư HH4A, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội, cư dân tòa nhà vẫn chưa hết bàng hoàng. Dấu vết vụ cháy vẫn còn rõ nét, dù các khu vực bị khói ám đen đã được sơn sửa. Điện đã được cấp trở lại cho những tầng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Bà Đặng Thị Kiều, sống tại căn hộ 3306 tòa HH4A, khu đô thị Linh Đàm, cho biết khoảng 10 giờ ngày 16/9, khi thấy khói đen xộc lên phòng và nước chảy đầy nhà, dù không nghe thấy tiếng chuông báo cháy tự động, song đoán có hỏa hoạn, bà vội bế đứa cháu chạy từ tầng 33 ra cầu thang thoát hiểm đi bộ xuống tầng 1.
Anh Nguyễn Văn Hải, sống tại tòa nhà HH4A, cho biết mới đây, anh cũng giật mình khi biết hệ thống phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà vẫn chưa được hoàn thiện.
“Ban Quản lý tòa nhà đã thừa nhận chưa hoàn thiện và chưa đủ điều kiện bàn giao. Họ lấy lý do là người dân muốn đến ở sớm nên bàn giao sớm - điều này không đúng. Về nguyên tắc, công trình phải hoàn thiện mới được bàn giao. Hiện mới có 1/3 dân đến ở mà đã xảy ra chập cháy thế này, vậy khi đủ 100% dân đến ở không biết sẽ thế nào,” anh Hải lo lắng.
Vài ngày sau vụ cháy tòa HH4A Linh Đàm, khoảng 20 giờ ngày 20/9, dân cư ở tòa CT5B, thuộc Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông) lại hoảng loạn vì cháy. Ông Trần Văn Nghĩa, sống tại tòa CT5B cho biết sau hàng loạt sự cố về an toàn cháy nổ, ông và người dân mới biết là hơn hai năm nay, kể từ khi chủ đầu tư bàn giao nhà cho người dân về ở tòa nhà CT5B cho đến lúc này vẫn chưa có biên bản nghiệm thu về an toàn phòng cháy chữa cháy.
“Theo quy định, nếu tòa nhà chưa được nghiệm thu thì chưa được bàn giao, sử dụng. Tại sao lại có việc làm trái quy định, coi nhẹ sinh mạng người dân và tài sản của họ?” ông Nghĩa băn khoăn.
Tối 11/10, "đại hỏa" đã phát ra từ tầng hầm khu chung cư Xa La (Hà Đông) khiến hàng ngàn người hoảng loạn, các lực lượng phải ứng cứu cho gần 100 người ở các tòa CT4A, CT4B, CT4C. Vụ cháy đã làm nhiều tài sản như ôtô, xe máy bị thiêu rụi... Vụ cháy khiến người dân lại càng thêm lo lắng về sự an toàn khi sống tại các khu chung cư.
Phớt lờ quy định
Trước nỗi lo của người dân, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất-xuất nhập khẩu Bemes, đại diện chủ đầu tư - cho rằng hệ thống phòng cháy của chung cư HH4A Linh Đàm được đầu tư đồng bộ, đầy đủ. Khi xảy ra sự cố vừa rồi, hệ thống báo cháy vẫn hoạt động. Đến nay, công trình đã được Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt.
"Chúng tôi đã thực hiện theo thiết kế hồ sơ được phê duyệt. Còn việc người dân HH4A không nghe tiếng báo cháy vừa rồi là bởi khi xảy ra cháy, đám đông hoảng loạn. Có thể họ không chứng kiến, chứ hệ thống phòng của chúng tôi hoạt động tốt," ông Sơn khẳng định.
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy của Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 7 Hà Nội tại tòa nhà CT5 cho thấy tòa nhà CT5 thuộc Chi nhánh dịch vụ nhà ở và quản lý Khu đô thị Mường Thanh do doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư có khoảng 850 căn hộ. Dù chưa được thẩm duyệt nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, nhưng tòa nhà này đã được đưa vào hoạt động từ năm 2012.
Đơn vị đã kiến nghị nhiều lần bằng văn bản với chủ đầu tư, ban quản lý tòa nhà, thậm chí đã ba lần xử lý vi phạm hành chính liên quan đến việc thực hiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Tại tổ hợp chung cư cao tầng tòa nhà HH4 Linh Đàm do Công ty cổ phần sản xuất-xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 8 Hà Nội đã có biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, kiến nghị cơ sở triển khai thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi "Không tổ chức thực hiện các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản."
Mới đây ngày 30/9, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại ở tòa nhà HH4, hồ sơ theo dõi quản lý hoạt động phòng cháy, chữa cháy của tòa nhà chưa đầy đủ tài liệu theo quy định; công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại tòa nhà chưa được tổ chức thực hiện; chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại tòa nhà theo quy định. Tại thời điểm kiểm tra, tòa nhà đã bố trí sắp xếp người dân vào ở nhưng chủ đầu tư chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
Đáng lo ngại, không chỉ hai tòa nhà HH4A Linh Đàm và CT5B thuộc Khu đô thị Xa La, số liệu từ Cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội cho thấy tính đến quý 2/2015, toàn thành phố có 891 công trình nhà cao tầng, trong số 779 công trình đã đưa vào sử dụng thì có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Cần chế tài đủ mạnh
Về thực trạng nhiều chung cư cao tầng ở Hà Nội vẫn được cấp phép xây dựng dù hồ sơ phòng cháy, chữa cháy chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho rằng đây là tình trạng ngang nhiên vi phạm Luật phòng cháy chữa cháy, buông lỏng quản lý và bất chấp tính mạng, sự an toàn của người dân. Vi phạm này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong an toàn phòng chống “giặc hỏa.”
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, luật quy định rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư từ khi lập hồ sơ thiết kế cho đến quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu. Khi nào đủ các điều kiện mới được phép cho người vào ở hoặc đưa công trình vào sử dụng. Đồng thời, cơ quan cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải có trách nhiệm thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật đối với hệ thống phòng cháy, chữa cháy của công trình đó. Nếu chủ đầu tư chưa hoàn thiện quá trình thi công, kiểm tra, nghiệm thu, mà đã cho người dân vào ở là sai quy định.
“Trên thực tế còn tồn tại một số công trình được cấp phép xây dựng nhưng thiếu những văn bản theo quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Rõ ràng, những người sinh sống ở đây sẽ chịu thiệt hại khi cháy nổ xảy ra. Đơn vị đã trao đổi với Bộ Xây dựng, sắp tới hai cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ hơn giữa việc cấp phép xây dựng, đảm bảo đầy đủ giấy tờ mới tiến hành cho phép xây dựng nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng,” Đại tá Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để siết chặt quản lý, kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro khi xảy ra cháy nổ tại chung cư cao tầng, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý.
Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm với tình trạng vi phạm này, không chỉ xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, mà cần xem xét lại vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát việc xây dựng các chung cư cao tầng.
“Nếu chủ đầu tư xây dựng dự án sai, đương nhiên phải phạt. Cơ quan quản lý mà để việc đó xảy ra thì cũng sai. Chúng ta cần có chế tài xử phạt nghiêm," ông Liêm nhấn mạnh./.