"Năm nay các bạn và gia đình ăn Tết có to không?" Đây gần như là một câu hỏi tu từ mà rất nhiều người thuộc thế hệ từ 7X, 8X trở về trước đã quá quen thuộc vào mỗi dịp năm hết Tết đến.
Tại sao người Việt lại dùng từ ăn Tết mà không phải là mừng Tết? Chúng ta hãy ngược thời gian trở về với không khí ăn Tết hồi những năm 1980-1990 - hồi mà tiếng nổ giòn đanh cùng mùi khói pháo sực nức là thứ không thể thiếu để làm nên Tết.
"Ăn Tết" là một từ thuần Việt, không chỉ riêng việc ăn uống mà nghĩa của nó còn bao hàm cả quá trình chuẩn bị Tết, sự nghỉ ngơi, vui chơi và tinh thần hưởng thụ Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt Nam.
Tết Nguyên đán nghĩa là buổi sớm mai của một năm, đặc biệt quan trọng với người Việt, là dấu hiệu báo cho cả năm đó có được ấm êm, sung túc hay không.
Nghĩa đầu tiên của từ "Ăn Tết" là về thức ăn. Ngày Tết là chỉ có nghỉ ngơi và ăn ngon. Người Việt ở khắp các vùng miền của cả nước đều có rất nhiều món ăn đặc biệt chỉ giành cho ngày Tết. Đó cũng là một trong những lý do mà người Việt không nói “mừng Tết” mà thường nói “ăn Tết."
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Đói quanh năm/No 3 ngày Tết." Vào cái thời cuộc sống còn khó khăn, thức ăn ngày thường có thể rất thanh đạm và chỉ đến Tết mới được ăn bánh chưng, thịt gà, thịt đông, dưa hành, canh măng miến… và nhiều món khác. Các gia đình dù giàu hay nghèo cũng phải lo cho được các món ăn cơ bản của ngày Tết, cho dù nhiều gia đình thực sự rơi vào tình cảnh: “Tết đến sau lưng/Ông vải thì mừng, con cháu thì lo.”
Tết là một quá trình
Vào những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, Tết thực sự là một quá trình. Việc chuẩn bị Tết diễn ra ngay từ đầu năm với việc nuôi lợn lấy thịt để cuối năm các gia đình chung nhau mổ lấy thực phẩm chế biến ăn Tết, gọi là đụng lợn. Không chỉ ở nông thôn mà ở thành thị cũng có nhiều gia đình nuôi lợn để cuối năm bán lấy tiền ăn Tết hoặc cùng với các gia đình khác đụng lợn.
Không khí Tết bắt đầu nhen nhóm từ đầu tháng Chạp, tức là đầu tháng 12 âm lịch, các bà các mẹ rậm rịch tìm mua gạo nếp, đậu xanh, các loại đồ khô như măng, miến, mộc nhĩ… chuẩn bị cho việc gói bánh chưng và nấu cỗ Tết. Lá dong, lạt buộc, chất đốt như than, củi… cũng bắt đầu lo liệu dần.
Đến khoảng Rằm tháng Chạp thì các nhà bắt đầu nén dưa hành. Dù không phải món chính, nhưng dưa hành là món không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết và được xếp vào 6 loại phẩm vật đặc trưng của Tết cổ truyền xưa: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”
Đến ngày 23 tháng Chạp thì cảm giác như Tết đã về đến đầu ngõ. Chợ búa nhộn nhịp. Người lớn hối hả thu xếp công việc để cúng ông Công ông Táo lên chầu Trời. Mùi hương trầm phảng phất, mùi khen khét của vàng mã khi hóa, rồi hương thơm của bó mùi già mẹ mua để góc bếp khiến bọn trẻ con càng bồn chồn, mong Tết đến thật nhanh để được nghỉ học, xúng xính quần áo mới.
Ngày 24, 25, 26 thì càng rộn rã, trẻ con mua những bánh pháo tép, quả pháo chỉ bằng que diêm về đốt chơi lép bép, khói pháo thơm nức trong tiếng cười nói í ới của lũ trẻ. Người lớn đi tạ mộ ông bà cụ kỵ; bao sái bàn thờ tổ tiên; lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, tổng vệ sinh ngõ xóm... thật sạch sẽ tinh tươm rồi đi chợ hoa mua đào, quất về trưng để nghênh đón nàng Xuân. Hoa thược dược, violet sẽ để đến ngày 30 Tết mới mua cho tươi.
Từ 27 đến 30 tháng Chạp là náo nức nhất. Nhà nhà lo mổ lợn, ngâm măng, mua lá dong gói bánh chưng. Mổ lợn chung hay đụng lợn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt vào dịp Tết. Mấy gia đình chung nhau xẻ thịt một con lợn để làm giò, chả, nấu đông, gói bánh chưng, chế biến nhiều món khác.
Ngày đụng lợn là một ngày hội nhỏ, trên chiếc sân lớn, hơn chục người tất bật rôm rả mỗi người một việc. Chỗ này pha thịt lợn và chia phần cho từng nhà, chỗ kia mấy thanh niên khỏe mạnh đảm nhận việc giã giò.
Trong bếp, các bà các chị má đỏ ửng vì hơi nóng của bếp, luôn tay xào nấu thơm lừng để chuẩn bị cho phần vui nhất: Liên hoan cháo lòng, tiết canh - bữa tiệc giống như khúc dạo đầu cho Tết với sự tham dự của tất cả thành viên các gia đình đụng lợn.
Phần lợn đụng mỗi nhà sẽ có giò lụa, giò thủ, thịt ba chỉ gói bánh chưng, các phần thịt khác, xương để nấu canh, một ít mỡ lợn để xào rán.
Gói bánh chưng
Có thịt rồi, các gia đình bắt tay vào gói bánh chưng. Nào ngâm gạo nếp, đãi đỗ, ướp thịt, rửa lá... sau đó là công đoạn gói bánh và luộc bánh chưng.
Ngày gói bánh chưng là một ngày hội gia đình đậm hương vị Tết nhất mà những người xa quê luôn khắc khoải nhớ về. Tất cả mọi người trong gia đình, kể cả những em bé cũng muốn được tự tay gói cho mình một chiếc bánh chưng nhỏ xíu.
[Podcast] Những phong tục lâu đời của người Việt trong dịp Tết
Vui nhất là lúc luộc bánh chưng và chờ bánh chín. Mọi người quân quần bên nồi bánh chưng, chuyện trò rôm rả. Ngoài trời đêm sương lạnh giá, bếp lửa ấm sực, ngọn lửa rực rỡ uốn lượn quanh đáy nồi bánh chưng, hắt ánh hồng lên má trẻ thơ, lấp lánh trong mắt những người lớn đang bâng khuâng hoài niệm về một năm đã qua và những rạo rực hy vọng cho Năm mới.
Ngọn lửa cứ tí tách reo vui. Chung quanh bếp luộc bánh chưng bao giờ cũng có vài ba nồi đun ké, là nồi luộc măng hoặc là nồi nước lá mùi già để tắm gội.
Không có một mùi hương nào gợi Tết nồng nàn bằng mùi hương của nước đun lá mùi già. Thứ nước thơm trong nghi thức tắm tất niên, thanh tẩy tinh thần, xua tan những điều xui xẻo, không vui trong năm cũ để thật tinh khôi, thơm tho và sáng láng đón chào một Năm mới tốt đẹp hơn.
Hương thơm sực nức của nước lá mùi già có thể loang rất xa trong không gian, phảng phất trong cái rét ngọt, len vào khứu giác, gợi nên sự yên bình và thân thương và ấm cúng.
Trong hơi thở của đất trời, nàng Xuân đã về tự bao giờ. Xuân trong lòng người, trong cái không khí đoàn viên, sum họp đầm ấm và rất đỗi bình yên này.
Những bữa cỗ Tết ấm tình đoàn viên
Tết là nhà nào cũng ăn cỗ bởi có rất nhiều lễ làm cơm cúng trong dịp Tết. Bắt đầu là ngày 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo lên chầu trời. Tiếp đó là cúng tất niên vào trưa, hoặc chiều ngày cuối năm, thường là ngày 30 Tết. Các gia đình sẽ làm một mâm cơm cúng để mời gia tiên, ông bà về ăn Tết với con cháu.
Vào khoảnh khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới là lễ cúng Giao thừa, còn được gọi là cúng trừ tịch hay “tống cựu nghinh tân,” có ý nghĩa bỏ hết những điều xấu của năm cũ, đón chào những điều tốt đẹp của Năm mới sắp đến.
Sáng mùng 1 Tết là lễ cúng Nguyên đán chào đón Năm mới, chiều tối cúng Tịch điện. Mùng 2 Tết cúng buổi sáng là Chiêu Điện, buổi chiều tối là Tịch Điện. Gia đình sẽ làm cơm cúng hai buổi Chiêu Điện và Tịch Điện như vậy cho đến ngày hóa vàng vì đây là cơm cúng mời tổ tiên ăn tết với con cháu.
Ông bà xưa quan niệm ăn Tết 3 ngày, nên ngày mùng 3 thường là ngày cuối cùng của Tết. Vào ngày này sẽ làm lễ cúng hóa vàng để tiễn ông bà tổ tiên, đồng thời đón thần tài, thần lộc.
Cỗ Tết mỗi vùng sẽ có những đặc trưng khác nhau. Ở miền Bắc, mâm cỗ Tết cổ truyền phổ biến sẽ có bánh chưng, xôi gấc, thịt đông, dưa hành, canh măng chân giò, miến nấu, canh bóng bì, nem rán, giò lụa, giò thủ, thịt gà luộc, các món xào, nộm su hào cà rốt… và nhiều món khác nữa.
Tuy nhiên, thực ra “ăn” chỉ là một phần nhỏ làm nên Tết. Bao trùm trên hết là tinh thần, là ý nghĩa nhân văn của những phong tục cổ truyền gắn kết các thành viên trong gia đình, kết nối các thế hệ bao đời nay.
Tiếng pháo Tết nổ giòn tan, khói pháo thơm vấn vít trong cơn mưa bụi lây phây. Hương trầm thoang thoảng, mùi thức ăn thơm lừng tỏa ra từ những ô cửa ấm áp ánh đèn vàng. Màu hồng của hoa đào, vàng tươi của quất, các sắc màu rực rỡ của lọ hoa thược dược-violet.
Tiếng cười nói, chúc Tết râm ran, từ nhà ai đó vẳng ra giai điệu thánh thót “Mùa Xuân nho nhỏ” của nhạc sỹ Trần Hoàn… Đó là bức tranh sống động về Tết xưa với đủ các màu sắc, mùi vị, âm thanh… ngập tràn sự ấm áp, yên bình và hạnh phúc.
Ngày nay, ăn Tết đã phần nào khác xưa, song ý nghĩa thiêng liêng về sự đoàn tụ, sum vầy bên gia đình vẫn luôn là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của Tết Nguyên đán./.