Trang mạng washingtonpost có bài phân tích dự đoán về tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, nội dung chính như sau:
Ngay trước khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên vào năm 2017, các nhà khoa học nước này đã gắn động cơ tên lửa mới nhất vào bệ phóng thử để xem nó hoạt động như thế nào.
Động cơ nhiên liệu lỏng đã đốt cháy thành công trong 200 giây và tạo ra lực đẩy đủ mạnh để phóng một đầu đạn đi nửa vòng Trái Đất.
Hai năm sau, vào ngày 13/12/2019, một động cơ tên lửa mới đã vụt sáng trên cùng một vị trí thử nghiệm trong khi các nhà khoa học dõi theo.
Lần này, nó kéo dài 400 giây (gần 7 phút), theo một tuyên bố chính thức.
[Báo Triều Tiên kêu gọi chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ]
Đối với các nhà phân tích, những người theo dõi chặt chẽ các vụ thử, kết quả này vừa đáng kinh ngạc vừa khó hiểu.
Vụ thử ICBM cuối cùng của Triều Tiên đã đủ mạnh để bay đến bờ biển phía Đông của nước Mỹ.
Đây có phải là động cơ đẩy mới cho cùng một ICBM? Hay một thứ gì khác? Không ai biết, nhưng các chuyên gia cho rằng thế giới có thể sẽ sớm tìm ra.
Một quan chức Mỹ giấu tên đánh giá về năng lực của Triều Tiên: “7 phút là một thời gian dài."
Các camera vệ tinh trong những tuần gần đây đã phát hiện công tác chuẩn bị tại một số địa điểm mà Triều Tiên lắp ráp hoặc từng thử tên lửa trong quá khứ.
Những hoạt động gia tăng gần đây dường như là để xác nhận một điều mà các cơ quan tình báo Mỹ nghi ngờ từ lâu: bất chấp lệnh cấm tự áp đặt thử lên lửa trong hai năm qua, Triều Tiên chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực chế tạo những vũ khí mới, mạnh nhất.
Theo các quan chức Mỹ và Đông Á, các nhà khoa học Triều Tiên dường như đã sử dụng thời gian “tạm lắng” để âm thầm cải thiện và mở rộng kho vũ khí của mình.
Theo các nhà phân tích Mỹ, hai vụ thử động cơ phóng tại bãi Sohae cho thấy nhiều tháng nay Triều Tiên tiếp tục làm việc để phát triển kho vũ khí tên lửa nhiên liệu lỏng, bao gồm cả hai vụ thử tên lửa ICBM (Hwasong-14 và Hwasong-15), có khả năng tấn công nước Mỹ.
Nhưng các nhà khoa học Triều Tiên cũng đã chứng minh sự tiến bộ trên các loại tên lửa khác.
Trong những tháng kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Việt Nam, Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử tên lửa tầm ngắn và tầm trung mới, tất cả đều có lực đẩy nhiên liệu rắn.
Những tên lửa nhiên liệu rắn có tính cơ động cao và dễ dàng ẩn nấp hơn so với các tên lửa cùng loại sử dụng nhiên liệu lỏng.
Một trong những bổ sung mới cho kho vũ khí của Triều Tiên là tên lửa tầm ngắn KN-23, có khả năng cơ động cao, bay tầm thấp và rất khó bị đánh chặn.
Một loại khác, tên lửa tầm trung Pukguksong-3, có thể được phóng từ tàu ngầm.
Jeffrey Lewis - một chuyên gia vũ khí và là giáo sư Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury tại Monterey, bang California - nói: “Không ai nghĩ họ đã phát triển tất cả những hệ thống này chỉ trong vài tháng. Các bức ảnh vệ tinh và các vụ thử - nhiều trong số đó được thông báo công khai và có hình ảnh - đã cho thấy các cơ sở hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn đang hoạt động trong thời gian họ tự đưa ra lệnh cấm thử tên lửa tầm xa. Họ đã tăng cường khả năng theo thời gian và họ chọn cách tiết lộ chúng khi nó hấp dẫn về mặt chính trị.”
Giới chuyên gia phân tích việc chứng minh bất kỳ công nghệ nào trong số này sẽ là một phần thể hiện sự thất vọng đối với các cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ và để hối thúc chính quyền Tổng thống Trump đưa ra những nhượng bộ mới trên bàn đàm phán.
Nhưng ẩn ý đằng sau bất kỳ vụ phóng tên lửa mới nào sẽ là một thông điệp lớn hơn nhằm vào chính người Mỹ.
Robert Litwak - Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Trung tâm các học giả quốc tế Woodrow Wilson - nói: “Đây sẽ là cách làm lộ khả năng dễ bị tổn thương của chúng ta - Triều Tiên cho thấy họ có thể tiếp cận chúng ta.”
Thông điệp, được đưa ra dưới hình thức các vụ thử ICBM, đã đẩy Mỹ và Triều Tiên đến bờ vực khủng hoảng vào năm 2017. Litwak lo ngại rằng một đợt thử tên lửa mới - hay một món quà bất ngờ trong lễ Giáng sinh - có thể là sự khởi đầu của một chu kỳ leo thang mới với hậu quả khó lường. Ông nói: “Chúng ta phản ứng không tốt với sự tổn thương này.”
Một chuỗi gợi ý
Các nhà ngoại giao Đông Á và một số nhà phân tích phương Tây nghĩ rằng Kim Jong-un sẽ lựa chọn một thứ gì đó ít kịch tính hơn là một vụ phóng ICBM hay vụ thử vũ khí hạt nhân, để tránh phá hủy hoàn toàn đàm phán Mỹ-Triều và có thể gây tổn hại quan hệ với Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong bất kỳ trường hợp nào, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như có nhiều lựa chọn và trong những tháng gần đây, ông ta đã để lại một chuỗi những gợi ý đầy khiêu khích.
Kể từ mùa Thu năm nay, trong bối cảnh các cuộc đàm phán ngưng trệ với chính quyền Tổng thống Trump, các vệ tinh của Mỹ đã theo dõi công việc đang diễn ra tại hai xưởng đóng tàu hải quân, nơi Triều Tiên có những chiếc sà lan đặc biệt được sử dụng để thử nghiệm các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBMs).
Từ đầu tháng 12, đã có một sự gia tăng đột biến trong hoạt động xung quanh một sà lan thử nghiệm tại xưởng đóng tàu Nampo gần Bình Nhưỡng.
Điều này cho thấy rằng Triều Tiên có thể chuẩn bị thử tên lửa mà có thể được phóng trên biển.
Việc thử SLBM được công bố lần cuối cùng đã diễn ra chỉ ba tháng trước khi Triều Tiên cho ra mắt Pukguksong-3.
Được phóng từ một sà lan chìm, tên lửa này bay hình vòng cung 600 dặm trên Trái Đất trước khi rơi xuống biển.
Nếu bay trong một quỹ đạo bình thường, nó sẽ bay qua các hòn đảo phía Bắc Nhật Bản và quãng đường lên đến 1.200 dặm, khiến nó trở thành tên lửa nhiên liệu rắn mạnh nhất mà Triều Tiên từng chế tạo cho đến nay.
Vụ thử này cho thấy sự tiến bộ đáng kể với một loại tên lửa mà giới chuyên gia quân sự coi là đặc biệt đáng lo ngại. Các tên lửa nhiên liệu lỏng của Triều Tiên chẳng hạn như Hwasong-15 thường phải được tiếp đầy nhiên liệu trước khi phóng, vì thế chúng dễ bị các vệ tinh hoặc máy bay do thám phát hiện.
Nhưng các tên lửa nhiên liệu rắn có thể được giấu trong hầm hoặc container và phóng đi với rất ít cảnh báo.
Tên lửa nhiên liệu rắn Pukguksong-3 được thiết kế để phóng từ tàu ngầm, theo định nghĩa, còn khó phát hiện hơn.
Victor Cha - cựu cố vấn về Triều Tiên dưới thời George W. Bush và hiện là cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington - nói: “Rõ ràng, họ đang nhanh chóng hướng đến một khả năng răn đe với những động cơ đẩy rắn, SLBMs và tàu ngầm.”
Triều Tiên có một hạm đội tàu ngầm lớp Romeo thời Liên Xô khiêm tốn, một số trong đó đang được thiết kế lại để mang SLBMs.
Bình Nhưỡng cũng đang phát triển một dòng tàu ngầm lớp Sinpo có khả năng mang tên lửa với tầm bắn lên tới 1.500 hải lý.
Một số chuyên gia về Triều Tiên cho rằng món quà Giáng sinh của Kim Jong-un có thể là việc cho ra mắt một tàu ngầm có thể phóng tên lửa trên biển mà không phát đi cảnh báo.
SLBMs được những tàu ngầm này mang theo cũng đã trải qua một quá trình nâng cấp.
Một báo cáo mới về Pukguksong-3 cho thấy động cơ đẩy nhiên liệu rắn của tên lửa này là lớn và có khả năng hơn so với nhiều chuyên gia dự đoán trước đó.
Lewis đã phân tích, nghiên cứu những hình ảnh của Triều Tiên để đánh giá chính xác hơn kích thước của SLBM mới cũng như một phiên bản được phóng trên mặt đất trước đó của cùng loại tên lửa này.
Đường kính được đánh giá là rộng hơn khoảng 13% so với các chuyên gia nghĩ trước đây, một dấu hiệu cho thấy các kỹ sư Triều Tiên có thể đã vượt qua một rào cản kỹ thuật quan trọng giới hạn kích thước của tên lửa nhiên liệu rắn.
Nhà phân tích này nói: “Nếu vậy, toàn bộ chương trình này có thể 'đang ở giai đoạn tiên tiến hơn' chúng ta nhận thấy. Chúng tôi tin rằng Triều Tiên có thể thực hiện vụ phóng thử đầu tiên của một tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc tầm trung bằng cách sử dụng nhiên liệu rắn vào một thời điểm nào đó trong năm 2020. Nhưng chúng ta không thể dự đoán liệu vụ thử sẽ thành công hay không."
Một ẩn số lớn
Hai vụ thử động cơ tên lửa tại bãi Sohae - một cơ sở mà Kim cam kết dỡ bỏ - đã làm dấy lên nghi ngờ rằng Triều Tiên đang chuẩn bị công bố một tên lửa đa tầng mạnh hơn để phóng vệ tinh vào không gian.
Nghiên cứu thời gian đốt cháy bất thường kéo dài 7 phút trong vụ thử hôm 13/12, các chuyên gia khác đã đưa ra giả thuyết rằng Bình Nhưỡng đang phát triển một phương tiện hiện đại có thể mang một trong những ICBMs mới.
Theo các chuyên gia, để bắn được tới Mỹ, tên lửa được lắp đặt đầu đạn hạt nhân này sẽ phải chịu được sức nóng khủng khiếp khi chúng xuyên qua bầu khí quyển thượng tầng.
Có lẽ, Triều Tiên đang sử dụng một động cơ tên lửa phát thải khí đốt để nghiên cứu các điều kiện mang đầu đạn.
Vann Van Diepen - một quan chức chống phổ biến vũ khí hạt nhân hàng đầu dưới thời chính quyền Bush và Obama - cho rằng Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng có thể chứng minh khả năng sử dụng “mồi nhử” để đánh lừa các hệ thống chống tên lửa đắt tiền do Mỹ chế tạo để đánh chặn các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Mồi nhử, được gọi là “các thiết bị hỗ trợ xâm nhập”, có thể bao gồm những quả kinh khí cầu hoặc đám mây bằng kinh loại mà có thể gây nhiễu cho các rađa trên đất liền.
Van Diepen viết trong một bài bình luận được đăng trên 38 North, một trang mạng diễn đàn cho các nhà phân tích về Triều Tiên: “Chế độ Kim chưa từng cho thấy có những thiết bị như vậy, nhưng nó phù hợp với triết lý phát triển tên lửa của Triều Tiên trong lịch sử để triển khai những thiết bị hỗ trợ cho các tên lửa tầm xa của họ”./.