Các ấn phẩm tiếng nước ngoài của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) không chỉ được bạn bè quốc tế ở Việt Nam biết đến mà còn là một kênh thông tin hữu ích, hấp dẫn đối với người nước ngoài ở khắp năm châu, để hiểu biết về một đất nước Việt Nam của quá khứ, hiện tại và tương lai.
Không chỉ vậy, có những ấn phẩm của TTXVN đã trở thành cầu nối cho những tình cảm chân thành của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.
Hằng tuần, ông Jean-Pierre De Rouck cùng vợ, bà Elisabeth Gijbels, sống tại Bỉ lại có niềm vui nho nhỏ là nhận được tờ báo tuần tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam, một sản phẩm của TTXVN. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong gia đình ông bà trong hơn 5 năm qua.
Cách đây hơn 5 năm, tình cờ tìm kiếm thông tin trên mạng Internet, ông phát hiện ra có tờ báo của Việt Nam được phát hành bằng tiếng Pháp, thế là ông tìm đến tận cơ quan thường trú TTXVN tại Brussels (Bỉ) để đặt báo.
Chuyện trò với phóng viên TTXVN, ông De Rouck tâm sự nhờ tờ báo này, ông được gần hơn những con người Việt Nam mà ông đặc biệt có tình cảm, được dõi theo nhịp thở cuộc sống của một đất nước ở cách xa hàng nghìn dặm, nhưng ông luôn cảm thấy rất đỗi gần gũi.
Ông đánh giá có những bài báo rất thú vị và thông qua tờ báo, ông đã tìm thêm những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ, ngoài chương trình của hội từ thiện giúp đỡ Việt Nam mang tên "Những đứa trẻ Kon Tum" (Les petits bouts de Kontum) do vợ chồng ông sáng lập.
[75 năm TTXVN: Chuyện về những chiến sỹ lái xe Thông tấn]
Báo Le Courrier du Vietnam cũng đã đăng một số bài viết về tấm lòng từ thiện của ông De Rouck và các hoạt động của Hội Les petits bouts de Kontum. Các bài báo được đăng tải đã giúp bạn bè của ông, những nhà tài trợ hảo tâm hiểu hơn về các hoạt động của hội, tin tưởng và ủng hộ ông nhiều hơn trong công tác từ thiện.
Năm 2002, lần đầu tiên ông De Rouck đến du lịch Việt Nam. Cảm mến đất nước và mong muốn giúp cho những trẻ em có cuộc sống còn nhiều khó khăn ở vùng dân tộc thiểu số, năm 2005 ông đã thành lập Hội từ thiện Les petits bouts de Kontum.
Từ đó đến nay, trong 18 năm, ông đã quay trở lại đất nước hình chữ S tới 24 lần. Mỗi lần về Việt Nam ông thường lưu lại vài tháng ở vùng đất Kon Tum, sống cùng người dân để giúp xây giếng, xây nhà vệ sinh, xây dựng lớp học, nhà trẻ, sân bóng, mở trung tâm y tế.
Cùng với đó, ông muốn gieo vào trẻ em nơi đây lòng yêu thể thao, khám phá thiên nhiên, với việc tổ chức các giải thi đấu thể thao, tổ chức các buổi đi khám phá quanh vùng bằng xe đạp.
Ông cũng đang ấp ủ dự định mở lớp hướng dẫn lắp đặt và sử dụng các thiết bị điện cho người dân địa phương. Các hoạt động từ thiện của ông rất thực tế, nhẹ nhàng mà rất hiệu quả và hữu ích cho người dân nghèo nơi đây, đặc biệt là trẻ em.
Đau đáu nỗi niềm cần phải giúp đỡ các trẻ nhỏ tại Kon Tum, ông De Rouck đã bền bỉ quyên góp tiền tại Bỉ để thực hiện các hoạt động từ thiện. Hằng quý, ông đều đặn gửi thư kêu gọi tài trợ đến khoảng 1.000 địa chỉ bạn bè người quen tại Bỉ.
Cùng với đó, ông cũng đã tổ chức nhiều chương trình triển lãm nhỏ giới thiệu về đất nước Việt Nam, các buổi gặp gỡ, bán hàng tại các sự kiện ở địa phương để quyên góp tiền làm từ thiện và thu hút thêm nhà tài trợ.
Đặc biệt, với chiếc xích lô được kỳ công mang từ Việt Nam sang, ông đã cùng bạn bè đi vòng quanh nhiều vùng tại Bỉ để giới thiệu hoạt động từ thiện của Hội Les petits bouts de Kontum.
Với kinh nghiệm là một người tổ chức sự kiện xã hội, vợ ông, bà Elisabeth Gijbels, là một cộng sự đắc lực cho chương trình của hội và cũng là một độc giả trung thành của tuần báo tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam.
Bà bộc bạch rằng hai ông bà rất thích tờ báo bởi nội dung đa dạng, thông tin bổ ích và hình thức bắt mắt. Qua báo Le Courrier du Vietnam, ông bà cập nhật được rất nhiều thông tin, từ những tin tức thời sự chính trị nổi bật tới tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng như văn hóa diễn ra tại Việt Nam.
Ông bà cũng đánh giá cao tờ báo bởi cỡ chữ to rõ lại được in trên giấy bóng đẹp, nên dù tuổi đã cao nhưng không cần phải đeo kính cũng vẫn đọc được dễ dàng.
Không thể thiếu món ăn tinh thần đã rất quen thuộc, khi đại dịch COVID-19 hoành hành hồi đầu năm, vận chuyển bưu điện giữa Bỉ và Việt Nam bị gián đoạn một thời gian, ông De Rouck cũng gọi điện thoại băn khoăn về việc không nhận được báo và rất vui khi được biết là khi nào nối lại bưu điện hai nước thì ông sẽ nhận được toàn bộ các số báo chưa được gửi đi.
Ông giữ toàn bộ các số báo Le Courrier du Vietnam mà ông đã từng đặt, hiện được lưu trữ trong 10 tập kẹp file, với một sự trân trọng thật đáng quý. Tiễn phóng viên ra đến cửa, ông vẫn nhắn nhủ sang năm tới trong chương trình làm việc ở Việt Nam, ông sẽ đến thăm tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam, một địa chỉ mà ông đã đánh dấu.
Còn tại Pháp, đối với tất cả những người bạn của Việt Nam và những người quan tâm đến Việt Nam, TTXVN, thông qua Le Courrier du Vietnam, là tài liệu tham khảo và là nguồn thông tin phong phú và vô tận về mọi lĩnh vực của đời sống ở Việt Nam, thậm chí cả các vấn đề quốc tế.
Ông Jean-Pierre Archambault, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp-Việt, Tổng Biên tập tạp chí uy tín Perspectives France-Vietnam (Triển vọng Pháp-Việt), cho rằng TTXVN là nguồn tin cần thiết và đáng tin cậy, để độc giả có thể biết về những gì đã xảy ra hoặc những sự kiện sắp xảy ra.
Trên những trang báo Le Courrier du Vietnam có nhiều nội dung chi tiết, từ quan hệ hợp tác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến việc xử lý hiệu quả đại dịch COVID-19 của Việt Nam, từ đời sống kinh tế và xã hội, giáo dục, đến hoạt động của Cộng đồng nói tiếng Pháp, từ việc xuất khẩu rau quả đến việc mở cửa lại các đường bay quốc tế.
Ông Jean-Pierre Archambault bày tỏ ấn tượng rằng độc giả tại Pháp thậm chí có thể đọc trên báo Le Courrier du Vietnam thông tin về "Ngày Việt Nam," một sáng kiến được chi nhánh vùng Eure-et-Loir của Hội Hữu nghị Pháp-Việt tổ chức. Điều đó góp phần quảng bá hình ảnh của Hội Hữu nghị Pháp-Việt, tổ chức ra đời từ năm 1961 và hiện đặc biệt chú trọng tới các sáng kiến để nâng cao hiểu biết về Việt Nam tại Pháp và các sáng kiến phát triển quan hệ giữa Pháp và Việt Nam.
Với tư cách là Tổng Biên tập tạp chí Perspectives France-Vietnam, ông Jean-Pierre Archambault cũng rất coi trọng quan hệ hợp tác trao đổi thông tin với TTXVN, nhắc lại việc tòa soạn tạp chí của ông đã được Cơ quan đại diện TTXVN tại Pháp hỗ trợ tìm những hình ảnh tư liệu về Việt Nam.
Với tình cảm quý mến, ông đã dành thời gian nghiên cứu rất kỹ về những đóng góp lịch sử của Việt Nam trong thế kỷ 20, về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến thắng đế quốc Mỹ năm 1975, cũng như sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam và sự hội nhập thành công vào cộng đồng quốc tế.
Bản thân ông đã hai lần trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Lần đầu tiên vào năm 2018, nhân dịp Quốc khánh Việt Nam, với nội dung tập trung vào hành trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài, sự tham gia của Người vào việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tours năm 1920.
Cuộc phỏng vấn thứ hai diễn ra vào năm nay nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khi đề cập tới Hội Hữu nghị Pháp-Việt, ông Archambault nói rằng hội đã trở thành cầu nối giữa nhân dân hai nước.
Còn khi nói về quan hệ hợp tác giữa TTXVN và tạp chí Perspectives France-Vietnam, vị tổng biên tập người Pháp nhấn mạnh “đó là mối quan hệ được đánh dấu bằng tình hữu nghị”./.