An ninh, nỗi lo lớn nhất cho chuyến thăm châu Á của Giáo hoàng

Hàng chục nghìn nhân viên an ninh đã và đang được huy động để phục vụ đảm bảo bảo an toàn cho chuyên thăm hai nước châu Á là Sri Lanka và Philippines, bắt đầu từ 13/1.
An ninh, nỗi lo lớn nhất cho chuyến thăm châu Á của Giáo hoàng ảnh 1Giáo hoàng Francis I vẫy chào các tín đồ và người hâm mộ trong một chuyến thăm. (Nguồn: asiabizz.com)

Hàng triệu người sẵn sàng đổ ra đường chỉ để tận mắt nhìn thấy Giáo hoàng nhưng cũng vì thế mà chuyến đi sang Sri Lanka và sau đó là Philippines, quốc gia đông người Công giáo nhất châu Á, bắt đầu từ 13/1, đã đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến công tác an ninh.

Công tác an ninh cho các chuyến thăm Giáo hoàng luôn là một vấn đề hệ trọng và trong chuyến thăm châu Á sắp tới, vấn đề này càng được quan tâm đặc biệt trong bối cảnh vừa xảy ra vụ tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris và tình báo Mỹ cảnh báo Vatican là mục tiêu tấn công tiếp theo của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Chuyến thăm châu Á lần thứ hai của Giáo hoàng Francis I diễn ra 5 tháng sau chuyến đi đến Hàn Quốc vào tháng 8/2014, với điểm đến đầu tiên là thủ đô Colombo của Sri Lanka vào hôm 13/1.

25.000 cảnh sát đã được huy động và an ninh được đặt trong tình trạng báo động trong ba ngày Đức Thánh Cha ở thăm nước này.

Các nhà phân tích chính trị không loại trừ khả năng sẽ có bạo lực xảy ra trong những ngày này ở Sri Lanka, sau khi Tổng thống Mahinda Rajapaksa thất bại trong cuộc tổng tuyển cử vào thứ năm tuần trước.

Trong những năm qua, cộng đồng Phật giáo, vốn chiếm đa số ở Sri Lanka, đã luôn sử dụng bạo lực để đối xử với thiểu số người Hồi giáo ở nước này. Mặc dù cộng đồng Công giáo, chiếm 7% dân số, không dính dáng gì đến những mâu thuẫn này, nhưng nguy cơ đối với họ không hề nhỏ.

Theo nhật báo Italy, La Repubblica, cộng đồng này bị kẹp giữa mối bất hòa giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo, và những xung đột có thể bùng phát trong chuyến thăm của Giáo hoàng, nếu lực lượng đối lập tận dụng được điều này.

Trong chuyến thăm Sri Lanka, Giáo hoàng sẽ có buổi làm lễ bên bờ biển, dự kiến thu hút một triệu người tham gia. Các chuyên gia an ninh cho rằng, nguy cơ bất ổn có thể xảy ra trong những buổi lễ có đông người tham gia như thế này.

Tuy nhiên, theo báo chí Italy, nguy cơ an ninh sẽ đến chủ yếu trong thời gian 5 ngày mà Giáo hoàng thăm Philippines, đất nước có 80% trong dân số 100 triệu người theo Công giáo. Tổng thống Benigno Aquino đã ban bố lệnh báo động tối đa và bố trí 25.000 cảnh sát, 7.000 lính chính quy và 6.000 lính dự bị để đảm bảo an toàn cho Giáo hoàng.

Chính phủ đã quyết định hoãn 160 chuyến bay trong thời gian đó trên bầu trời Manila. An ninh đường không cũng được tăng cường khi Giáo hoàng sẽ có chuyến thăm Tacloban, nơi bị tàn phá nặng nề bởi bão Hải Yến, khiến 6.200 người thiệt mạng, hơn 30.000 người bị thương và nửa triệu người mất nhà cửa.

Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ an ninh lớn nhất là buổi làm lễ của Giáo hoàng ở công viên Rizal, Manila, trước sự có mặt của dự kiến khoảng 6 triệu người và do đó sẽ trở thành một buổi lễ thu hút nhiều tín đồ Công giáo nhất mọi thời đại.

Sự hâm mộ của các giáo dân Philippines đối với Giáo hoàng, cũng như việc ngài khước từ việc sẽ di chuyển trong biển người ấy bằng xe chống đạn để được gần gũi với các tín hữu càng làm cho việc bảo vệ ngài trở nên phức tạp hơn.

Khu vực làm lễ sẽ được bảo vệ bởi khoảng 100 tay súng bắn tỉa trên các nóc nhà, trong khi một số khu phố trung tâm của Manila đã được xây các barrier bằng bêtông để đề phòng đám đông xô đẩy.

Nỗi lo ngại là có cơ sở, bởi những chuyến thăm Philippines trước của các Giáo hoàng đã có khá nhiều sự cố. Năm 1970, Giáo hoàng Paul VI thoát một vụ đâm bằng dao găm một cách thần kì ở sân bay Manila, trong khi vào năm 1995, các phương án an ninh bảo vệ Giáo hoàng John Paul II bị trục trặc bởi những rắc rối không ai lường trước được.

Các chuyên gia cũng quan ngại rằng, chuyến thăm của Giáo hoàng có thể tạo "cảm hứng" cho những nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động ở miền Nam Philippines.

Cho đến nay, Vatican chưa nhận được bất cứ lời đe dọa khủng bố nào từ các nhóm đấu tranh đòi độc lập cho phần lãnh thổ của họ. Dù chính phủ Manila đã ký được thỏa thuận ngừng bắn với Abu Sayyaf, nhóm phiến quân Hồi giáo lớn nhất nước này, nhưng người ta vẫn lo ngại khả năng một số phần tử của nhóm này đã theo IS sẽ trở về từ Iraq và Syria để gây nguy hiểm cho tính mạng của Giáo hoàng.

Theo dự kiến, Giáo hoàng sẽ kết thúc chuyến thăm Philippines của mình vào ngày 19/1 tới và trở về Vatican./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục