An ninh kinh tế trong kết nối EU-châu Á hậu COVID-19

Ủy ban châu Âu lưu ý một cách thận trọng việc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ, thực phẩm, cơ cấu hạ tầng, an ninh và các lĩnh vực chiến lược khác là rất quan trọng đối với an ninh kinh tế.
An ninh kinh tế trong kết nối EU-châu Á hậu COVID-19 ảnh 1Công nhân sản xuất khẩu trang tại một nhà máy ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm lộ rõ những lỗ hổng của một nền kinh tế toàn cầu hóa.

Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng châu Âu, quá trình cung cấp các thiết bị y tế cần thiết đã không được đảm bảo. Điều này khiến nhiều chính phủ trên toàn cầu vội vã hạn chế xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế vì lo ngại thiếu hụt.

Hậu quả là khả năng đáp ứng nhu cầu an ninh y tế tức thời của các chính phủ đã bị hạn chế nghiêm trọng.

Dưới đây là bài phân tích của Viện nghiên cứu hoàng gia Egmont của Bỉ.

Cơ chế phụ thuộc lẫn nhau: Nền tảng của toàn cầu hóa?

Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu cơ chế phụ thuộc dễ bị tổn thương kể trên có phải nền tảng của toàn cầu hóa hay không, bởi vì trong một nền kinh tế toàn cầu được kết nối chặt chẽ, sự phụ thuộc có thể khiến các quốc gia đối mặt với những tổn thương ghê gớm trong thời kỳ khủng hoảng.

Liên quan đến vấn đề này, nhà kinh tế học người Đức Max Sering đã viết vào năm 1900 rằng người ta đã sai lầm khi nhận định trong quan hệ giao thoa kinh tế của các quốc gia, sự phụ thuộc luôn mang tính tương hỗ.

Sự thật là giữa các nền kinh tế khác nhau thường tồn tại mối quan hệ bóc lột và bị bóc lột. COVID-19 đã kích thích sự giận dữ trước tình trạng mất tự chủ của các quốc gia.

[WTO: 80 quốc gia, vùng lãnh thổ hạn chế xuất khẩu hàng chống COVID-19]

Mặc dù là vấn đề rất lớn, đại dịch COVID-19 không phải cuộc khủng hoảng duy nhất mà nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau phải đối mặt. Yếu tố địa chính trị đã khiến hoạt động của nền kinh tế toàn cầu không được trơn tru.

Như nhà kinh tế học Max Sering và các đồng nghiệp của ông đã cảnh báo từ hơn một thế kỷ trước, các thế lực có thể vũ khí hóa sự phụ thuộc nếu họ nhận được lợi ích chính trị từ việc này.

Hình thức lâu đời này một lần nữa trở nên thịnh hành thông qua việc tiếp cận tài chính, dòng vốn đầu tư, xuất khẩu công nghệ, đầu vào hóa học hay xuất khẩu thuốc chữa bệnh khi đại dịch xảy ra.

Các cường quốc tận dụng mọi yếu tố và mạng lưới thương mại chiến lược đã trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương.

Các quy tắc quốc tế, đã từng thành công trong việc kiềm chế tiến trình chính trị trong những thập kỷ qua, đang dần bị vô hiệu hóa. Sự sống còn của ổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn dựa vào tinh thần thỏa hiệp đa phương mới trên tất cả các chức năng, đang dần trở nên vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, tất cả những điều này không đồng nghĩa với kịch bản chung tồi tệ của tiến trình toàn cầu hóa. Về tổng thể, sự phụ thuộc lẫn nhau toàn cầu liên quan đến kinh tế vẫn tồn tại.

Ngày nay, câu hỏi đặt ra cho các chính phủ là sự cân bằng nằm ở đâu khi họ phải đối diện với một mặt là các lợi ích kinh tế to lớn do hội nhập đem lại, mặt khác là khả năng thích ứng cần thiết mà họ trông đợi từ các mạng lưới này để đảm bảo một phần về an ninh quốc gia, kinh tế, y tế cũng như một số lĩnh vực khác nằm trong vòng kiểm tỏa quốc gia.

Nếu thiếu khả năng thích ứng để có thể đảm bảo một mức độ kiểm soát và sự chắc chắn, các chính phủ sẽ buộc phải dành ưu tiên cho các vấn đề trong nước. Đây sẽ là một sự tiến triển đáng tiếc.

Tuy nhiên, nếu sự chuyển đổi của toàn cầu hóa là điều không thể tránh khỏi, cũng không nhất thiết con đường này phải trải qua sự trói buộc và kết thúc bằng chủ nghĩa dân tộc thụt lùi.

An ninh kinh tế xét lại

Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo vệ sức khỏe người dân có thể là lý do rõ ràng hơn để các quốc gia can thiệp vào thị trường toàn cầu. Trong đó, bảo vệ sự bền vững và các mục tiêu khí hậu đã thu hút được ủng hộ của dư luận, đặc biệt là ở châu Âu.

Hành động của Nhà nước, ví dụ với các công cụ can thiệp được đề xuất như một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, đang có động lực phát triển (mặc dù còn tranh cãi).

Tuy nhiên, vấn đề trở nên phức tạp hơn với các rủi ro khác, chẳng hạn như những thách thức do công nghệ mới nổi đặt ra.

Trí thông minh nhân tạo và dữ liệu đầu vào không đơn thuần là một cơ hội về kinh tế mà còn có thể trở thành nguy cơ gây mất an toàn trong cạnh tranh về an ninh và tương lai xã hội.

Đây chỉ là một ví dụ trong một danh sách các công nghệ chiến lược mà các cường quốc chưa thật sự sẵn sàng tiếp xúc, với những lo ngại về rủi ro tiềm tàng đến từ những mạng lưới toàn cầu, hoặc các chính phủ khác.

Cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang neo trong thực tế này.

Sự phụ thuộc lẫn nhau là một cuộc đấu tranh quyền lực, không phải chỉ là một xã hội tương trợ. Khi chúng ta giảm thiểu cuộc đấu tranh đó thông qua quản trị toàn cầu dựa trên các quy tắc, như chúng ta đã thực hiện khá thành công trong những thập kỷ qua (và đã khá xuất sắc trong vấn đề hội nhập châu Âu), điều hiển nhiên là kết quả tích cực là có thể.

Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu đang ngày càng tăng đối với các quy tắc toàn cầu để quản lý một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, nhưng các quy tắc này cũng không theo kịp những biến chuyển đang diễn ra hàng ngày.

Từ lĩnh vực kỹ thuật số đến công nghệ, thương mại, đầu tư, cạnh tranh hay quản lý khí hậu, quyền lực đang được phân chia giữa nhiều chủ thể hơn bao giờ hết, dù là Nhà nước hay phi Nhà nước.

Các chính phủ can thiệp vào mạng lưới kinh tế chủ yếu để định hình lại chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào một số nhà cung cấp duy nhất để tìm kiếm an ninh kinh tế, ngay cả khi điều đó có thể phải trả giá. Đây là một hiện tượng toàn cầu.

Tại Nhật Bản, chính phủ đã cấp một khoản trợ cấp trị giá 2 tỷ USD cho các doanh nghiệp để dịch chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc trở về Nhật Bản hoặc sang Đông Nam Á, trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng tăng trước các rủi ro địa chính trị trong chuỗi cung ứng.

Trung Quốc đã nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Kế hoạch "Made in China 2025" được thiết kế rõ ràng để giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài và chuyển đổi các dây chuyền thương mại quan trọng thành tự cung tự cấp.

Mỹ cũng đã thúc đẩy chính sách kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều chính sách khuyến khích tiếp tục sản xuất tại thực địa, đồng thời hạn chế nguồn cung công nghệ cho đối thủ.

Các quốc gia trên toàn cầu, được thúc đẩy bởi một loạt các mối quan ngại về an ninh, đã đưa ra những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế của họ như châu Âu, Ấn Độ, Canada, Australia, Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Đối với Liên minh châu Âu, từ những lúng túng ban đầu để thích nghi, giờ đây họ đã biết đến một động lực lớn trong sự trỗi dậy của COVID-19. Đại dịch đã chỉ cho các nhà hoạch định chính sách rằng sự sẵn có của nguồn cung cấp y tế không thể hoàn toàn phụ thuộc vào các quy tắc hiệu quả của nền kinh tế toàn cầu.

Việc tạo ra một kho dự trữ chiến lược của EU về các thiết bị y tế, cùng một chiến lược dược phẩm mới của liên minh, đang trực tiếp giải quyết vấn đề cung cấp này. Đồng thời, Ủy ban tuyên bố hỗ trợ đàm phán một thỏa thuận đa phương, với mục tiêu lớn là tự do hóa vĩnh viễn thuế quan đối với thiết bị y tế.

Ngoài chính sách y tế, EU còn xây dựng một danh sách các nguyên liệu thô thiết yếu, trong đó việc tiếp cận tin cậy và không bị cản trở là rất quan trọng đối với nền kinh tế EU và sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật số.

Chẳng hạn, sự an toàn và đa dạng hóa của việc tiếp cận các nguyên liệu ở thị trường nước ngoài thông qua các hiệp định thương mại là trái ngược với một số sáng kiến quốc gia của EU nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, tài trợ đổi mới công nghệ thích hợp, xây dựng tốt hơn kho dữ liệu về khả năng sẵn sàng nội địa, đồng thời phối hợp với Chiến lược kinh tế xoay vòng.

An ninh kinh tế cũng được đề cập trong chiến lược công nghiệp gần đây của EU. Trong tài liệu, Ủy ban châu Âu lưu ý một cách thận trọng việc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ, thực phẩm, cơ cấu hạ tầng, an ninh và các lĩnh vực chiến lược khác là rất quan trọng đối với an ninh kinh tế.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi phải có hành động nhanh chóng cùng cách tiếp cận toàn diện hơn đối với các vấn đề an ninh kinh tế đang nổi lên ở cả châu Âu và châu Á.

Sự sẵn sàng của một công cụ phòng thủ là một phần của phương pháp này. Song, đây chỉ là một mặt của tấm huy chương, mặt còn lại là việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tránh sự lan rộng của chủ nghĩa dân tộc kinh tế và tình trạng bảo hộ các ngành công nghiệp truyền thống.

Điều này đòi hỏi một hình thức hợp tác kinh tế mới - một hình thức hợp tác tăng cường khả năng thích ứng trực tiếp trong thiết kế hội nhập kinh tế.

An ninh kinh tế trở thành một trụ cột của kết nối Á-Âu

Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Phil Hogan cho rằng EU phải xem xét cách xây dựng chuỗi cung ứng thích ứng dựa trên sự đa dạng hóa. Khả năng thích ứng, nói cách khác, không mâu thuẫn với một chính sách kinh tế quốc tế cởi mở và hợp tác.

Lý lẽ của ông Hogan là có cơ sở. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa vì mục đích tự thân sẽ không làm tăng khả năng thích ứng mặc định, giống như việc phi tập trung hóa hoặc quốc hữu hóa cũng tương tự.

Khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng chỉ được hình thành thông qua một mạng lưới các chủ thể đáng tin cậy ngay cả trong trường hợp khủng hoảng. Họ chính là những đối tác có thể cùng phát triển một cách minh bạch các cơ chế chung về nguyên tắc, phương pháp, và tiêu chuẩn điều phối rủi ro để đánh giá, chia sẻ thông tin và kỳ vọng và đối thoại tích cực với các chính phủ, công ty và nhà đầu tư.

Tóm lại, an ninh kinh tế phải trở thành một yếu tố chính của hợp tác chính trị.

Có nhiều diễn đàn đa phương cho việc này, có thể kể đến như Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (ONUDI), Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) hoặc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là những ví dụ.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia châu Âu và châu Á nên duy trì những nỗ lực đa phương nếu có thể và hành động chủ động là cần thiết.

Chiến lược kết nối Á-Âu, vốn đã tìm cách thúc đẩy các mạng lưới kinh tế bền vững và dựa trên các quy tắc tại Eurasia, có thể là công cụ hiệu quả với việc tích hợp chặt chẽ an ninh kinh tế và khả năng thích ứng trong chiến lược của mình.

Ngoài Nhật Bản, EU cũng không thể tạo ra mối quan hệ đối tác nghiêm túc với các siêu cường khác. Không giống như sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), EU bị thiếu một câu chuyện địa chính trị về những gì họ đang muốn đạt được, nơi họ muốn làm và cách thức họ liên quan đến các siêu cường khác như thế nào.

Trong sự thiếu vắng này, hầu như không ngạc nhiên khi không ít người coi đó là một câu chuyện khác phi chính trị, thuần túy kỹ thuật, quan liêu hành chính.

Những thiếu sót đó cần được giải quyết nhanh chóng. Để làm được vậy, chính các quốc gia thành viên và các tổ chức EU cần phải xem xét việc kết nối để biến đây thành một đề xuất toàn diện cho kỷ nguyên toàn cầu hóa mới, thực tế hơn trong việc giải quyết những rủi ro của nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau mà không phải hy sinh những lợi ích do nó mang lại.

Rủi ro là rất đa dạng, chúng bao gồm quyền sở hữu các lĩnh vực quan trọng, cơ sở hạ tầng và quy trình trọng yếu, gián điệp, nguyên liệu quan trọng và sự phụ thuộc năng lượng, phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất, sự can thiệp của chính phủ hoặc sự xói mòn nền tảng công nghiệp và công nghệ.

Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng toàn cầu hóa sẽ không chết, nhưng chúng ta sẽ không quay trở lại một thế giới nơi mà an ninh và khả năng thích ứng và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế chỉ tồn tại trong các ý tưởng.

Trong kỷ nguyên mới, hội nhập kinh tế phải tích hợp khả năng thích ứng ngay trong thiết kế, nếu không muốn phải đối mặt với nguy cơ đến từ các lực lượng phá hoại nhân danh chủ nghĩa dân tộc về kinh tế.

Trong khi các động lực bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang giành sự chú ý, thì trách nhiệm thực sự là bảo vệ các lĩnh vực chiến lược, cơ sở hạ tầng thiết yếu và các tiến trình quan trọng tránh khỏi các rủi ro phụ thuộc lẫn nhau mà không phải hy sinh nhiều trong hội nhập kinh tế EU-châu Á. Sự phụ thuộc lẫn nhau là khó tránh khỏi, song điều quan trọng là quản lý điều đó như thế nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục