An Giang: Xuất khẩu sầu riêng bứt phá

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết An Giang cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư, phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây tại tỉnh.

Công nhân dán tem sầu riêng để phục vụ cho công tác xuất khẩu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Công nhân dán tem sầu riêng để phục vụ cho công tác xuất khẩu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng trưởng bứt phá, vượt qua thanh long, vươn lên vị trí số 1 trong năm ngoái.

Đây là thông tin được Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin tại Hội nghị liên kết và xúc tiến, tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang 2024 do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, tổ chức ngày 24/9.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sản xuất cây ăn quả của nước ta liên tục tăng trưởng về diện tích, sản lượng. Năm 2023 tổng diện tích cây ăn quả của cả nước đạt gần 1,25 triệu ha, tăng hơn 1,6 lần so năm 2013. Tổng sản lượng khoảng 14 triệu tấn. Hai vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhất cả nước là vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 33% diện tích và Trung du miền núi phía Bắc chiếm 23% diện tích.

Cả nước hiện có khoảng 50 loại cây ăn quả, gồm các loại quả ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới; trong đó nhóm các loại quả nhiệt đới có lợi thế xuất khẩu. Năm 2023, giá trị xuất khẩu rau quả đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng gấp 1,47 lần so năm 2018 (năm có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất giai đoạn trước đây).

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng bứt phá, vượt qua thanh long, vươn lên vị trí số 1, với khoảng 2,2 tỷ USD, tăng hơn 5 lần so năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ, dư địa thị trường rau quả toàn thế giới lớn, liên tục tăng từ 222 tỷ USD năm 2013 lên 311 tỷ USD năm 2022, tăng hơn 1,4 lần sau 10 năm.

Mặc dù xuất khẩu trái cây tăng trưởng nhanh nhưng ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng sản xuất trái cây ở Việt Nam quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, kiểm soát chất lượng, tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị.

ttxvn_ buoi xuat khau.jpg
Đóng gói bưởi xuất khẩu. (Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu.TTXVN)

Việc nghiên cứu, sản xuất giống mới, sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chưa được triển khai đồng bộ; chi phí vật tư đầu vào tăng cao, giá bán cao, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh.

Ông Mười cho rằng hiện cơ sở sơ chế, đóng gói, phân phối, tiêu thụ sản phẩm trái cây trong nước chưa chuyên nghiệp; quy hoạch hệ thống kho bảo quản, xử lý sau thu hoạch và chế biến nhất là chế biến sâu còn thiếu. Bên cạnh đó, thông tin thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế; chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành hàng trái cây, đặc biệt là những thị trường lớn; các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các thị trường nhập khẩu tương đối nghiêm ngặt…

Để mặt hàng trái cây có chỗ đứng trên thị trường xuất khẩu, ông Mười cho rằng quá trình tổ chức sản xuất cần áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; tập trung xây dựng các tiêu chuẩn đối với từng loại rau quả; quá trình canh tác cần cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất gia tăng lợi nhuận.

Đặc biệt, trong canh tác cần áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử để minh bạch quá trình sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm, gắn với sản phẩm đặc sản, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là địa phương có diện tích cây ăn trái lớn với 20.000ha, sản lượng đạt hơn 350.000 tấn/năm. Tỉnh có nhiều loại cây ăn trái chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao như xoài, chuối, nhãn, cây có múi, sầu riêng….

An Giang đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung; toàn tỉnh có 514 mã số vùng trồng. Trái cây An Giang xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Australia, Hàn Quốc…

Tuy nhiên ngành hàng trái cây An Giang vẫn còn nhiều hạn chế như trái cây qua chế biến vẫn còn ở mức thấp, dẫn đến giá trị nông sản của tỉnh giá trị đem lại chưa cao; chưa hình thành vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung; doanh nghiệp “đầu tàu” đầu tư vào chế biến trái cây xuất khẩu còn hạn chế, chưa nhiều…

ttxvn_sau rieng2.jpg
Nông dân thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng An Giang cần tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung, gắn với phát triển các nhà máy chế biến, kho bảo quản và liên kết thị trường tiêu thụ.

Tỉnh cần ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ và khả năng chế biến tốt như xoài, mít, sầu riêng... nghiên cứu, xây dựng một số mô hình cây ăn quả giống mới mà địa phương chưa có; phát triển nhanh các vùng sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP, GlobalG.A.P....

Với lợi thế của ngành nông nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng An Giang cần phát triển cây ăn quả gắn với du lịch nông nghiệp; phát triển thương hiệu chỉ dẫn địa lý trái cây của tỉnh An Giang.

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết hội nghị liên kết và xúc tiến, tiêu thụ cây ăn trái tỉnh An Giang có ý nghĩa quan trọng, đây là dịp để các chuyên gia trao đổi, đề xuất các giải pháp hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái trên bàn tỉnh. Qua đó góp phần giải quyết bài toán tìm đầu ra cho các loại trái cây cho nông dân; góp phần làm tăng giá trị cây ăn trái, hướng đến liên kết sản xuất nông nghiệp ngày càng bền vững.

Bên cạnh tìm các giải pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng trái cây của An Giang đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, cho biết tỉnh rất mong các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái, đầu tư phát triển lĩnh vực sơ, chế biến đóng gói tại địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trái cây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. An Giang cam kết sẽ hỗ trợ và tạo điều thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư, phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị lãnh đạo tỉnh An Giang và các chuyên gia, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây còn trao đổi, chia sẻ, làm rõ các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ cấp mã số vùng trồng xuất khẩu; nhu cầu, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã; ký kết bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp và hợp tác xã về việc phối hợp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái, đặc biệt xoài, cây có múi.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục