Nhằm đảm bảo cảnh quan và môi trường sống của người dân, tỉnh An Giang đang khẩn trương xử lý, đóng lấp dứt điểm 2 bãi rác thuộc danh mục gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vào cuối năm 2014 và xử lý thêm 6 bãi rác vào cuối năm 2015.
Hai bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm Bình Đức (thành phố Long Xuyên) và bãi rác kinh T4 (thành phố Châu Đốc), sẽ được xử lý bằng phương pháp sàn phân loại tận thu phân hữu cơ và tận dụng các thành phần trơ để san lấp mặt bằng, trả lại diện tích trống đảm bảo an toàn để sử dụng làm công trình dân dụng.
Sáu bãi rác có tổng diện tích là 62,3ha tại huyện Châu Phú, Thoại Sơn, Phú Tân, An Phú, Chợ Mới và thị xã Tân Châu sẽ được xử lý bằng giải pháp ép bánh đóng gói cố định bằng bao nhựa HDPE và san lấp mặt bằng, tận dụng diện tích đất trống thiết kế khu vực chôn lấp hợp vệ sinh, tiếp nhận lượng rác mới tạm thời, sau đó sẽ đóng lấp, xử lý dứt điểm.
Hiện các công trình xử lý đã được phân bổ vốn thực hiện trên 105,79 tỷ đồng (Trung ương 50% và ngân sách tỉnh 50%).
An Giang hiện có lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh rất lớn, bình quân mỗi ngày trên 1.300 tấn, trong đó khu vực thành thị chiếm 37% và nông thôn là 63%.
Toàn tỉnh chỉ mới có 11 bãi rác chính và một số bãi nhỏ nằm rải rác ở các huyện, thị. Lượng rác thải rắn được thu gom đưa vào các bãi rác hoặc chứa trong các hố rác được rải vôi, phun thuốc diệt côn trùng hoặc chế phẩm EM và chờ đến mùa nắng đốt hủy.
Tuy nhiên, hiện tỉnh chưa có biện pháp xử lý nước thải, dẫn đến gây ô nhiễm môi trường không khí và nước nghiêm trọng, nhất là vào mùa mưa lũ.
Trong khi đó, các bãi chôn lấp rác thải trong tỉnh là bãi lộ thiên, xây dựng không đúng quy trình kỹ thuật và vận hành bãi không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường nên đang quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, không khí.../.